Trong khi đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 127 thành phố vẫn đang tích cực kiểm tra việc kinh doanh hàng điện tử, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em tại các điểm kinh doanh lớn thì tại các đoạn đường như: ngã ba Phan Châu Trinh- Phan Đình Phùng, ngã tư Hùng Vương - Ngô Gia Tự, Triệu Nữ Vương - Tăng Bạt Hổ, vỉa hè Siêu thị Đà Nẵng… mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em không tem nhãn xuất xứ, không dán nhãn hợp quy (CR) vẫn công khai bày bán. Có những điểm chỉ xuất hiện từ 17 giờ chiều, khi các lực lượng chức năng đã hết làm việc theo giờ hành chính.
|
Kiểm tra tại Công ty thiết bị điện Tuyết Cường. |
Đáng chú ý, tại chợ An Cư, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, xuất hiện đội quân bán bếp gas, nồi cơm điện, bình nấu nước của Công ty TNHH TM&DV Tiến Phúc Tiến có địa chỉ tại 382/8 Hùng Vương - Đà Nẵng. Nhân viên bán hàng của công ty này cho biết, mặt hàng bếp gas được lắp ráp và sản xuất tại Bình Dương có nhãn hiệu Rina, còn nồi cơm điện và bình nấu nước có nhãn hiệu Sharp, International được nhập về từ Thái Lan. Hàng được bán với giá 1,1 - 1,3 triệu đồng/bếp gas Rina, 850 - 860 nghìn đồng/nồi cơm điện tùy theo loại…
Nếu khách hàng muốn mua trả góp, giá phải trả chỉ cao hơn giá bán trả tiền ngay khoảng từ 50 - 100 nghìn đồng/sản phẩm. Công ty sẽ lập hợp đồng mua bán với khách hàng và hằng tuần đến tận nhà khách hàng để thu 70.000 đồng. Trong thời gian 1 tháng, công ty sẽ bảo hành sản phẩm theo các điều kiện cam kết trên hợp đồng mua bán. Một chị chọn mua một nồi cơm điện Sharp cho biết, mua trả góp có cao hơn khoảng 50 nghìn đồng, nhưng số tiền ban đầu bỏ ra khoảng 260 nghìn đồng, bằng 1/3 giá trả mua ngay, lại trả góp hằng tuần, có hư cũng được công ty bảo hành nên cũng dễ mua.
Nhân viên công ty xòe danh sách mua hàng trong ngày (có đến trên 20 khách hàng) chứng minh cho thấy bán rất được với phương thức này. Tuy vậy, điều nhận thấy rất rõ là toàn bộ nồi cơm điện hay bình nước nóng, theo công ty được nhập về từ Thái Lan, đều không có nhãn phụ và tem hợp quy CR. Mặt hàng bếp gas được lắp ráp trong nước cũng không có địa chỉ, tên Rina thì na ná với một thương hiệu bếp gas nổi tiếng của Nhật. Đại diện BQL chợ An Cư, ông Đỗ Xuân Hòa cho biết: Đội bán hàng lưu động này không có đăng ký bán hàng tại chợ mà chen vào nhà dân ở gần khu vực chợ, nay điểm này, mai điểm khác, không cố định và cũng không thuộc phạm vi của BQL chợ nên khó có thể nhắc nhở.
Ông Hòa còn cho biết thêm, không chỉ có nồi cơm điện, bình nấu nước, tại đường kiệt trước mặt chợ, còn xuất hiện người chở mũ bảo hiểm đi bán dạo, có ngày bán hết cả 2 bao tải mũ bảo hiểm. Được biết, mũ bảo hiểm giá chỉ 30 - 40 nghìn đồng/cái và không có nhãn mác đúng quy định. Trên thực tế, lực lượng chức năng cũng rất ít khi đến kiểm tra, nên hằng ngày, hàng kém chất lượng, hàng chưa đúng quy định vẫn được lưu thông ở chợ này.
Đề cập đến vấn đề xử lý vi phạm tại các cơ sở nêu trên, ông Hồ Công Quốc, thành viên trong đoàn kiểm tra 127/TP cho rằng thường có những khó khăn trong khi đi kiểm tra các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ như đã nêu ở trên. Đó là họ hay bỏ chạy khi đoàn đến kiểm tra, xử lý. Đoàn muốn lập biên bản cũng không có người đứng ra chịu trách nhiệm. Vừa qua, Đoàn kiểm tra đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể như Đội quy tắc trật tự đô thị, cơ quan Thuế, Hội Phụ nữ… để nhắc nhở, vận động tiểu thương buôn bán đúng quy định Nhà nước, xử lý triệt để các hành vi cố ý vi phạm…
Ông Trương Công Tuyến, Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố), Trưởng đoàn kiểm tra đợt này, cho biết: Trong quá trình kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đoàn vẫn khuyến khích tính tự giác của các cơ sở kinh doanh thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, đồng thời hướng dẫn và nhắc nhở thêm để các cơ sở này thực hiện tốt hơn.
Bài và ảnh: Duyên Anh