Tỷ lệ dân số già hóa tăng nhanh, nhưng nhận thức, hành vi của con người lại chưa thích ứng với điều đó. Và đây chính là nguyên nhân khiến người già thiệt thòi. Bà Phạm Tuyết Nhung, Phó Ban Đối ngoại Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam, chia sẻ về thực tế việc đưa luật vào cuộc sống tại các địa phương…
|
Bà Phạm Tuyết Nhung |
Vẫn tồn tại quan niệm người cao tuổi là gánh nặng
Thưa bà, bà có nhận định gì về cách ứng xử của xã hội đối với người già trong tình hình hiện nay?
Thực tế là NCT tới tuổi hưu là gần như họ bị lãng quên ngay trong chính gia đình mình. Họ nếu còn khỏe thì mặc nhiên phải lo toan chăm sóc gia đình, con cháu và không có thời gian cho riêng mình. Thậm chí, một bộ phận còn có quan niệm thiên lệch rằng NCT là gánh nặng sống phụ thuộc vào con cháu.
Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp những nhu cầu ngày càng tăng của NCT: chỉ có 21% NCT có lương hưu hoặc bảo trợ xã hội; gần 20% NCT được nhận trợ cấp xã hội; rất ít bệnh viện hoặc các cơ sở y tế dành cho NCT; chỉ có 50% NCT có thẻ BHYT.
Mặt khác, nhiều NCT bị tàn tật tâm thần do bệnh tật, tuổi già không đến bệnh viện được nên không được xét trợ cấp xã hội. Một số nơi trạm y tế xã không khám chữa bệnh BHYT cho NCT. Nhiều NCT do giấy tờ không khớp nhau nên bị vướng khi khám BHYT.
Trong luật NCT đã nêu, “Ưu đãi về vốn tín dụng cho NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, giảm nghèo”, nhưng thực tế NCT hầu như không được vay vốn từ các vốn tín dụng nhỏ hoặc từ Ngân hàng chính sách”. Mô hình, kinh nghiệm tốt như “CLB liên thế hệ tự giúp nhau” rất có hiệu quả cả về kinh tế, xã hội góp phần cải thiện cả đời sống vật chất, tinh thần cho NCT nhưng chưa có điều kiện nhân rộng…
Bên cạnh đó, các điều kiện vui chơi, giải trí của NCT còn hạn chế. Hiện các Trung tâm bảo trợ xã hội rất ít, chất lượng kém, các địa phương lại càng thiếu. Tại các thành phố lớn có rất ít cơ sở chăm sóc NCT ở cộng đồng, còn ở các trung tâm tư nhân thì tiền đóng quá lớn có nơi 8-10 triệu/tháng. Nguyên do là thiếu sự hỗ trợ tạo điều kiện của Nhà nước, các cơ sở phải thuê địa điểm, tự trang bị thiết bị. Dù trong Luật NCT nêu, Nhà nước hỗ trợ đất đai, vốn để xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng người già nhưng đến nay hầu như chưa có địa phương nào làm được.
Hiệu lực của việc thực thi luật phụ thuộc chính quyền
Nhiều người trong cuộc bi quan cho rằng, còn phải rất lâu nữa, Luật NCT mới thực sự thấm nhuần vào đời sống vì rất nhiều những rào cản, những mặc định trong tâm lý, trong xã hội... Trong khi đó, Luật NCT đã được thông qua từ năm 2009. Vậy T.Ư Hội NCT đã làm gì để thúc đẩy Luật đi vào cuộc sống, thưa bà?
Những bất cập trên và tình trạng quan liêu, tham nhũng trong thực hiện chính sách sẽ được khắc phục rất nhiều nếu như việc thực hiện được công khai, minh bạch, và được các đoàn thể quần chúng và cộng đồng cùng tham gia thực hiện và giám sát, trong đó có Hội NCT ở địa phương.
Theo thống kê hiện cả nước có 1.429.121 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa là 97.672 người; người cao tuổi 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 1.331.449 người (tăng 200% so với thời điểm trước khi ban hành Luật NCT).
Trong 6 tháng đầu năm 2012, Bảo hiểm xã hội đã chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 2,5 triệu lượt người với số tiền 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương vẫn xem công tác NCT chỉ là những hoạt động phong trào, là công tác riêng của Hội NCT các cấp.
Khi người dân và các tổ chức quần chúng nắm rõ các chính sách, hiểu biết về quyền lợi của mình, được nâng cao năng lực, cách thức và phương pháp giám sát, góp ý để cùng với chính quyền thực hiện thì luật pháp và chính sách sẽ được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần thực hiện cơ chế dân chủ cơ sở, phòng chống tham nhũng và các tiêu cực khác...
Để góp phần đưa Luật NCT vào cuộc sống hiệu quả hơn và nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng ở các địa phương, năm 2010-2011, T.Ư Hội NCT đã xây dựng Dự án “Thúc đẩy sự tham gia và giám sát của Hội NCT Việt Nam trong việc thực hiện Luật và các chính sách đối với NCT” tại 8 tỉnh là Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Cà Mau, Hà Nội, Thái Bình, Đak Lak, Trà Vinh do Quỹ Hỗ trợ sáng kiến tư pháp (Chương trình Đối tác tư pháp) tài trợ. Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi của NCT ở diện rộng hơn là điều tra và giám sát việc thực hiện Luật và các chính sách cho NCT ở địa phương.
Dự án thành công đã đem lại lợi ích trực tiếp cho hơn 4.000 NCT đang được hưởng chế độ trợ cấp và gần 20.000 NCT ở 8 tỉnh, thành được hưởng sự minh bạch, nghiêm túc của Luật và các chính sách, chương trình của Nhà nước và xã hội dành cho NCT; tạo cơ chế để Hội NCT tham gia thực hiện và giám sát thông qua các Tổ giám sát, quy chế giám sát, phương pháp giám sát để NCT được tham gia bảo vệ quyền lợi của mình; nâng cao kiến thức và năng lực về Luật và chính sách cho NCT…
Thực tế, việc thực hiện chính sách ở các địa phương ra sao, thưa bà?
Thông qua dự án, lần đầu tiên Hội NCT được tạo cơ chế giám sát và nâng cao năng lực trong phát hiện các thiếu sót, góp ý kiến, giúp đỡ chính quyền, phòng chống tham nhũng ngay từ cấp cơ sở. Tuy nhiên, việc thực hiện ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, bản thân các chính sách, các văn bản dưới luật vẫn còn thiếu và nhiều điểm chưa sát thực tế khiến cho một số NCT bị thiệt thòi.
Hơn nữa, trong thực tế hầu như người dân không nắm rõ quyền hạn và lợi ích của mình (vay vốn, miễn đóng góp, mua vé rẻ...); Không được tham gia vào việc thực hiện Luật và CS. Hiện nay hiệu lực của việc thực thi pháp luật phần lớn phụ thuộc vào chính quyền.
Xin cảm ơn bà.
Nguyệt Thương (thực hiện)