"Lọ lem Sài Gòn" làm lem luốc màn ảnh Việt?

Công chiếu hôm 8/5 sau nhiều tháng dài quảng bá rầm rộ, Lọ lem Sài Gòn, bộ phim được giới trẻ mong đợi đã nhận được phản hồi hết sức tệ. Lại một lần nữa, sản phẩm điện ảnh dành cho giới trẻ bị chính giới trẻ từ chối vì sự hời hợt, kém duyên.

Công chiếu hôm 8/5 sau nhiều tháng dài quảng bá rầm rộ, Lọ lem Sài Gòn, bộ phim được giới trẻ mong đợi đã nhận được phản hồi hết sức tệ. Lại một lần nữa, sản phẩm điện ảnh dành cho giới trẻ bị chính giới trẻ từ chối vì sự hời hợt, kém duyên.

Lọ Lem Sài Gòn được đầu tư công phu với sự hợp tác với điện ảnh Hàn Quốc (kịch bản, đạo diễn, diễn viên chính, diễn viên khách mời đều từ Hàn Quốc). Hòa trong cơn sốt "thần tượng" sao Hàn, đây là bộ phim  từng được giới teen Việt đánh giá là "đáng mong chờ nhất năm 2013".

Sự xuất hiện của ngôi sao Hàn Quốc gốc Việt biệt danh "PSY nhí" là một trong những chiêu PR rùm beng trước khi Lọ lem Sài Gòn ra rạp

Bộ phim đã được giới thiệu như là một sản phẩm điện ảnh "độc đáo" nói về niềm đam mê âm nhạc và khát khao khẳng định bản thân của người trẻ,  được kì vọng sẽ có nhiều cảnh quay đẹp, vũ đạo bắt mắt. Đặc biệt, với sự xuất hiện của các nhân vật "mỹ nam" Min Woo và - diễn viên khách mời Hwang Min Woo, cậu bé gốc Việt từng dậy sóng khi xuất hiện trong clip Gangnam Style với biệt danh PSY nhí.

Với chừng ấy kì vọng, có thể hiệu nổi sự bất mãn của giới trẻ khi phải thưởng thức những thước phim ẩu vụng, rời rạc và thiếu chiều sâu. Chưa kể đến tạo hình nhân vật thiếu "đẹp", dàn dựng sân khấu của một cuộc thi âm nhạc mang tầm vóc châu Á thì không khác gì quy mô một cuộc thi âm nhạc cấp... làng, những màn chọc cười kiểu "thọt lét" và các pha hành động chẳng ăn nhập với nhau... Nhiều bạn trẻ sau khi xem phim, đã phản hồi là giống đi xem một màn... tạp kĩ (!)

Còn nhớ, trước đó, không ít sản phẩm điện ảnh với đề tài hướng đến cuộc sống, tình yêu, khát vọng sự nghiệp của giới trẻ sau khi ra rạp cũng bị chê tơi tả dù đầu tư không ít. Nàng men chàng bóng (Đạo diễn Nguyễn Tất Bình), Tối nay 8 giờ (Đạo diễn Lê Hoàng), Iêu anh! em zám hok? (Đạo diễn Nguyễn Quang Minh)... đều là những bộ phim được quảng cáo khá rầm rộ, khán giả trẻ chờ đợi, và nhanh chóng bị... ném đá sau khi ra rạp.

Trở lại với bộ phim vừa ra rạp Lọ lem Sài Sòn, điều khiến bộ phim bị chê trách nhất chính là sự... cẩu thả. Nickname Nguyenthao... đã bình luận trên một diễn đàn điện ảnh: "Có lẽ, nhà làm phim nghĩ chỉ cần dán mác "Hàn" vào bộ phim là đủ để giới trẻ Việt "phát sốt" lên, mà không cần đầu tư đến nội dung, trau chuốt thước phim, cảnh quay hay ý nghĩa của bộ phim nữa. Theo mình, một bộ phim cẩu thả như vậy chính là coi thường thẩm mỹ điện ảnh của giới trẻ Việt".

Một số đạo diễn kinh nghiệm với dòng phim "thị trường", đã chia sẻ đại ý rằng, vì gu của khán giả, của giới trẻ Việt Nam bấy nhiêu, thì chỉ cần làm vừa đủ "hài hài nhảm nhảm" pha chút hành động, giật gân là ăn khách rồi.

Thế nhưng, ngược lại, công chúng, mà nhất là người trẻ lại luôn than phiền rằng phim Việt khiến họ bị ức chế, rằng họ nghe nói đến phim Việt, nhất là "phim teen" thì  không dám đến rạp vì sợ lại phải ăn món "xào thập cẩm". Những vị đạo diễn, các nhà làm phim kia  "viện" cái gu của khán giả, mà quên mất rằng họ, những người tham gia bộ môn nghệ thuật thứ 7 với tư cách "cha đẻ" của những sản phẩm điện ảnh, bên cạnh việc đáp ứng như cầu của công chúng, còn phải là người đem cái tài, cái thẩm mỹ của mình ra mà định hướng công chúng.

Văn hóa điện ảnh chỉ có thể cao lên khi mà hai bên cũng nỗ lực: Người làm phim không dễ dãi với thước phim của mình, và khán giả không dễ dãi khi thưởng thức. Chưa nói đến tầm, đến kinh phí, chỉ thấy rằng, một khi đã xem thường hay đánh giá thấp "gu" của công chúng, thì làm sao người làm phim có thể cho ra đời những thước phim duyên, tinh tế và có chiều sâu. Mà phim tinh tế, phim sâu sắc và hay thì đời nào khán giả lại chê?

Ngọc Mai

Đọc thêm