Sắp tròn 10 năm kể từ ngày đồng tiền Euro xuất hiện quen thuộc trong chiếc ví tiền của hàng triệu người dân châu Âu (1/1/2000 - 1/1/2011). Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng trong khu vực đồng Euro (Eurozone), sự tồn tại và nguy cơ “chết yểu” của đồng tiền này đang được giới kinh tế đặt lên bàn cân xem xét.
Trang nhất báo chí Pháp ưu tiên cho sự kiện kỷ niệm 10 năm lưu hành đồng Euro. |
Hoài nghi trở lại
Được sử dụng từ năm 1999 trên thị trường tài chính, đồng tiền chung duy nhất sau đó đã đi vào đời sống thường nhật của người dân trong 12 quốc gia châu Âu vào ngày 1/1/2002 - ngày mà đồng Franc của Pháp, đồng Deutche Mark của Đức và đồng Lia của Italia được thu hồi. Đến nay, khu vực đồng Euro gồm 332 triệu người trong 17 quốc gia. Theo con số thống kê của Ngân hàng Trung ương châu Âu (BEC), tới giữa năm 2011, 14,2 tỉ giấy bạc và 95,6 tỉ đồng xu với tổng giá trị gần 870 tỉ Euro đã được lưu thông.
Các quan chức chính trị và kinh tế không ngừng nhấn mạnh về những lợi ích của đồng tiền chung duy nhất: “Sự lựa chọn ngày càng tăng và giá cả thì ổn định đối với người tiêu dùng, an toàn và có nhiều cơ hội hơn đối với các doanh nghiệp và thị trường” hay “một dấu hiệu hữu hình mang bản sắc châu Âu”, trang web của Ủy ban châu Âu ca ngợi.
Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lạp năm 2010 sau đó lan rộng ra toàn bộ khu vực đồng Euro, lại xuất hiện những hoài nghi về sức mạnh và sự tồn tại của đồng Euro. Bất chấp những lợi thế rõ ràng để đi du lịch, “người tiêu dùng chưa bao giờ thực sự hài lòng (với đồng Euro), họ luôn giữ nhận thức ban đầu là nó có thể tăng giá”, nhà kinh tế học Andre Sapir của Trung tâm nghiên cứu về các chính sách kinh tế ở châu Âu Bruegel, đánh giá.
Trong khi BCE quan tâm một cách hiệu quả đến sự ổn định giá cả, với mức lạm phát giới hạn trung bình 2% mỗi năm từ năm 1999, thì việc người tiêu dùng tập trung vào những hàng hóa hàng ngày như bánh mì hay xăng đã gây nên hiện tượng lạm phát trong tất cả các nước mà đồng Euro lưu hành. Và những người thường xuyên phải đổi sang đồng tiền quốc gia của họ không thể tránh khỏi việc phải chấp nhận giá quy đổi cách đây 10 năm, ông Sapir giải thích. Về bản sắc châu Âu mà đồng Euro có nghĩa vụ phải củng cố, nó đã bị giáng một đòn mạnh kể từ cuộc khủng hoảng nợ công và những cuộc mặc cả chưa có hồi kết để thoát ra.
Không có “kế hoạch B”
Các doanh nghiệp nhấn mạnh những lợi ích của đồng Euro, đặc biệt tại Đức. Chẳng hạn ngành công nghiệp ô tô đang phát triển mạnh có thể tiết kiệm được từ 300 đến 500 triệu Euro mỗi năm các khoản chi phí giao dịch kể từ khi sử dụng đồng tiền chung, nhà phân tích của ngân hàng Đức Metzler Jurgen Pieper cho biết.
Tuy nhiên, đồng Euro chỉ là một “véc-tơ trong số những véc-tơ khác” của nền kinh tế châu Âu vốn đã hợp lại từ Hiệp ước Maastricht và mở biên giới trong không gian Schengen năm 1993, mở rộng Liên minh sang Đông Âu từ năm 2004 và quốc tế hóa, ông Sapir nói.
“Tất cả dường như đã diễn ra tốt đẹp cho tới khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó lộ ra những yếu kém về thể chế trong khu vực đồng Euro”, Philip Whyte – nhà nghiên cứu ở Trung tâm Cải cách châu Âu của London – nhận xét.
Sự thiếu vắng việc sáp nhập ngân sách và giám sát ngân hàng đã dẫn tới những mất cân bằng lớn về tài chính. Vì việc giảm mạnh lãi xuất ở khu vực phía Nam châu Âu sau khi đồng tiền chung lưu hành đã khiến các chính phủ, các doanh nghiệp và cả các hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, và toàn thế giới, kể cả ở các nước phát triển, đã “đánh giá thấp những rủi ro”, theo các nhà nghiên cứu của Anh.
Mới đây, các quốc gia trong khu vực đồng Euro đã nhất trí tăng cường kỷ luật tài chính trong các hiệp ước của châu Âu. Tuy nhiên, không có ai suy nghĩ một cách nghiêm túc về sự trở lại của các đồng tiền quốc gia cũ ngay cả khi sự luyến tiếc đang tràn ngập trong khu vực này, đặc biệt là tại Đức – nước đã rất gắn bó với đồng Deutsche Mark vốn được coi như phép lạ sau chiến tranh.
Theo các nhà kinh tế học, sự kết thúc của đồng Euro có thể sẽ là thảm họa đối với các ngân hàng châu Âu do sự mất giá dự báo của các đồng tiền ở các nước Nam Âu mà họ là chủ nợ. Và Đức, nước có đồng tiền được đánh giá cao đáng kể, sẽ chứng kiến khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu với việc sa thải hàng loạt lao động.
Về những tin đồn cho rằng đồng tiền cũ của Đức được bí mật in trở lại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann mới đây đã nói đùa: “Không có kế hoạch B, không có máy in trong các hầm của Ngân hàng Trung ương Đức - Bundesbank”.
Quang Minh (Theo báo Pháp)