Theo một dự thảo về chứng khoán mà Bộ Tài chính đang xây dựng thì sắp tới, cá nhân giao dịch chứng khoán từ 200 triệu đồng và tổ chức từ 500 triệu đồng một ngày sẽ phải báo cáo. Điều này đang gây bất ngờ và bức xúc với nhiều nhà đầu tư vì từ trước đến nay việc họ giao dịch cả vài trăm triệu đồng tới tiền tỷ trong một phiên là bình thường. Quy định trên nằm trong dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng. Dự thảo này được Bộ Tài chính công bố từ tháng 8 để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện, và dự kiến ban hành trong năm nay. Trong bối cảnh thị trường lình xình, èo uột cả nửa năm nay, điều này dường như càng gây tâm lý bi quan cho nhà đầu tư. Phần lớn đều không đồng tình với điều chỉnh trên của Bộ Tài chính, vì cho rằng điều này sẽ làm chậm tiến độ phát triển và kéo thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng đi ngược lại với xu thế chung của thế giới.
Theo anh Nguyễn Duy Khoa, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán VNS, trên góc độ một nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường nhiều năm nay thì anh nhận thấy quy định này có quá nhiều hạn chế, rắc rối, nếu không nói là vô lý. Anh Khoa phân tích, với số tiền 200 triệu đồng thì mỗi phiên chỉ cần giao dịch từ hơn 2.000 cổ phiếu có giá trị lớn đến trên dưới chục nghìn cổ phiếu có giá trị thấp và trung bình là cá nhân đã phải báo cáo. Điều này trái hẳn với quy luật mua bán hàng hóa thông thường, gây tốn thời gian và tâm lý ức chế cho nhà đầu tư, bởi số lượng cổ phiếu mua bán chưa đáng bao nhiêu nhưng nhà đầu tư đã bị "đánh dấu". Trong lúc thị trường đang èo uột suốt thời gian dài qua thì điều này càng không kích thích dòng tiền mới nhàn rỗi chảy vào. "Tóm lại, cách làm trên của nhà quản lý có thể xem là lợi bất cập hại, làm thị trường chứng khoán mất đi thanh khoản mà vẫn không quản lý được các “giao dịch đáng ngờ”, nhà đầu tư luôn bị chi phối một cách quá đáng trong giao dịch, dẫn đến chứng khoán, một kênh huy động vốn lớn của doanh nghiệp, càng kém hấp dẫn", anh Khoa nói. Còn chị Hằng, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Agribank nêu quan điểm: “Tôi biết mục đích của cơ quan quản lý khi đưa ra quy định này là nhằm phòng chống rửa tiền, giao dịch nội gián hay làm giá trong chứng khoán. Tuy nhiên biện pháp trên không hiệu quả, lại khiến giới kinh doanh chứng khoán nghĩ rằng cơ quan quản lý cứ không làm được thì ra lệnh cấm. Theo tôi, cần xây dựng các tiêu thức để giao dịch một mã được coi là bất thường và lượng hóa chúng vào chương trình giao dịch. Khi giao dịch một mã phạm vào điều này, chương trình sẽ tự động cho ngừng giao dịch một thời gian. Khoảng thời gian ngừng này sẽ giúp NĐT suy nghĩ và định hình lại khi giao dịch được nối tiếp”. Đại diện các công ty chứng khoán cũng có cái nhìn khá bi quan nếu dự thảo trên được đưa vào thực thi. Anh Nguyễn Văn Long, nhân viên môi giới Công ty chứng khoán An Bình, cho rằng, đương nhiên những quy định, điều chỉnh của cơ quan quản lý đều muốn làm thị trường ngày càng minh bạch thêm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là dòng tiền đầu cơ, nên rồi đây mọi người sẽ không còn mặn mà với thị trường nếu họ mua bán đúng luật mà luôn gặp phải "chướng ngại vật". Giám đốc khối dịch vụ, Công ty chứng khoán SME, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, về góc độ các công ty chứng khoán, việc phải nhận và xử lý nhiều báo cáo của nhà đầu tư trong phiên tốn rất nhiều công sức, chi phí, có khi phải tuyển thêm nhân sự mới kham nổi. Quy định trên không cấm được những giao dịch nội gián hay rửa tiền, mà còn khiến nhà đầu tư cảm thấy chán nản và ức chế. Ở đa số công ty chứng khoán, 80% là nhà đầu tư nhỏ lẻ nhưng giao dịch chỉ chiếm 20% thị phần, còn 20% còn lại là nhà đầu tư lớn với giao dịch chiếm tới 80%. Thông thường mỗi phiên tại sàn SME ở Hà Nội, giá trị giao dịch trung bình của một nhà đầu tư lớn cao gấp nhiều lần số tiền 200 triệu đồng, có khi lên tới tiền tỷ, còn các tổ chức thì giao dịch cả hàng chục tỷ đồng. Nếu dự thảo có hiệu lực thì ngày nào, lúc nào giao dịch họ cũng phải báo cáo, rất phiền hà, mất thời gian. Hơn nữa điều quan trọng là việc này sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư e ngại, xu hướng giao dịch ít hơn. Theo đó thị trường cũng mất khả năng huy động vốn và tính thanh khoản. Với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, giao dịch trong mỗi phiên dù không đến số lượng 200 triệu đồng song họ cũng hầu như không đồng tình với biện pháp trên của Bộ Tài chính vì mục đích của họ khi tham gia thị trường cũng là muốn kiếm lời. Song nếu thị trường không cởi mở để kích thích nguồn vốn thì sẽ khó tăng trưởng. Bên cạnh đó, theo ông Đức, nhà đầu tư sẽ có rất nhiều cách để “lách luật”, mà đáng kể là quy định mới trên có thể khiến tình trạng nhà đầu tưmở nhiều tài khoản (điều này đang bị cấm) để giao dịch lớn và tiện mua bán trong phiên gia tăng. “Theo tôi thiết nghĩ, cơ quan quản lý nếu muốn thị trường minh bạch hơn, hạn chế các hoạt động rửa tiền và giao dịch nội gián thì cần phải lấp những “kẽ hở” khác trong luật chứng khoán hiện hành như quy định và kiểm tra chặt chẽ hơn các thông tin doanh nghiệp công bố, phạt nặng những tổ chức, cá nhân tham gia làm giá cổ phiếu vì mức tiền phạt hiện tại quá nhẹ so với “món hời” họ kiếm được qua mỗi phi vụ…”, ông Đức kiến nghị.
Theo Đông Nhiên
Đất Việt
Đất Việt