Lo nghệ nhân ca trù.. trả danh hiệu

Bà Nguyễn Thị Ngoan-Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội bức xúc, mặc dù ca trù đã được vinh danh nhưng sau vinh danh, nó vẫn chưa được quan tâm đúng như những gì đáng được nhận. Cứ cái đà này, không khéo các cụ xin “từ” danh hiệu cũng nên.

Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 đã khép lại với vỏn vẹn 5 CLB ca trù tham gia. Việc có mặt “cầm chừng” của các CLB không ngoài lý do về chế độ đãi ngộ. Sau hơn 3 năm được UNESCO vinh danh, đến nay việc bảo tồn Ca trù vẫn loay hoay “tự biên, tự diễn”.

Sợ nghệ nhân trả lại danh hiệu

Không như kỳ vọng của ban tổ chức, Liên hoan CLB Ca trù Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 20-21/12 khá buồn tẻ. Không gian biểu diễn ca trù chỉ có mặt một vài lãnh đạo thành phố, nghệ nhân, nhà báo và ít ỏi du khách. Vì Liên hoan này đều là “tự nguyện”, ít hay không có chế độ cho những nghệ nhân và ca nương tham gia nên nhiều CLB Ca trù không mấy mặn mà. Vì quá yêu Ca trù, 5 CLB Ca Trù: Hà Nội, Lỗ Khê, Thăng Long, Chanh Thôn, Thái Hà đã phải “tự lực cánh sinh”, “vác tù và hàng tổng” để đến với Liên hoan.

Liên hoan ca trù chỉ vỏn vẹn 5 câu lạc bộ tham gia
Liên hoan ca trù chỉ vỏn vẹn 5 câu lạc bộ tham gia

Hơn 3 năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nhưng những việc làm được so với kế hoạch đặt ra chỉ là kiểm kê, lên danh sách nghệ nhân, câu lạc bộ, tổ chức hội thảo, hội nghị và các cuộc liên hoan. Còn việc để có một chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân, nghệ sĩ, câu lạc bộ ca trù… thì vẫn bị “ngó lơ”.

GS. Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn hóa Văn nghệ dân gian Việt Nam từng thốt lên: “Lòng hay nhưng tay áo ngắn!” hay “có “Thực mới vực được đạo”. Các nghệ nhân có tuổi rất muốn truyền nghề nhưng sức lực đang tàn mà chế độ đãi ngộ thì không có. Trong 20 năm nay, GS Ngọc Thanh đã liên tục xin các cấp lãnh đạo làm bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân nhưng vẫn chưa được. “Chúng ta bỏ rơi những thứ rất đáng quý. Chỉ một người chết đi con cháu lấy đâu mà học”. Nếu “chiểu” theo quy chế thi đua, khen thưởng, để được là nghệ nhân dân gian, các cụ phải  có 3 HCV, mà Ca trù thì lấy đâu ra liên hoan nhiều đến thế để các cụ có cơ hội nhận HCV?. Khi UNESCO công nhận thì không thấy bóng dáng nhà lãnh đạo hỏi đến các cụ nghệ nhân. Các cháu đi học hát bảo đi biểu diễn cho ai?.

Bà Nguyễn Thị Ngoan-Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội bức xúc, mặc dù ca trù đã được vinh danh nhưng sau vinh danh, nó vẫn chưa được quan tâm đúng như những gì đáng được nhận. Cứ cái đà này, không khéo các cụ xin “từ” danh hiệu cũng nên.

Xuất hiện “ca trù nhái”

Một nghệ nhân ca trù ở Câu lạc bộ Hà Nội từng “choáng váng” khi được một ca sĩ hát nhạc trẻ đề nghị dạy hát ca trù với thời gian “siêu tốc”… 1 tháng! Nghệ nhân đó đã giải thích,  việc học ca trù phải rất quy củ và mất nhiều thời gian, thường đào kép phải học từ sáu, bảy tuổi, sau chừng bốn năm năm may ra mới học được dăm ba chục điệu làm lưng vốn hành nghề. Phớt lờ việc giải thích ấy, cô ca sĩ nói rằng, cô chẳng cần phải học dăm ba chục điệu, bài cổ mà chỉ cần học 1-2 bài “dắt lưng” để kiếm cơm.

Theo cô ca sĩ này thì cô muốn mình sớm trở thành… “ca nương” để khẳng định “tài năng” của mình với đồng nghiệp. Cô có “khát khao” rằng, trong một chương trình nghệ thuật, cô- từ một ca sĩ hát “Trống vắng”, ngay lập tức biến thành ca nương với bài “Gặp đào hồng ”. Nếu được vậy, đồng nghiệp, khán giả có thể khâm phục “tài biến hóa” cũng như “đổi món” của cô.

Đào nương, kép đàn xuất hiện ồ ạt cộng thêm việc “hiện đại hóa” làn điệu ca trù đã phần nào làm “hỏng” các làn điệu ca trù cổ. GS Tô Ngọc Thanh bất bình: “Nhiều người muốn hiện đại hóa các làn điệu ca trù cổ chẳng khác nào châu báu, vàng ngọc của ông cha bị con cháu gắn thêm vài mảnh đồng, thiếc, cũng chẳng khác nào cái áo the nuột nà bị vá miếng veston!”.

Truyền nghề - một vấn đề rất quan trọng trong bảo tồn di sản phi vật thể, cũng đang đối diện với những thực tế đáng báo động. Tình trạng nghệ nhân lớn tuổi đã ít và mỗi năm lại có thêm các cụ về với tổ tiên, vốn đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Nhưng vấn đề là việc truyền nghề cũng tự phát thậm chí tùy tiện. Thầy giỏi và thực sự có tâm nghề rất ít nên việc đào tạo đa số không cơ bản, thời gian dạy và học quá ngắn. Vì thế nhiều người được giới thiệu là kép đàn, ca nương, đào nương hay quan viên nhưng khi thể hiện thì các cụ có nghề đều lắc đầu, không phải ca trù hoặc… “ca trù nhái”.

Nếu những người học, các ca nương, câu lạc bộ cứ chạy theo bề nổi, chạy theo hợp đồng biểu diễn, còn các cơ quan chức năng vẫn “ngó lơ” chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân, CLB ca trù thực thụ thì “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” này sẽ đi về đâu?. Và đến bao giờ Việt Nam có thể làm hồ sơ đề nghị UNESCO rút ca trù khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại?.

Thùy Dương

Đọc thêm