Loạt chính sách hỗ trợ người lao động sau Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với các chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn ưu đãi dành cho người lao động sẽ được triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm, dự báo thị trường lao động hứa hẹn sẽ sớm phục hồi nhanh chóng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, mặc dù chịu tác động của đại dịch, song thị trường lao động phục hồi do sản xuất cũng đang trong quá trình phục hồi, có những đơn vị phục hồi 100% lao động. Tùy theo thực tiễn sản xuất mà đặt ra yêu cầu phục hồi lao động khác nhau, về cơ bản chúng ta đạt mức phục hồi bình quân chung là 85%. Với mức phục hồi 85% thì không thiếu trầm trọng lực lượng lao động, nhưng điều đáng lo ngại là thiếu lực lượng lao động chất lượng cao.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Để tạo việc làm ổn định cho người lao động, Chính phủ cũng ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

“Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Bên cạnh đó, xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”, Thứ trưởng nêu rõ.

Bộ LĐ-TB&XH dự kiến gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động sẽ trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Có 2 mức hỗ trợ, đối với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm là 500.000 đồng/tháng; đối với người lao động về quê quay trở lại làm việc được hỗ trợ 1 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng.

Ngoài chính sách hỗ trợ tiền mặt, Chính phủ còn có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng nguồn vốn cho vay với các chính sách này tối đa là 25.000 tỷ đồng.

Liên quan tiến độ triển khai gói hỗ trợ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay: “Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ LĐ-TB&XH đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 15/2 tới đây chúng tôi sẽ trình Chính phủ thông qua hướng dẫn thực hiện hỗ trợ. Về cơ bản gói hỗ trợ sẽ triển khai trong tháng 2, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022”.

Đánh giá việc ban hành chính sách hỗ trợ trong năm 2022, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, Chính phủ rất kịp thời, phù hợp với mong muốn của công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Cũng đánh giá cao gói hỗ trợ của Chính phủ, tuy nhiên ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 cũng bày tỏ lo ngại gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động sẽ có những rào cản về thời gian, thủ tục hành chính. “Chúng ta cần thúc đẩy nhanh, kịp thời và sớm để người lao động được thụ hưởng sớm. Không chỉ sau đại dịch, thông thường nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sau Tết Âm lịch để cho năm mới. Nếu chính sách không kịp thời sẽ qua mất mùa tuyển dụng, làm lỡ hết kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp”, ông Thân Đức Việt kiến nghị.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, đến 9/2, hơn 1,9 triệu lao động đã quay trở lại thành phố làm việc sau Tết, chiếm 96%. Trong đó, số lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp là 262.000 người trên tổng số 273.000 người; tại khu công nghệ cao là 49.700 người trên tổng số hơn 51.700 người; còn lại hơn 1,6 triệu lao động là các doanh nghiệp bên ngoài ở các địa phương hơn 1,6 triệu.

Với tình hình này, dự kiến sau ngày 13/2, lực lượng công nhân ở các doanh nghiệp sẽ quay lại đầy đủ. Hiện, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị đơn hàng tới tháng 7 tới nên có các chính sách khá tốt giữ chân lao động. “So với các năm trước thì năm nay tỷ lệ công nhân quay lại cao hơn, trừ một số doanh nghiệp quy mô nhỏ còn cho lao động nghỉ phép, nhưng số lượng không đáng kể”, ông Lâm nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, dự kiến nhu cầu lao động sau Tết tại TP HCM khoảng 30.000 người, tập trung vào các ngành: kinh doanh, thương mại, lương thực - thực phẩm, điện tử, may mặc... Trong đó, mức lương từ 6 triệu trở lên đối với lao động không cần trình độ chuyên môn và 8 đến trên 10 triệu đồng cho lao động có tay nghề.

Trong khi đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội báo cáo, tính đến ngày 8/2 đã có hơn 90% số doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất, với gần 97% số công nhân lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Chỉ một số ít lao động quê xa, chưa kịp trở lại xin nghỉ phép thêm. Con số đó đã phản ánh rõ tâm lý “tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi” của hầu hết người lao động hiện nay.

Trong khi đó, theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2022, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Những mục tiêu cụ thể đã được đặt ra như: Phấn đấu năm 2022 giải quyết việc làm mới cho 160 nghìn lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%.

Đọc thêm