Lời của tâm nguyện đúc chuông đại hồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúng ta đang ở vào thời gian, mà tất cả được đo lường bằng vận tốc công nghệ cao nhất, công nghệ 4.0. Thời gian như vậy, thì không gian? Không gian Việt, may mắn, vẫn còn điểm canh bởi "tiếng chày nện sương". Đó là tiếng chuông sớm khuya trong ngôi chùa.
Lời của tâm nguyện đúc chuông đại hồng

1. Ai ai cũng nhớ câu này khi nhắc đến ngôi chùa:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc.

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Bao nhiêu khả tính tốt đẹp của dân tộc trong dòng mạch Việt tính, trỗi dậy mọi phẩm tính cao quý làm thành sức mạnh Việt tộc đã hàm chứa trong hai câu thơ trên.

Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ và người có tông. Nếp sống tổ tông muôn đời ta tìm thấy nơi đâu trong sinh hoạt của con người hiện đại hôm nay?

Nơi đó là ngôi chùa.

Chính ngôi chùa đã khơi dậy trong ta những giá trị biết uống nước nhớ nguồn, biết ăn hiền ở lành, biết lá lành đùm lá rách, biết gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau v.v. để tạo ra sức mạnh tinh thần trong đời sống. Ta không chỉ có vươn mình về phía tạo ra tiện nghi vật chất đời sống mà bỏ quên nội tâm đời sống.

Chùa Trấn Quốc (Hà Nội).

Chùa Trấn Quốc (Hà Nội).

Dân tộc này đã chọn: lấy hiếu đạo làm nền và nhân nghĩa làm gốc. Có “nền” có “gốc” đó, người dân Việt có văn hiến làm nên diện mạo quốc gia mình.

Mở đầu Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã khẳng định: Nước Nam ta là một nước có văn hiến. Và ông định nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên Dân”. Người trị nước biết dùng đạo lý nhân nghĩa thì dân mới yên.

Thiếu lư hương bát nước, thiếu bàn thờ gia tiên trong ngôi nhà, nhà ta không chứa yếu tố tâm linh tiên tổ cội nguồn. Ta mất gốc. Ban thờ Gia tiên là linh hồn nguồn cội trong ngôi nhà. Đó là phần Âm đức, tạo ra phúc ấm cho gia đình góp vào sự bền vững.

Đó là nhà giữa làng, còn chùa giữa làng?

2. Ngôi chùa là chốn thiêng biểu lộ sức sống tâm linh của dân tộc. Đó là không gian văn hóa Việt. Nơi đó, lưu dấu hồn thiêng và tiếp nối nếp sống của tổ tông ta. Đó là gốc rễ tâm linh để tạo ra hào khí cho non sông.

Trong ngôi chùa đó, trong không gian văn hóa đó, trong nếp sống muôn đời của tổ tông đó, nơi che chở hồn dân tộc đó, có một pháp khí thiêng liêng đã nghìn năm ghi dấu ấn tâm hồn con người Việt Nam ta đã đi vào thi ca.

Là TIẾNG CHUÔNG CHÙA.

Nhớ ngày xưa, âm thanh tiếng chuông mõ đã như thôi miên, rót vào tuổi thơ tôi sâu lắng lạ thường. Lúc vào chùa, tôi phải thức khuya dậy sớm để thỉnh chuông. Tuổi ấu thơ, tôi đã ý thức thật rõ là giờ thỉnh chuông không thể sai được. Hai thời công phu tụng kinh có thể gác lại vì bận công việc ruộng vườn, nhưng tiếng chuông sớm hôm thì phải đúng giờ.

Tôi cũng được dạy, khi nghe tiếng chuông, không được nằm, phải ngồi dậy dù cả khi bịnh nặng. Nếu bịnh liệt giường cũng phải gượng dậy niệm Bụt, rồi nghe hết 3 tiếng mới nằm.

Đang ăn mà nghe chuông thì phải ăn nhẹ nhàng và đừng khua chén bát lớn tiếng. Nếu đang rửa chén bát thì phải ngưng lại, để mai rửa tiếp. Vì khi nghe tiếng chuông là bao cõi giới tựu về, nhất là ngạ quỷ- họ dễ bị sự thèm ăn khát uống hành hạ khi nghe tiếng khua bát đũa.

Tôi nhớ cả chùa lúc đó ai cũng chú trọng và luôn để ý giờ thỉnh chuông, dù việc thỉnh chuông là của tôi. Đó là tuổi thơ, tôi chỉ tiếp thu và cố ghi nhớ để chú tâm thực hành.

Lớn lên tôi mới hiểu ra, tiếng chuông còn quan trọng hơn thế. Tiếng chuông là tiếng vọng linh hồn của ngôi Chùa, là tiếng gọi của Bụt giúp ta ý thức được thực tại nhiệm mầu để an trú trong tỉnh thức, hạnh phúc.

3. Tiếng chuông không chỉ có mặt trong thi ca của thế giới con người, nó còn vang đến cả cõi Trời và dưới thì thấu đến mấy tầng Địa phủ.

Có kệ rằng:

“Chuông Đại Hồng mới vọng

Tiếng kệ xướng đã vang

Trên vọng đến thiên đường

Dưới thông về địa phủ”.

Tiếng chuông khuya xuyên suốt trong đêm đen, phá màn tăm tối, mở lối về cho bao sinh linh đang lạc lối mê chợt giật mình tỉnh ngộ.

Tiếng chuông nếu được thỉnh lên trong sức mạnh tỉnh thức cao độ, nó là một loại sóng âm quét vào không gian lan gợn, chấn động lên mọi sinh linh hàm thức, tạo thành năng lượng phản tỉnh, hồi đầu để thấy đường tìm về nẻo thiện:

"Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Khắp nơi u tối thảy đều nghe

Mong ai lạc bước mau dừng lại

Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.”

Trong thôn xóm, giữa phố phường khuya khoắt, ta đang say mê chìm trong giấc ngủ với bao ảo mộng hay ức tưởng, thả hồn mơ màng... bỗng nghe tiếng chuông chùa điểm nhẹ đưa ta về tỉnh thức:

"Ba nghiệp lắng thanh tịnh

Gởi lòng theo tiếng chuông

Nguyện người nghe tỉnh thức

Vượt thoát nẻo đau buồn.”

Tiếng chuông biểu tượng cho tiếng vọng của không gian hòa bình. Tiếng chuông là tiếng nhiệm mầu đưa ta vượt thoát bao oan khiên và hệ lụy, nhắc nhở sự hiện hữu về một chốn thiêng trú ẩn của hồn người, tiếng reo vang tỉnh thức cho bao sinh linh đang lạc lối trong mê tình kiếp sống biết nẻo quay về.

Vì vậy, tiếng chuông là: Âm vọng thiêng liêng của ngôi chùa làng Việt.

4. Bởi vậy, lễ rót đồng đúc chuông diễn ra vô cùng hệ trọng.

Thứ nhất là mọi người đều được tham dự cúng dường vào việc đúc chuông. Càng đông càng tốt để có sức mạnh nguyện cầu của tập thể. Khi làm lễ, phải cung thỉnh được các bậc cao tăng chứng minh cho, mời nhiều chư tăng đến hộ niệm cho việc đúc chuông được thành tựu viên mãn.

Xưa nay quan niệm, tiếng chuông hay không chỉ phụ thuộc vào chất đồng, mà còn phụ thuộc nhiều vào sức mạnh tâm linh của tập thể. Chùa có thể hư hoại, quả chuông tồn tại, nên nó lưu giữ dữ liệu thông tin về năm tháng hiện hữu của ngôi chùa rất quan trọng. Rồi, từng họa tiết hoa văn, và câu chữ khắc trên chuông đều được cân nhắc cẩn trọng.

Nay tôi vì thấy cái điều mầu nhiệm của tiếng Chuông Đại Hồng, vì lợi lạc 2 giới Âm Dương mà viết lời này nhằm khuyến hóa mọi người phát tâm cúng dường vào công việc đúc chuông mỗi năm cung tiến vào những ngôi chùa khó khăn khắp các miền quê Việt.

Nếu sở nguyện này được thành tựu viên mãn, thì đó là năng lượng tổ tiên đã ban ân và hết lòng yểm trợ cho chúng ta vậy. Phúc báo thật vô cùng lớn lao cho đời này và đời sau khi mồ hôi và nước mắt từ công sức lao động của quý vị tạo nên âm vang tiếng chuông đại hồng để pháp âm này mãi ngân vang đến muôn đời sau.

"...Ngôi chùa là ngôi nhà linh thiêng lãnh đạo tâm linh trong làng. Vì vậy, tiếng chuông cũng có ảnh hưởng đến đời sống dân chúng trong làng. Nhiều bà mẹ thức dậy theo tiếng chuông. Những người Phật tử chân chính sẽ biết nghe chuông và thở theo chuông trong khi nấu cơm, làm thức ăn cho chồng con trước khi đi làm ruộng. Nếu có nghe chuông, nếu từng đi chùa, từng được nghe giảng hay nghe tụng kinh thì hạt giống tâm linh đó đã được gieo trồng trong tâm thức của ta dù ta là một cô bé, là một chàng thanh niên hay một cô thiếu nữ sống trong làng.

Người ăn trộm đang dùng thanh sắt để mở khóa một ngôi nhà, đột nhiên nghe tiếng chuông thì hạt giống lương thiện trong người đó được tưới tẩm và người đó có thể dừng lại, không xâm nhập vào nhà người khác nữa. Một người cầm dao muốn sát hại người khác, đang đưa dao lên, bỗng nghe tiếng chuông đại hồng thì giật mình nghĩ lại hành động này có thể đưa mình xuống địa ngục và buông dao xuống. Những chuyện như vậy đã từng xảy ra trong xóm làng, trong xã hội. Đó là nhờ ảnh hưởng của tiếng chuông. Tiếng chuông có tác dụng thức tỉnh, làm sống dậy lương tri của con người để họ đừng nhúng tay vào tội ác. Tiếng chuông không chỉ phục vụ các thầy, các sư cô mà còn phục vụ cho cả làng xóm, khu phố. Vì vậy tiếng chuông rất quan trọng […] Tiếng chuông là một thông điệp của lương tri, của trí tuệ, của lòng từ bi."

- Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Đọc thêm