“Những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, về ly hôn có thể phải chịu mức phạt đến 20 triệu đồng” là một trong những nội dung của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã vừa được ban hành.
Ngoại tình, tảo hôn đều bị phạt nặng
Ngay khi soạn thảo, Nghị định này đã nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là các qui định về mức phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Theo quan điểm của nhiều người, phải có mức phạt nghiêm khắc để răn đe đối với những hành vi ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
Những tranh cãi đã khiến các qui định về mức phạt dành cho hành vi này có nhiều thay đổi. Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu điều chỉnh những mối quan hệ về hôn nhân và gia đình, mức phạt cho những hành vi này đã được qui định từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Trong đó, hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.
Mức phạt này cũng sẽ áp dụng đối với hành vi ngoại tình và hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Thực tế cho thấy, còn nhiều người vẫn đang trong “cơn khát” con trai để nối dõi tông đường nên đã lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số trong điều kiện nước ta thực hiện chính sách dân số theo hướng hạn chế tỷ lệ sinh để đảm bảo chất lượng dân số. Và có tình trạng việc ly hôn đã được nhiều người vận dụng làm bình phong để trốn tránh nghĩa vụ tài sản của bản thân. Do vậy, theo đề xuất của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã qui định mức phạt tiền cho những hành vi này là từ 10 - 20 triệu đồng.
Chậm trễ yêu cầu phá sản sẽ bị phạt
Thời gian qua, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng phá sản hoặc phải giải thể, ngừng hoạt động. Khoản 1 Điều 15 Luật Phá sản qui định: “Khi nhận thấy DN, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, hợp tác xã”.
Nhưng thực tế không phải chủ DN, hợp tác xã nào cũng thực hiện đúng qui định này, dẫn đến tình trạng nhiều DN cứ “thoi thóp chờ cơ hội vực dậy” trong khi đã không còn nguồn lực để tiếp tục duy trì hoạt động. Do đó, Nghị định 110/2013 đã qui định phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng đối với hành vi của chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong thời hạn quy định.
Thi hành án dân sự (THADS) cũng là một lĩnh vực “nóng” bởi liên quan đến quyền, lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức và cũng bởi những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Với các hành vi trốn thi hành án (THA), không hợp tác với cơ quan chức năng khi không cung cấp tài liệu hoặc cấp chứng cứ giả cho cơ quan THA, trì hoãn việc thực hiện THA dù có điều kiện, tẩu tán tài sản..., các vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS theo Nghị định 110/2013 sẽ phải chịu mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40 triệu đồng tùy mức độ vi phạm và ảnh hưởng của hành vi đến hiệu quả hoạt động THADS...
Nghị định số 110/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản DN, hợp tác xã đã được ban hành với một số điểm mới cơ bản là xác định rõ các tổ chức, cá nhân là đối tượng bị xử phạt; sửa đổi, bổ sung, mô tả cụ thể hành vi vi phạm hành chính và không quy định lại những hành vi không còn phù hợp, khó khả thi; sửa đổi, bổ sung về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trên cơ sở qui định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tính chất của các hành vi vi phạm; quy định cụ thể về những người có thẩm quyền và trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính; phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh theo từng hoạt động, từng lĩnh vực và theo mức tiền phạt. Ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp - khẳng đinh: “Việc ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng, có thể coi đó là một bước phát triển, một bước hoàn thiện mới của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động tư pháp. Đây là một trong những công cụ không thể thiếu của hoạt động quản lý nhà nước nói chung, trong các lĩnh vực này nói riêng, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính cũng như đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan”. |
Huy Anh