Giải 'bài toán' nông sản thực phẩm dư thừa nguồn cung ở vùng dịch miền Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 400 đầu mối cung ứng nông sản thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang đặt ra bài toán khó khi nhiều mặt hàng được dự báo cung vượt xa cầu…
5 ngày nữa, nhãn của Nông trường Sông Hậu sẽ chín rộ cần nhân công thu hoạch và tiêu thụ.
5 ngày nữa, nhãn của Nông trường Sông Hậu sẽ chín rộ cần nhân công thu hoạch và tiêu thụ.

Nhiều mặt hàng cung vượt xa cầu

Trao đổi với báo giới sáng 26/7, ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, thành viên Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ NN&PTNT, cho biết, đến ngày 25/7, có tổng 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác, gồm: Rau củ - 85 đầu mối; Trái cây - 102 đầu mối; Thủy hải sản - 157 đầu mối; Lương thực - 24 đầu mối; Các mặt hàng khác - 20 đầu mối. Ngoài ra, 12/13 tỉnh ĐBSCL cung cấp qua Tổng cục Thủy sản có 148 đơn vị nuôi trồng thủy sản với nhiều loại khác nhau sẽ thu hoạch trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Tổ Công tác, trong tổng số 388 đầu mối đăng ký qua Tổ, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7/2021 dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản. Cụ thể, nhóm rau củ tăng đột biến sản lượng khoai lang tím và khóm (dứa). Trong khi đó, dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu. Nhóm trái cây có số lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung các đầu mối trên 700 tấn/ngày.

Đặc biệt, nhãn và chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các DN thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn. Chanh các loại cũng đang ghi nhận tăng đột biến.

Với nhóm thủy sản, ghi nhận sản lượng tăng nhanh của tôm, cua, cá nước mặn. Các loại thủy sản tươi sống khó khăn tiêu thụ vì sản phẩm không để được lâu, trong khi vận chuyển không còn thuận lợi. Số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít nhưng có dấu hiệu dư thừa của thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông. Hiện giá gà lông trắng ở Đồng Nai chỉ còn 10.000 đồng/kg.

Tổ Công tác dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu.

Xúc tiến tiêu thụ trong cả nước

"Nhiệm vụ chính của Tổ Công tác là đảm bảo nguồn cung nông sản, lương thực, thực phẩm. Đó là điều chúng tôi đã làm ngay khi vào đây, và hiện xây dựng được mạng lưới nguồn cung đa dạng. Đến giờ này, gần 400 cơ sở, HTX sản xuất, DN đã kết nối. Hiện 24 đầu mối đã khớp với nhau, đa số đồng tình với cách làm của Bộ NN&PTNT. Điển hình, là một HTX rau ở Long An đã tiêu thụ được 200 tấn rau, và ký hợp đồng 100 triệu ngay trong đêm… Vấn đề bây giờ không phải là nguồn cung nữa, mà là kết nối, tiêu thụ…”, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ Công tác 970 - nhấn mạnh.

Trả lời PLVN về phương án tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm đang có nguồn cung lớn, như nhãn chẳng hạn, vì người dân TP Hồ Chí Minh không thể ăn nhãn chống dịch được, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trong 5 ngày nữa, mỗi ngày sẽ có 700 tấn nhãn của Nông trường Sông Hậu chín rộ.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc xuất khẩu hay tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn. “Tổ công tác đã trao đổi với Sở NN&PTNT các tỉnh để hỗ trợ bà con. Vấn đề là các địa phương phải có điểm tập kết chứ không rải rác được…” - Thứ trưởng Nam cho hay.

Về nhân lực cho thu hoạch, không như lúa, có thể lập các đội máy gặt đập thu hoạch lúa liên vùng như mô hình của Hậu Giang, với thu hoạch trái cây là cả một vấn đề.

“Vừa qua có gợi ý có nên đề nghị quân đội vào hỗ trợ. Chúng tôi đã liên hệ, nhưng không được. Quân đội có thể giúp dân gặt lúa khi bị lũ lụt, nhưng đối với trái cây xuất khẩu thì không được, đòi hỏi phải có nhân công chuyên nghiệp để trái cây không bị dập, xước. Khó là ở chỗ đó, nhưng nhiều địa phương làm được, đã vận động nhân công đi làm nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch…” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Đồng tình với ý kiến của PLVN về sự hấp thụ có hạn của thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đang thực hiện giãn cách, Thứ trưởng cho biết, Tổ Công tác đang chỉ đạo ngay trong tuần này tổ chức Hội nghị xúc tiến online để đưa hàng hóa nông sản ra các tỉnh phía Bắc, vì Hà Nội cũng đang thực hiện giãn cách, có thể thiếu hàng cục bộ. Theo dự kiến, sáng thứ Năm - 29/7 sẽ có Chương trình xúc tiến tiêu thụ nhãn, buổi chiều cùng ngày là xúc tiến tiêu thụ rau củ quả đi cả nước, còn vào ngày thứ 7 (31/7) sẽ tổ chức diễn đàn xúc tiến sản phẩm gia cầm.

"Chúng tôi mời cả Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cùng ngồi để kết nối điều hòa hàng hóa đi cả nước, giải quyết vấn đề dư thừa cục bộ…” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Theo thông báo của Tổ Công tác, sản lượng rau màu toàn miền Nam dự kiến từ nay đến cuối năm là 5,7 triệu tấn, đủ nhu cầu tiêu dùng. Riêng 19 tỉnh, thành phố đang giãn cách mỗi tháng cung cấp bình quân cho thị trường 560 - 600 ngàn tấn rau.

Chăn nuôi của các tỉnh phía Nam ổn định, nguồn cung lớn. Riêng vựa heo Đồng Nai mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con, trong đó tiêu thụ nội tỉnh khoảng 1.300 con (15%), còn lại xuất ra thị trường các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh (85%). Lượng gà thịt của Đồng Nai xuất ra thị trường mỗi ngày khoảng 100.000 con, tiêu thụ nội tỉnh chỉ 5%, 95% xuất đi TP. HCM và các tỉnh. Đến hết ngày 25/7, lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho TP. HCM tương đối ổn định.

Tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh, thành phố phía Nam ước đạt khoảng 5,09 triệu tấn, trong đó 6 tháng cuối năm là 2,9 triệu tấn. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giảm. Sản phẩm thủy sản đáp ứng đủ tiêu dùng và xuất khẩu.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm