"Lời nói đầu là tinh túy của Hiến pháp"

Theo ý kiến đóng góp của các luật sư đã được Ban Thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam tổng hợp, Lời nói đầu là tinh túy của Hiến pháp và hiến định quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Do đó, cần gọt giũa câu từ để cho Lời nói đầu phải rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện đúng vai trò của Lời nói đầu trong Hiến pháp và vai trò của Hiến pháp trong một nhà nước pháp quyền.

Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, theo yêu cầu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến ngày 6/3/2013 đã có 29 Đoàn luật sư trong cả nước thực hiện góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Báo Pháp luật Việt Nam xin giới thiệu ý kiến đóng góp của các luật sư đã được Ban Thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam tổng hợp.

Kỳ công và tỷ mỷ là nét chính trong việc góp ý sửa đổi đối với dự thảo Hiến pháp 1992 của các luật sư do Đoàn luật sư các địa phương tổ chức góp ý. Các luật sư góp ý hầu hết các chương, điều của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Không chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn được đề cập trong Dự thảo, các luật sư còn góp ý cả việc dùng ngôn ngữ cũng như cách thể hiện nội dung các chế định quan trọng của Hiến pháp.

Lời nói đầu của Hiến pháp đặc biệt được chú ý mặc dù Lời nói đầu chỉ là sự giới thiệu về bản Hiến pháp. Song, “Hiến ngôn” lại thể hiện tinh thần của Hiến pháp chứ không phải là những đoạn văn giới thiệu một đạo luật. Vì thế, theo các luật sư, cần xem xét thật kỹ Lời nói đầu, kể cả việc đặt tên cụm từ này bằng Tuyên ngôn.

Đa số ý kiến của các luật sư đề nghị Lời nói đầu là phần mở đầu của Hiến pháp phải là phần giới thiệu về Hiến pháp, mục tiêu của xây dựng Hiến pháp, tránh việc sử dụng phần mở đầu để viết về lịch sử hay quảng bá cho một ý tưởng nào. Vì như vậy sẽ không đúng với vai trò của phần giới thiệu Hiến pháp, làm người dân không hiểu Hiến pháp, cũng không nói lên được mục tiêu cần cho một Hiến pháp.

Cũng giống vai trò của Hiến pháp các quốc gia pháp quyền khác, Hiến pháp Việt Nam cũng phải thực hiện vai trò là một “khế ước” mà nhân dân trao quyền lực cho Nhà nước. Vì vậy, trong Lời nói đầu đều thể hiện việc người dân giao nhiệm vụ rất nặng nề cho Nhà nước.

Tham khảo Hiến pháp CH Pháp trong lời nói đầu cũng thể hiện chủ thể và mục tiêu ban hành Hiến pháp rất rõ: “Nhân dân pháp trịnh trọng tuyên bố thiết tha gắn bó với các quyền con người và các nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân…”.

Tương tự, lời nói đầu của Hiến pháp CHLB Đức cũng nói lên mục đích và chủ thể của Hiến pháp: “Ý thức về trách nhiệm trước Thượng đế và loài người, với mong muốn gìn giữ hòa bình thế giới với tư cách là một thành viên bình đẳng trong một liên minh châu Âu, thông qua cơ quan lập hiến của mình, nhân dân Đức đã tự ban hành nên bản Hiến pháp này”.

Còn lời nói đầu của Hiến pháp Nhật Bản thì viết “Chúng tôi, nhân dân Nhật Bản, đại diện bởi dân biểu Quốc hội, nhất tâm bảo vệ chúng tôi và các thế hệ mai sau, những lợi ích của sự hợp tác an bình với các quốc gia khác và những công trình của nền tự do trong nước, quyết định không chứng kiến những thảm họa chiến tranh do Chính phủ trước đã gây ra, tuyên bố rằng nhân dân nắm giữ chủ quyền và soạn thảo bản Hiến pháp này”.

Hiến pháp 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh thể hiện một cách thành công Lời nói đầu bằng ngôn ngữ gián tiếp, nhưng lời nói đầu “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của cách mạng, và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân”.

Như vậy, Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam đã thể hiện thành công hơn cả các Hiến pháp sau này khi quy định mục tiêu và chủ thể của Hiến pháp. Chủ thể quyền lập hiến theo Hiến pháp năm 1946 là “Quốc dân” (nhân dân).

Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là dịp tốt cho việc khẳng định tại chủ thể cũng như mục tiêu ban hành này của Hiến pháp. Khác với những lời nói đầu của các Hiến pháp 1959, 1980 và của Hiến pháp hiện hành, Dự thảo sửa đổi lần này có thể hiện vấn đề nói trên nhưng vẫn ở dạng không dứt khoát, bằng đoạn kết của lời nói đầu: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì múc đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ở đây, nhân dân vẫn chưa thực sự là chủ thể của việc xây dựng và ban hành Hiến pháp, vẫn phải thông qua Quốc hội. Vì vậy, đa số ý kiến của luật sư đề nghị sửa đổi đoạn kết lời nói đầu như sau: “Chúng tôi, nhân dân Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thông qua Quốc hội xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này”.

Trong Lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp, nhiều từ ngữ cũng chưa “chuẩn”. Vì thế, bên cạnh việc xem xét tổng thể Lời nói đầu, ý kiến của nhiều luật sư cho rằng cần phải xem xét việc sử dụng ngôn ngữ đúng nghĩa, như việc dùng từ “mấy nghìn năm lịch sử” có vẻ rất “tù mù” vì từ “mấy” vốn không định lượng rõ ràng. Vì vậy, nên thay bằng từ ngữ khác có định lượng cụ thể hơn để mô tả lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.

Lời nói đầu là tinh túy của Hiến pháp và hiến định quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Do đó, cần gọt giũa câu từ để cho Lời nói đầu phải rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện đúng vai trò của Lời nói đầu trong Hiến pháp và vai trò của Hiến pháp trong một nhà nước pháp quyền.

Bình Minh (tổng hợp)

Đọc thêm