Lối rẽ bất ngờ, kết cục bất định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Nga công bố dự thảo 2 thỏa thuận về an ninh giữa Nga với Mỹ và giữa Nga với NATO là diễn biến mới bất ngờ của chuyện bất hòa hiện tại giữa Nga với Mỹ và NATO, liên quan trực tiếp đến việc Nga triển khai lực lượng lớn quân đội ở vùng biên giới với Ukraine.
Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận tại vùng Rostov giáp với Ukraine ngày 10/12 (Ảnh: Reuters).
Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận tại vùng Rostov giáp với Ukraine ngày 10/12 (Ảnh: Reuters).

Mỹ, EU và NATO cáo buộc Nga đe dọa an ninh và thậm chí còn cho rằng Nga đang mưu tính tấn công quân sự vào Ukraine, lặp lại những hành động quân sự đã làm hồi năm 2014.

Liên quan đến Ukraine chỉ là một trong những nội dung mà Nga nêu trong 2 dự thảo nói trên, cụ thể là Nga yêu cầu Mỹ không để cho NATO thu nạp Ukraine vào hàng ngũ, NATO không được triển khai quân đội và vũ khí ở Ukraine, không được hợp tác quân sự với các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây hiện không phải là thành viên NATO...

Những yêu cầu về an ninh của Nga đối với Mỹ và NATO có thể diễn giải theo cách khác là NATO không được tiếp tục mở rộng về phía Đông, không được hợp tác quân sự với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây ở vùng láng giềng xung quanh Nga, chỉ được triển khai quân đội và vũ khí chung của NATO trong khuôn khổ ranh giới NATO trước năm 1997, tức là trước khi NATO mở rộng lần đầu tiên về phía Đông.

Nga đề nghị ký thỏa thuận bởi Nga đòi hỏi Mỹ và NATO cam kết bằng văn bản có hiệu lực về công pháp quốc tế đảm bảo an ninh cho Nga. Đây là lần đầu tiên Nga làm như vậy với Mỹ và NATO, đồng thời cũng là lần đầu tiên Nga định ra điều kiện cụ thể cho Mỹ và NATO theo hướng đưa ra tối hậu thư.

Cả nội dung dự thảo lẫn cách thức Nga đưa ra dự thảo cũng đều là những điều mà Mỹ và NATO không thể chấp nhận được nếu như không muốn bị tổn hại thể diện và uy danh, cũng như bị coi là thất thế và yếu thế trước Nga. Hơn nữa, đáp ứng những đề nghị như điều kiện tiên quyết này của Nga thể hiện trong 2 dự thảo trên thì đâu có khác gì Mỹ và NATO chấp nhận đảo ngược nhiều bước tiến chiến lược của NATO kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay.

Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU và NATO rất trắc trở kể từ khi Nga tiếp nhận Crimea vào năm 2014, nhưng chưa khi nào căng thẳng và đối địch như hiện tại. Cũng cho tới hiện tại, hình ảnh biểu hiện ra bên ngoài của mối quan hệ này chủ yếu là Mỹ, EU và NATO tấn công, còn Nga phòng thủ, về chính trị và ngoại giao, về kinh tế, thương mại và tài chính, về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

Dùng việc “điều binh khiển tướng” tới vùng biên giới với Ukraine và tung ra yêu cầu Mỹ và NATO phải cam kết bằng văn bản việc đảm bảo an ninh là cách Nga buộc phía bên kia phải xử lý vấn đề an ninh cho Nga, cho NATO và cho châu Âu với Nga, chứ không chỉ có tập trung vào những chuyện như lâu nay. Lối rẽ bất ngờ của mối bất hòa hiện tại giữa Nga với Mỹ và NATO là Nga chủ động tấn công trong vấn đề an ninh và buộc Mỹ và NATO phải phòng thủ. Nga đưa ra yêu cầu cụ thể và kiên quyết như những điều kiện tiên quyết và tối hậu thư liên quan đến an ninh bởi an ninh là lĩnh vực Nga có ưu thế nổi trội hơn cả ở châu Âu và ngang bằng với Mỹ trên thế giới.

Ý thức được mức độ nguy hiểm của những bước đi sách lược mới này của Nga, phía Mỹ và NATO ngay lập tức tìm cách tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Nga. Mỹ và Nga đã nhất trí tiến hành trao đổi về an ninh vào ngày 10/1 tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin lại điện đàm với nhau trước cuộc đối thoại này. NATO cũng đã đề nghị Nga tiến hành họp Hội đồng Nga - NATO vào ngày 12/1 tới. Hội đồng này là cơ chế hợp tác chính thức duy nhất giữa NATO và Nga.

Nhìn vào biểu hiện bề ngoài thì Nga với Mỹ và NATO dường như bắt đầu đi vào giảm căng thẳng và đối đầu. Gặp nhau và trao đổi trực tiếp với nhau bao giờ cũng tích cực và đáng khích lệ hơn là cứ tiếp tục như lâu nay giữa hai bên. Nhưng kết cục cuộc trao đổi lại rất bất định bởi Nga chỉ muốn trao đổi về an ninh, cụ thể về hai dự thảo nói trên, trong khi Mỹ và NATO muốn thảo luận với Nga trước hết về Ukraine và về những mối bất hòa lâu nay trong quan hệ song phương.

Đọc thêm