Bánh nhót của mẹ

(PLO) -Mẹ tôi sinh ra từ đồng chiêm nước mặn, nhưng những món ăn mẹ nấu rất ngon. Từ hạt gạo quê một nắng hai sương, mẹ có thể làm được nhiều loại bánh, và tôi không thể quên hương vị ngọt bùi của món bánh nhót tẩm mật mà mẹ vẫn làm vào mỗi tối Ba mươi.

Vì tất bật với việc dọn dẹp đón Tết và chuẩn bị cho nồi bánh chưng nên mãi đến chiều Ba mươi, mẹ với xay bột để làm bánh. Bột làm bánh là những hạt gạo nếp căng tròn vừa thu hoạch vụ mùa tháng Mười. Sau khi ngâm nước chừng vài tiếng, mẹ vo sạch, để ráo nước rồi đem xay. Công đoạn tiếp theo là lặng bột đã xay trên một tấm vải thô thật sạch, khi bột đã ráo nước thì nhào bột cho dẻo cùng với gấc chín và lòng đỏ trứng gà. Mẹ bảo, làm như vậy bánh sẽ ngậy và thêm giòn xốp.
Chỉ khi cả nhà đã dùng xong bữa cơm Tất niên, mẹ mới xuống bếp bắt đầu làm bánh, tôi lũn cũn ôm chiếc ghế gỗ theo sau mẹ đòi được “truyền nghề”. Hồi đó- lần đầu tiên được cùng mẹ làm bánh- tôi chừng mười tuổi, nhưng đến bây giờ ký ức về tuổi thơ của tôi vẫn in đậm những kỷ niệm khó quên khi được cùng mẹ làm bánh cúng giao thừa.
 Mẹ lấy bột rất khéo và đều tay, bởi vậy các viên bánh mẹ làm không quá to hoặc quá bé, tất cả đều tròn vo và chỉ to bằng hạt nhãn hoặc viên bi. Nặn bánh xong, mẹ thả xuống chiếc mâm nhôm được rắc đầy vừng rồi xoay tròn mâm. Đến lúc viên bánh được khoác lên mình một lớp vừng như chiếc áo choàng vàng sậm, mẹ mới từ từ thả vào chiếc chảo mỡ đã đun nóng già.
Để bánh không bị phồng to và méo mó, mẹ dặn tôi tuyệt đối không được để to lửa khi rán bánh và bánh luôn phải ngập trong mỡ. Ngày ấy không có bếp ga hay bếp điện như bây giờ, nhiên liệu để nấu cơm hàng ngày chủ yếu bằng rơm, rạ. Nhưng rơm, rạ thì không thể thổi lửa để rán bánh, vì thế, trước đó cả vài tháng, mẹ đã gom nhặt những que củi ngoài bờ rào hoặc lên đồi chặt cành bạch đàn phơi khô, dành cho dịp Tết. Nếu trời hanh khô thì củi cháy đều và có nhiều than, gặp những năm trời nồm, củi chưa khô và ẩm ướt thì khói cay xè mắt. Tôi vừa đảo bánh cho mẹ vừa lấy vạt áo dụi mắt liên hồi nhưng nhất định không chịu lên nhà, mặc cho mẹ giục rất nhiều lần. 
Đợi đến khi bánh nổi đều lên mặt chảo và có màu vàng ruộm, mẹ giục tôi vớt ra một chiếc rá bằng nhôm để cho ráo mỡ. Rồi mẹ bắc chảo mật mía lên bếp (có hòa lẫn chút gừng giã nhỏ), khi mật bắt đầu sôi lục bục thì đổ bánh đã rán vào chảo. Mẹ đảo bánh cho ngấm đều mật rồi vớt bánh ra ngay. Nếu để lâu, bánh sẽ kém giòn và mật sẽ bị cháy. 
Những viên bánh sau khi hoàn thiện bao giờ cũng có màu vàng đậm của vừng, màu đỏ nâu óng ánh của mật mía. Cầm viên bánh trên tay cũng có thể cảm nhận được vị xốp giòn của bột nếp được bọc trong một lớp vừng thơm phức. Và cảm giác tuyệt vời hơn cả là lúc tôi được thưởng thức viên bánh đầu tiên do chính tay mình tỉ mẫn nặn ra. Mùi vị của bánh như đánh thức tất cả mọi giác quan trong tôi. Nào là thơm của bột nếp và trứng gà, vị ngậy của gấc, bùi của những hạt vừng chín mẩy hòa quyện với vị ngọt sắc của từng giọt mật mía đã tạo nên hương vị bánh quê hương không thể nào trộn lẫn.
Dù đi tới đâu, tôi cũng không bao giờ quên hương vị bánh nhót quê nhà
Dù đi tới đâu, tôi cũng không bao giờ quên hương vị bánh nhót quê nhà 
Hai mẹ con mải làm bánh, nhiều khi đồng hồ điểm giao thừa lúc nào chẳng hay. Chỉ khi nghe tiếng pháp nổ đì đùng ngoãi ngõ, rồi tiếng pháo mỗi lúc một râm ran từ làng trên, xóm dưới, tôi mới biết thời khắc năm mới đã đến. Lúc này, mẹ chọn ra những viên bánh đẹp nhất bày ra đĩa rồi đặt lên bàn thờ tổ tiên, bố thì châm hương, rót thêm rượu ra chén.
Sau này, khi không còn được đốt pháo nữa, bố xuống tận bếp giục mẹ con tôi nghỉ tay để lên nhà xem bắn pháo hoa trong ti vi. Tò mò, tôi cũng chạy theo bố, nhưng màn pháo hoa cũng chỉ níu chân tôi vài ba phút, sau đó lại vù xuống bếp với mẹ. 
Vừa làm bánh mẹ vừa kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa bà ngoại đã dạy mẹ chế biến các món ăn ngày Tết như thế nào. Mẹ giải thích cho tôi hiểu vì sao lại có tên bánh nhót mà không phải là bánh nhãn hay bánh bi như nhiều nơi khác vẫn thường dùng. “Mẹ nghe các cụ bảo, vì bánh quá ngon và hấp dẫn nên người làm bánh cũng không thể kìm nén, đành nhón một vài viên nếm thử. Sau này người ta gọi chệch tên từ bánh nhón thành bánh nhót đấy con”.
Thời gian trôi thật nhanh, mẹ tôi giờ đã ngoài bảy mươi (ảnh minh họa từ Interrnet)
Thời gian trôi thật nhanh, mẹ tôi giờ đã ngoài bảy mươi (ảnh minh họa từ Interrnet)
Bao giờ cũng vậy, những chiếc bánh do tự tay tôi nặn thường được mẹ để riêng một mẻ- đó cũng là niềm mong ước của tôi lúc đó. Mẻ bánh của tôi bao giờ cũng có cái bé, cái to, cái tròn, cái méo, nhưng với tôi, đó là một thành quả tuyệt vời của một buổi “học nghề” say sưa và đầy ý nghĩa.
Bây giờ, dù các con đã có gia đình riêng, mẹ vẫn giữ nếp quen từ ngày xưa, Tết năm nào cũng làm vài đĩa bánh nhót tẩm mật. Quà Tết mẹ dành cho con cháu là những viên bánh nhót ngọt ngào đong đầy tình yêu thương được làm từ đôi bàn tay gầy guộc, xương xương.
Mỗi mùa xuân đến, mẹ cho chúng tôi thêm lộc mới, nhưng xuân qua đi cũng là lúc mẹ già thêm một tuổi. Mẹ đã ngoài bảy mươi, vết nhăn trên khóe mắt mẹ cũng nhiều hơn. Dẫu biết quy luật của cuộc đời không trừ một ai, nhưng cứ nghĩ đến điều đó, sống mũi tôi lại thấy cay cay. 
Đã nhiều năm rồi, tôi không còn được cùng mẹ làm bánh vào mỗi tối giao thừa như ngày xưa nữa. Thời gian trôi thật nhanh, nhưng ký ức tuổi thơ trong tôi vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Một cô bé lũn cũn bên cạnh mẹ đòi được tự tay nặn bánh quên cả giao thừa và mặc cho khói ướt cay xè hai mắt./.