Bình đẳng kiểu“vợ chồng đồng tính“

(PLO) - Họ dường như hiểu nhau hơn, biết cách chia sẻ từ những vấn đề nhỏ cho tới lớn trong cuộc sống và thật sự bình đẳng hơn đa số những cặp vợ chồng "bình thường".
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Thời gian gần đây dư luận thường nhắc đến cặp đôi đồng tính nữ tên Yun Bin và Minh Thư. Minh chứng điển hình cho tình yêu của cặp đôi này là việc công khai yêu đương cùng giới, công khai chung sống như vợ chồng và hàng loạt những album ảnh cưới. 
Yun Bin tên thật là Nguyễn Thùy Dương, 22 tuổi, là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Tài chính Marketting TP. HCM. Trong thời gian Yun Bin học tại Tp. HCM đã vô tình quen biết với cô gái học cùng trường, trọ cùng khu được sinh ra trong gia đình gia giáo tên Minh Thư. Sau một thời gian tìm hiểu, tính đến nay Bin và Thư đã yêu nhau và dọn về chung sống cùng nhau được hơn hai năm. 
Nhắc đến vấn đề bình đẳng giới trong cuộc sống của người đồng tính, Bin cởi mở chia sẻ: “Thường thì theo những gì Bin đã trải qua cũng như những cặp vợ chồng trong giới mà Bin biết thì cuộc sống của họ cũng khá giống các cặp đôi dị tính khác. Nhưng họ khác biệt hơn một điều là người chồng, một phần nào đó cũng là phụ nữ nên có lẽ họ hiểu tâm lý của phụ nữ nhiều hơn. Họ luôn cho bản thân là nam giới nên luôn đảm đang những việc nặng nhọc, rường cột trong nhà. Họ luôn biết cách quan tâm, chăm sóc vợ của mình và chia sẻ phần nào công việc. 
Như cuộc sống của Bin và Thư, cả hai sống chung và xem nhau như vợ chồng. Cả hai cùng đi học nhưng đồng thời cũng cùng nhau đi làm thêm. Thường thì buổi sáng sau khi đi học về cả hai tiện đường ghé chợ mua ít đồ ăn rồi cùng nhau nấu nướng. Sau  khi ăn xong Bin sẽ là người dọn dẹp còn Thư thì rửa chén. Nếu Thư giặt đồ Bin sẽ là người khiêng thau đồ lên sân thượng  phơi”. 
Nói chung những công việc nhà mà một người phụ nữ vẫn hay làm thì Thư, với vai trò là người vợ sẽ vẫn đảm đang. Bản thân Bin, là người chồng sẽ phụ giúp hoặc hỗ trợ về một phần nào đó. Từ nhỏ Bin đã nhận ra bản chất đàn ông trong cơ thể mình nên luôn muốn chứng tỏ với mọi người rằng mình là đàn ông. Những công việc nặng nhọc trong gia đình lẫn trên lớp Bin đều nhận làm. Để có thêm sức khỏe che chở cho người vợ của mình, Bin còn tham gia học võ, tập gym, chơi bóng rổ.
Về phần mình, khi đưa ra một quyết định nào đó quan trọng, Thư luôn tham khảo ý kiến của chồng mình. Tuy nhiên, điểm khác ở cặp đôi đồng tính này là người chồng cũng hỏi ngược lại ý kiến của người vợ ra sao. Và quyết định cuối cùng chỉ được được đưa ra khi cả hai đều cảm thấy thoải mái và đúng đắn.
Cùng với những lời chia sẻ của cặp đôi đồng tính nữ Bin - Thư là lời bộc bạch của một cặp đồng tính nam tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Cặp đôi này hơn kém nhau 9 tuổi. Người “chồng” sinh năm 1983, tên Hải, làm việc trong ngành công an. Người “vợ” sinh năm 1991, tên Hoàng, tự mở một cửa hàng hoa tươi để kinh doanh. 
Trong niềm hân hoan hạnh phúc, Hoàng cho hay rằng cả hai “tuy là của nhau” nhưng vấn đề tài chính hoàn toàn độc lập. Sau mỗi giờ làm việc vất vả, đôi vợ chồng lại tranh thủ quan tâm lo lắng cho nhau. Với cương vị là một cô gái, một người vợ nhưng Hoàng chẳng mấy khi phải vào bếp nấu ăn, cũng chẳng mấy khi phải giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Bởi đơn giản, tất cả những công việc ấy Hoàng đã được chồng mình là Hải làm giúp. Hành động này chỉ được lý giải ngắn gọn bằng hai từ “tình yêu”, “vì anh yêu em, vì chồng yêu vợ nên không muốn để vợ khổ”.
Có lẽ không phải cuộc sống vợ chồng nào trong thế giới đồng tính đều có kết thúc đẹp như vậy.  Tuy nhiên cách mà họ chia sẻ với nhau trong cuộc sống khiến nhiều người vợ, người chồng "bình thường" phải ghen tỵ. “So với cuộc sống của cặp vợ chồng dị tính, những cặp đôi đồng tính như chúng tôi vẫn đủ sức để mang lại hạnh phúc cho nhau, để an ủi phần nào những số phận được cho là “đi ngược lại với quy luật tự nhiên”. 
Ít ra trong cuộc sống của chúng tôi, vấn đề bình đẳng giới không phải là vấn đề gì to tát gây ảnh hưởng xấu. Chúng tôi dựa vào nhau, nhưng bình đẳng với nhau. Chúng tôi tình nguyện làm mọi việc thay cho người còn lại xuất phát từ tình yêu chứ không đơn giản chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm. 
Theo những gì mà tôi nhìn thấy, thì “người vợ” trong những cuộc hôn nhân đồng tính có khi còn được yêu chiều hơn so với nhiều cuộc hôn nhân dị tính. Có lẽ chính từ sự không nhìn nhận của mọi người đã khiến chúng tôi nép vào nhau hơn, yêu thương nhau hơn để bảo vệ nhau, cũng là bảo vệ chính mình” - Một người đồng tính chia sẻ.