Chưa hết World Cup, nam sinh đã lao đao vì cá cược

(PLO) - Mùa World Cup chỉ mới khởi động ở những trận đấu vòng loại, nhưng nhiều nam sinh đã lâm vào cảnh vay mượn, nợ nần chồng chất vì mê cá độ...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Muôn hình vạn trạng kiểu cá cược bóng đá kiểu SV
Lần đầu tiên, Nguyễn Ngọc T. sinh viên năm 3 tại Hà Nội biết tới trò cá độ bóng đá này là khi anh cược với một người bạn cùng lớp với 50 nghìn đồng trong trận đấu của đội tuyển Đức gặp Bồ Đào Nha. Trong trận cá cược này T. đã lấy được số tiền cược từ phía người bạn của mình  Đức thắng.
Suy đoán đúng trong cuộc cá cược đầu tiên nên T tiếp tục gạ người bạn của mình chơi các  trận tiếp theo. Ở trận đấu này, T đã nâng "tầm" độ khó hơn là dự đoán xem sẽ có bao nhiêu lần đá phạt góc của cả hai đội và số tiền cá lên tới 200 nghìn đồng. Kết quả là do cả hai đều cá cược sai nên số tiền của cả hai đều được bảo toàn.
Cá cược từ kết quả, số lần đá phạt góc, ... nhiều nam sinh lại chuyển sang cá cược số thẻ đỏ được rút ra trong trận đấu. Trong trận đấu Đức và Mỹ, nam sinh Trần Tiến H. (sinh viên năm 3) dự đoán sẽ có 2 thẻ đỏ được rút ra với nhóm bạn của mình, nhưng trong trận đấu chỉ có thẻ vàng, không có thẻ đỏ nào được rút ra vì thế H. đã mất 300 000 đồng cho lần cá cược.
H. chia sẻ: "Tại khu trọ, không phòng nào có tivi cả, nên mấy đứa trong khu rủ nhau ra quán cafe đầu ngõ để xem. Vui vui thì cá độ thôi, cho có không khí mùa World Cup".
Cá cược kiểu "tài - xỉu", đó là cách chơi của những nam sinh có máu cờ bạc lớn. Từng tham gia chơi cá cược kiểu "tài - xỉu" với bạn mình, nam sinh Phan Hùng L. giải thích: "Tài - xỉu là cách chơi phổ biến được nhiều người dùng để cá cược. Tài tức là cá cược đội tuyển thắng trên 3, còn xỉu là dưới 2.... thường thì một vụ cá cược này ít nhất cũng 500 nghìn đồng".
Hiệu cầm đồ nhộn nhịp bước chân ra vào của nam sinh
Lâm vào vòng cá độ bóng đá, nhiều nam sinh đã phải cắm cả máy tính, xe máy, điện thoại vào hiệu cầm đồ để có một khoản tiền nhằm "gỡ" lại những số tiền không cánh mà bay trong các trận đấu. Khi không còn gì để cắm, nhiều nam sinh còn đánh liều đi vay nặng lãi với lãi suất "cắt cổ" ở các hiệu cầm đồ.
Theo ghi nhận của PV, để vay được tiền từ một cửa hàng cầm đồ ở Hà Nội,người vay phải trả mức lãi suất là 18%/tháng. Việc vay nặng lãi này cũng diễn ra khá đơn giản, khi các nam sinh chỉ cần trình giấy chứng minh nhân dân, cùng thẻ sinh viên.
Các hiệu cầm đồ ở Hà Nội những ngày qua luôn nhộn nhịp đón chào các nam sinh.
 Các hiệu cầm đồ ở Hà Nội những ngày qua luôn nhộn nhịp đón chào các nam sinh.
Việc vay tiền với lãi suất cao như thế này thì sinh viên sẽ càng dấn sâu vào nợ nần chồng chất, số tiền nợ ngày càng tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh việc hầu hết các nam sinh này đều trông chờ vào tiền từ bố mẹ trợ cấp, chỉ đủ để sống chứ không thể dư giả trả số tiền nặng lãi đã vay.
Sau khi cắm chiếc máy tính mà bố mẹ mua cho từ đầu năm, nam sinh tên N.V.H đang là sinh viên viên năm 2 đã phải dấn thân vào vay nặng lãi với hy vọng "chiến thắng" trong cá độ để có tiền chuộc lại chiếc laptop đã mất. N.V.H đã vay 4 triệu đồng để cá cược cho 2 trận đấu của Đức trong World Cup, nhưng vẫn phải nếm mùi mất mát khi liên tiếp cá cược bị thua. Điều mà N.V.H lo lắng nhất là số tiền lãi của 4 triệu đồng và chiếc laptop đang tăng lên, còn bản thân không dám về quê nghỉ hè vì không còn chiếc laptop để trình bố mẹ cho bố mẹ thấy.
Mặc dù World Cup chưa xong vòng bảng, nhưng nhiều nam sinh lao đao vì hết tiền. Nam sinh H.V.N phải vay tiền bạn của mình để có tiền ăn trong những ngày qua, vì mải cá độ nên H.V.N đã tiêu hết số tiền mà bố mẹ ở quê gửi ra để nộp tiền nhà tháng 7 và tiền về quê. Không những thế, chiếc điện thoại smatphone mới mua và chiếc máy tính cũng đã cắm ở hiệu cầm đồ đầu ngõ. 
H.V.N ngậm ngùi chia sẻ: "Lúc đầu mình cũng không định chơi, nhưng bạn bè rủ rê, lại nghiện xem đá bóng nên mình đã cùng chơi với bọn nó. Hóa ra bị bọn nó "lột" sạch. Nghĩ lại cũng ngu quá, giờ chẳng dám về quê nghỉ hè nữa, chắc phải xin bố mẹ khóa học tiếng Anh hè ở Hà Nội để chuộc lại máy tính và điện thoại".