Đắk Lắc: Vì khẩu súng đồ chơi, một đứa trẻ tử vong

(PLO) -Chỉ vì khẩu súng nhựa bị hỏng mà hai đứa trẻ xông vào đánh lộn nhau. Sau cuộc "tỉ thí" này, khẩu súng không lành được mà một đứa trẻ phải mãi mãi ra đi.
Đắk Lắc: Vì khẩu súng đồ chơi, một đứa trẻ tử vong

Trưa 25/11/2014, em Y Khoa Niê (SN 2001, học sinh lớp 6, ngụ buôn Năng, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắc) ra sân Trường Tiểu học Ea Hồ đánh nhau với em Bùi Nhật Linh (SN 2004, học sinh lớp 5, ngụ thôn Trung Hồ).

Khi bị đòn đau, Linh vào lớp lấy cây sắt 4 cạnh, dài khoảng 80 cm ra nhưng bị Niê giật lấy. Sau đó, hai em tiếp tục vật lộn. Một lát sau, được bạn bè can ngăn, Linh vào lớp học, Niê leo lên xe đạp của bạn bỏ đi. Tuy nhiên, khi đến khu nhà trọ tập thể của giáo viên trong trường, Niê té xuống đất ngất xỉu.

Nghe tiếng học sinh kêu cứu, bảo vệ cùng một số cô giáo trong trường đã chở Niê lên Trạm y tế xã Ea Hồ cấp cứu và báo cho người nhà biết tin. Trên đường chuyển lên Bệnh viện huyện Krông Năng, Niê đã tử vong.

Đứa trẻ ngã xe sau khi đánh lộn
Theo lời kể của Linh, khoảng 2 ngày trước đó, Linh mượn khẩu súng nhựa của một bạn học cùng trường để chơi. Một lát sau, Linh đem trả. Cùng ngày hôm đó, một người bạn học chung lớp với Linh mượn lại và vô ý làm vỡ khẩu súng này. Cho rằng Linh làm hư súng của mình, đứa trẻ cho mượn đồ chơi tỏ vẻ tức tối, buông lời hăm dọa.
Trưa 25/11, khi được em họ nói về vụ việc trên, Y Khoa Niê cùng 3 người bạn tìm Linh tại sân trường, hỏi: “Mày làm vỡ súng đúng không?”. Linh vừa nói “không phải” liền bị Niê nhảy vào đánh. Thấy bên kia đông người, Linh vừa chạy vừa dọa: “Bọn mày đông người, tao về kêu anh tới”.
Thực chất Linh không có anh nên chạy đến sân bóng của thôn ngồi. Khoảng 15 phút sau, nghĩ Niê cùng bạn đã về nên Linh quay lại trường. Ai ngờ Niê cùng một người bạn vẫn đứng đợi.
Bùi Nhật Linh: "Em không đánh trúng bạn cái nào". Ảnh: M.V
Bùi Nhật Linh: "Em không đánh trúng bạn cái nào". Ảnh: M.V
Vừa thấy Linh quay lại, Niê tiếp tục lao vào đấm đá. Bị đòn đau, Linh tức tối chạy vào lớp, lấy một cây sắt 4 cạnh chạy ra nói: “Bây giờ mày muốn gì?”, lao vào đánh, nhưng bị Niê giật được và vứt thanh sắt ra. Giữa trưa nắng, hai học sinh tiếp tục vật lộn. Đến khi đã thấm mệt, được can ngăn, hai bên mới chịu dừng lại. Sau đó, Linh vào lớp học, Niê leo lên xe đạp bạn bỏ đi.
Khi đi ngang khu nhà trọ tập thể của giáo viên, thuộc phạm vi của trường, Niê bị té xe đạp, ngất xỉu. Nghe tiếng học sinh kêu cứu, cô H’en Mlô, giáo viên dạy khối 4 của trường chạy ra bế Niê vào bóng mát, gọi bảo vệ cùng vài người khác đưa lên Trạm Y tế xã cấp cứu. Nghe tin con bị nạn, người nhà Niê cũng có mặt và chuyển học sinh này lên bệnh viện huyện.
Tuy nhiên, khi tới nơi, các bác sĩ cho biết bệnh nhân đã tử vong.
Tử vong do đâu?
Linh kể lại: “Lúc em mượn súng nhựa, thấy đã có vết nứt nhưng không nói. Chơi được 10 phút, em trả lại thì bạn có súng lại cho bạn khác mượn rồi bị hư, sau đó đổ lỗi do em và mách với Niê. Hôm gặp em, Niê đi 4 người. Lần đầu bị đánh, em bỏ chạy. Lần thứ 2 quay lại, Niê đánh em thêm mấy cái. Vừa đau, vừa tức, nhớ lại thanh sắt được tháo ra từ bàn học đang để trong lớp, em liền chạy vào lấy để đánh trả. Vừa giơ thanh sắt lên, Niê đã lao vào giật và vứt  ra. Sau đó, hai đứa em vật lộn một lúc. Khi mệt, em với Niê buông nhau ra”.
Nơi nạn nhân Niê té xỉu. Ảnh: M.V
Nơi nạn nhân Niê té xỉu. Ảnh: M.V
Thầy Nguyễn Văn Phúc (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Hồ) cho biết: “Trong trường có khoảng 96% học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Khi vụ việc xảy ra, có nhiều thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng tới tinh thần học sinh và uy tín của trường. Theo thông tin tôi nắm được, hai em có đánh nhau vì xảy ra hiểu nhầm. Tuy nhiên, nguyên nhân Niê chết không phải do Linh gây ra mà do té xe đạp.
Nhiều học sinh cho biết, hôm đó Niê leo lên đứng ở phía sau xe chứ không ngồi. Khi đi ngang khu tập thể của giáo viên thì bị té và ngất xỉu. Niê là học sinh đồng bào người Ê Đê, hiện đang học lớp 6, Trường Trung học cơ sở Y Jut. Trước đây Niê cũng học ở trường này.
Nhà trường đã xuống thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình, đồng thời làm bản tường trình vụ việc, báo cáo lên các cơ quan chức năng cùng Phòng GD&ĐT huyện. Chúng tôi cũng yêu cầu em Linh làm bản tường trình và vẫn cho đi học bình thường”.
Xác minh lại thông tin về vụ việc, ông Võ Thanh Việt (Trưởng công an xã Ea Hồ) cho biết: “Vào lúc 17h ngày 25/11, công an xã nhận được tin báo liền cử lực lượng xuống điều tra, xác minh, đồng thời báo cáo lên công an huyện. Trong quá trình phối hợp điều tra, chúng tôi xác nhận được Linh và Niê có đánh nhau. Niê chủ động đánh Linh trước. Sau đó, Linh có cầm cây sắt ra nhưng chưa đánh trúng Niê. Rút cuộc Linh bị đánh nhiều hơn. Công an tỉnh đã khám nghiệm tử thi. Theo thông tin tôi nắm được, nguyên nhân Niê tử vong không phải vì đánh nhau”.
Con đói sang xin cơm, mẹ đóng cửa đuổi về
Dù không phải là người gây ra cái chết cho bạn, nhưng Linh phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, đặc biệt là người mẹ. Dù đã bỏ bê con trai cho ông bà ngoại hơn 3 năm nay, nhưng khi biết chuyện, người mẹ đã tìm tới đánh và dọa nạt Linh tại nhà và trường.
Qúa hoảng sợ, mấy hôm liền sau khi xảy ra vụ việc, Linh không dám về nhà mà phải trốn chui trốn lủi, suốt ngày chỉ mặc độc một bộ đồ học sinh, đói xin ăn, khát xin uống, đêm đến lại xin ngủ nhờ nhà người quen.
Mẹ Linh người gốc Thanh Hóa, cha tật nguyền bẩm sinh liệt cả hai chân. Khi Linh ra đời, cha mẹ thường xuyên cãi nhau rồi đường ai nấy đi. Sau khi ly hôn, mẹ con Linh về sống chung với ông bà ngoại. Cách đây 3 năm, người mẹ lấy chồng mới, hắt hủi đứa con đầu. Nhiều lần đói bụng, ông bà ngoại lại đi vắng, Linh tìm sang nhà xin cơm nhưng bị mẹ và cha dượng “cấm cửa”.
Thương cháu nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, mấy lần bà ngoại bế Linh tìm đến cha ruột nhờ chăm sóc. Tuy nhiên, người cha đã thẳng thừng từ chối, đuổi hai bà cháu về.
Trường Tiểu học EAHồ- nơi xảy ra vụ ẩu đả. Ảnh: L.H
Trường Tiểu học EAHồ- nơi xảy ra vụ ẩu đả. Ảnh: L.H
Thương đứa bé tội nghiệp, nhiều người dân trong thôn có ý định đưa Linh về cho ăn học. Tuy nhiên, bất cứ ai cho Linh ăn ngủ được vài ngày là người mẹ lại tìm đến hăm dọa: “Nuôi con tôi, phải cho ăn học đến nơi đến chốn. Nếu để nó hư đừng trách”. Ngay cả bà ngoại Linh cũng từng phải chịu những lời “hăm dọa” này. Sợ gặp rắc rối, bà con lối xóm không ai dám đứng ra nhận Linh về cho ăn học.
Kể về cuộc sống của mình, Linh rưng rưng nước mắt: “Nhiều khi ông bà đi vắng, không có cơm, em phải sang nhà hàng xóm xin ăn. Hồi trước đói bụng, em có sang xin mẹ nhưng mẹ đóng cửa, không cho em vào. Nhà ông bà nghèo, em tính học xong lớp 5 sẽ lên Gia Lai chăn trâu thuê cho người quen trên đó”.
Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1973, thôn Trung Hồ) tỏ vẻ lo âu: “Gia đình tôi cũng không khá giả gì. Tuy nhiên, nếu mẹ Linh không gây áp lực, vợ chồng tôi sẵn sàng nhận cháu về cho ăn học. Hiện giờ Linh là một đứa trẻ ngoan. Thế nhưng, cứ để cháu sống lang thang, bữa no bữa đói, tôi sợ sau này cháu sẽ sa ngã”.
Về nạn nhân Linh, thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Hồ cho hay: “Em Linh có học lực trung bình, hành kiểm khá. Học sinh này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ ly dị nhau lúc em còn nhỏ, được miễn hết mọi khoản lệ phí để em có điều kiện đến lớp. Trước đây, có mấy lần em nghỉ học, nhà trường cử giáo viên chủ nhiệm xuống tận nhà khích lệ, động viên tinh thần, em mới đi học lại”.