Đầu độc cả trí óc con trẻ

Những cuốn sách có nội dung phản giáo dục lại do chính những nhà xuất bản có uy tín, tên tuổi ấn hành đã khiến dư luận lo lắng, bức xúc.
Choáng với cách hỏi - đáp trong cuốn sách này.
Choáng với cách hỏi - đáp trong cuốn sách này.
Cộng đồng mạng lại dậy sóng vì những cuốn sách dạy cho con trẻ những nội dung “chẳng giống ai”, phản giáo dục nhất ở nước mình. Sách là tri thức của nhân loại. Ai cũng khuyến khích con mình đọc sách. Thế nhưng, với thực trạng công tác kiểm duyệt nội dung xuất bản hiện nay thì đây lại là mối lo lớn của những người làm cha mẹ.
Có thể điểm qua một vài cuốn sách đã từng khiến các bậc làm cha mẹ “choáng váng”:
“Muôn Thưở Nước Non”, tập truyện tranh song ngữ dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Giáo Dục đề cập đến chuyện nguồn gốc của vua Đinh Bộ Lĩnh. “Tại trang 14, tác giả viết: “Chuyện kể rằng, một hôm, mẹ Đinh Bộ Lĩnh đi tắm tại động Hoa Lư, chẳng may bị con rái cá cực lớn hãm hiếp”. Đi kèm là ảnh minh họa vẽ một con rái cá to như người xông tới người phụ nữ đang co rúm, sợ hãi.” Để khỏi nhầm lẫn, bên dưới phần tiếng Anh còn dùng nguyên chữ “rape”.
Một cuốn sách có tên “Hỏi đáp nhanh trí” của Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, cũng có những phần hỏi – đáp mà chưa bậc cha mẹ nào có thể tưởng tượng nổi.
Những câu hỏi – đáp án trong bộ sách đều dưới dạng hài hước, tinh nghịch, tuy nhiên dường như nội dung của các cuốn sách có khá nhiều chỗ không phù hợp với trẻ nhỏ. Đặc biệt, một số nội dung làm trẻ suy nghĩ lệch lạc kiến thức thực tế, lệch lạc tư duy của trẻ. 
Sách dành cho trẻ con mà nội dung hỏi đáp thì quá nguy hiểm, sai lệch bạo lực. Mục đích của những người viết sách và NXB là tăng cường trí thông minh, hỏi nhanh đáp nhanh cho trẻ nhưng với nội dung như thế này thì không chấp nhận được.
Dù sách đã được chỉnh sửa nhưng đặc tính chung của truyện, sách khi đã in ra thì có tính lưu giữ rất cao. Nhất là hiện nay, nhiều em có ý thức giữ những cuốn sách, chuyện đã đọc để tặng các em nhỏ hoặc ủng hộ các bạn học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Khi mắc một lỗi xuất bản, có mấy Nhà xuất bản đứng ra thu hồi sách, mà có đứng ra thu hồi thì có mấy người đem lại để nộp đâu. Cho nên, những cuốn sách dù bị phát hiện lỗi vẫn được lưu hành bình thường.
Không chỉ trong sách mà ngay cả trên truyền hình hiện cũng chiếu những bộ phim với những lời thoại rất phi giáo dục. Đơn cử như bộ phim “Courages chú chó nhút nhát”, “Con chó ngu ngốc mày làm xấu mặt tao”… đang được trình chiếu trên kênh CN (do VTV dịch và phát lại).
Một bà mẹ chia sẻ, một hôm đi làm về cậu con 4 tuổi giành đồ chơi không được đã chỉ thẳng mặt cô chị quát “Con chó ngu ngốc”. Chị tá hỏa không biết con mình đã học ở đâu câu nói ấy vì con đi học bán trú, có lẽ chỉ học theo các bạn ở lớp. Nhưng có lần vô tình cho con xem hoạt hình, chị đã nghe được câu nói này phát ra từ chiếc TV nhà mình.
Cũng chuyện của trẻ con, một đồng nghiệp kể lại, con anh 6 tuổi, nói chuyện với ông nội, không biết cáu giận điều gì đã quát lên với ông: “Con chó ngu ngốc mày làm xấu mặt tao”. Ông ớ người, lắc đầu bảo: “Tất cả từ phim ảnh mà ra”.
Bây giờ đi mua sách, truyện, nhiều cha mẹ chỉ nhìn vào đầu sách, đến Nhà xuất bản… chứ không thể lật từng trang đọc rồi mới mua. Cứ thấy tên tuổi nhà xuất bản là thấy yên tâm. Nhưng với một loạt scandal về sách, truyện vừa rồi thì cha mẹ của các độc giả nhí thực sự là “lung lạc” niềm tin, chẳng biết cách nào để không “sập bẫy” của các nhà xuất bản. Bởi hầu hết các lỗi bị phát hiện đều do các Nhà xuất bản có danh tiếng thực hiện.
Biên tập và kiểm duyệt là hai khâu rất quan trọng trong xuất bản bất kỳ ấn phẩm nào. Thế nhưng, tại sao lại vẫn có những cuốn sách, bộ phim phi giáo dục như vậy “lọt” qua được lưới kiểm soát của các biên tập viên rất cứng tay tại các nhà xuất bản hay bộ phận kiểm duyệt. Những lỗi này chỉ được phát hiện khi các cuốn sách này đã đến tay các khách hàng nhí. Nguy hiểm ở chỗ, lứa tuổi các em, các cháu học đòi theo rất nhanh. Bé 3-5 tuổi thì cách nói năng bắt chước, lớn hơn là cách hành xử với người lớn và bạn bè. Người lớn không hiểu hay cố tình không hiểu mà vẫn cho ra lò những cuốn sách như vậy. 
Có một điều trong cuộc sống là “dạy những cái hay cho các con thì khó nhưng những thứ lếu láo thì các con tiếp thu rất nhanh. Những cuốn sách cũng như vậy, nội dung “khác người” thì được con trẻ truyền tai nhau rất nhanh và trở thành sách bán chạy nhất. Có phải đây là lý do để các nhà xuất bản “nhắm mắt” cho qua những cuốn sách mà giá trị giáo dục của nó không đáng một xu?.