Đua nhau lên Facebook “vạch áo cho người xem lưng"

Vợ tố chồng trẻ ngoại tình, lăng mạ tình địch hay chị vợ tố em rể đánh vợ, đòi quà cưới là những gì người trẻ đem lên Facebook để trút nỗi niềm “tâm sự”.
Người xưa có dạy, vợ chồng xích mích thì “đóng cửa bảo nhau”, chuyện trong nhà chớ lộ ra ngoài cho thiên hạ bàn tán. Ngày nay, lời dạy dường như đã không còn nhập vào tai người trẻ.
Trong thời đại mọi thông tin cá nhân đều được công khai trên Facebook, chuyện vợ chồng cơm không lành canh không ngọt bị chính người trong cuộc tung hê, thành chủ đề cho người ngoài cười chê.
Gần đây, trên Facebook đang diễn ra một số vụ việc lùm xùm “vạch áo cho người xem lưng” không giống ai. Nổi đình đám nhất là vụ vợ trẻ lên Facebook tố chồng ngoại tình, chửi tình địch…; vụ chị vợ tố em rể đánh vợ, trai gái, là “anh không đòi quà phiên bản 2”.
Vợ tố chồng ngoại tình, lăng mạ tình địch
Cách đây không lâu, cô gái trẻ T. mới cưới chồng vài tháng đã bất ngờ lên Facebook tố một người mẫu có tiếng vì tội “ngủ với chồng tao”. Chồng của cô vốn là người hoạt động trong làng giải trí, vì vậy vụ tai tiếng này nhanh chóng trở thành cú sốc đối với cộng đồng mạng.
Nhiều trang tin nhảy vào cuộc, khai thác thật hư câu chuyện “ngoại tình” này. Biết chuyện, cô người mẫu lên báo phát biểu rõ là mình vô can đồng thời thách thức người vợ đưa ra bằng chứng. Vụ việc um sùm này khiến dư luận chẳng biết tin ai, nhưng lại hết sức hứng thú để... bình luận, dự đoán.
Cuối cùng, cô vợ trẻ lại bất ngờ nói câu xin lỗi, sau khi hai vợ chồng đã “giải quyết nội bộ” và lại xuất hiện cùng nhau thân mật như không có gì xảy ra. Kết thúc này khiến cho những “anh hùng bán phím” chờ đợi cuộc tương tàn giữa hai bên và sự thật từ phía anh chồng bị chưng hửng.
Để bù lại sự “mất mát” về đề tài giải trí, cư dân Facebook quay ra nói xấu cả 3 nhân vật chính. Điểm “tín nhiệm” và yêu thích của người chồng làm diễn viên và cô người mẫu "ghen quá mất khôn, không làm chủ được bàn phím" bị giảm đáng kể từ đây.
Ảnh biếm hoạ chuyện chia tay đòi quà
Ảnh biếm hoạ chuyện chia tay đòi quà 
Một tuần trước, trong đoạn chia sẻ đầy bức xúc trên Facebook, một người phụ nữ đã tố em gái vừa bị chồng đánh, nêu lên không ít thói hư tật xấu của em rể và gọi anh này "Anh không đòi quà phiên bản 2".
Mâu thuẫn giữa những người trong cuộc xuất phát từ việc người em rể đòi tiền, đòi lại quà cưới sau khi vợ bỏ về nhà mẹ đẻ vì bị chồng hành xử thô bạo.
Sau khi bị tố, anh chồng cũng đăng đàn đưa ra nhiều dẫn chứng để khẳng định mình yêu vợ con hết mực, không hề có chuyện đòi quà. Đồng thời anh chồng trẻ này còn đưa ra bằng chứng tố ngược gia đình vợ không trung thực, thậm chí cả chuyện bố chồng nhắn tin đòi hẹn gặp... "đấu tay đôi" với con rể.
Đến nay, vụ cãi cọ, tố cáo lẫn nhau giữa hai bên vẫn chưa đi đến hồi kết, trong khi dư luận đã đi tới mức ngán ngẩm, khuyên hai bên nên kiềm chế vì đứa con bé bỏng của hai vợ chồng và giữ lấy thể hiện cho gia đình.
Hệ luỵ chuyện "vạch áo cho người xem lưng"
Cả hai vụ việc nói trên đều xuất phát từ phút giây thiếu kiềm chế, để rồi biến thành chủ đề đàm tiếu cho bàn dân thiên hạ. Người trong cuộc quyết chí dùng mạng xã hội như một công cụ để bày tỏ thái độ bức xúc, lôi kéo sự ủng hộ về phía mình mà không quan tâm rằng dư luận trên Facebook vốn dĩ hỗn loạn, người tốt thì ít, “anh hùng bàn phím” thì nhiều.
Mọi vụ tranh cãi được phơi bày trên Facebook, kẻ trong cuộc chẳng mấy khi nhận được sự đồng cảm mà ngược lại, đôi bên đều xấu hổ vì “vạch áo cho người xem lưng. Để rồi sau đó, kẻ đúng người sai đều bẽ bàng, mối quan hệ giữa những người trong cuộc bị rạn nứt khó hàn gắn.
Kết quả nghiên cứu của một nhóm các giáo sư tâm lý đến từ Đại học Michigan, Hoa Kỳ và Đại học Leuven, Bỉ cho biết càng tương tác nhiều với Facebook, tâm trạng con người càng tồi tệ.
 Trong nghiên cứu này, một số sinh viên đại học tình nguyện tham gia sẽ báo cáo lại tần suất sử dụng Facebook cùng với đó là tâm trạng hiện tại của mình 5 lần một ngày, liên tiếp trong 2 tuần. Kết quả là người dùng Facebook nhiều thường đi kèm với nhiều cảm xúc tiêu cực hơn nhóm còn lại...