Khi “khoảng lặng” trở thành... xa xỉ

(PLO) - Những năm gần đây, những hội chợ sách lớn nhỏ vào mùa xuân và mùa thu ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM thường có số lượng khổng lồ bạn đọc tới chen chân… mua sách và dạo chơi. Nếu chỉ nhìn vào số lượng người trẻ chiếm khoảng 70% đến với hội sách sẽ không mấy ai phải lo nghĩ về văn hoá đọc… 
Những hội chợ sách luôn đông nghẹt, nhưng người mua sách để đọc đôi khi ít hơn cả người mua sách để…trưng!
Những hội chợ sách luôn đông nghẹt, nhưng người mua sách để đọc đôi khi ít hơn cả người mua sách để…trưng!
Thời của… “kêu to, tự sướng”
Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách chủ yếu là sách văn học  thì hiện nay các thể loại sách từ tâm linh, bói toán tới ngôn tình tràn ngập các hiệu sách, các hội chợ sách đông nghẹt người. Đành rằng, bước vào nhà sách ngày nay có vẻ như chúng ta có quá nhiều đầu sách để chọn, nhưng người trẻ lại không có định hướng để đọc (bởi vậy mới có tình trạng chạy theo phong trào, hay đọc theo sự quảng cáo của truyền thông). Chúng ta thiếu một đội ngũ và một hệ thống thẩm định sách một cách khách quan, nghiêm túc và có chất lượng để giới thiệu những đầu sách có giá trị. 
Bởi thế, các hội sách diễn ra khá dày đặc cũng bị chỉ trích nghiêng về “chợ sách”, khi mà cảnh mua bán sách nhộn nhịp, hay cảnh sinh viên, học sinh thì rất đông, hầu hết đến chỉ vì thấy mọi người đến mình cũng đến, cho xong rồi về? Có một thời gian những cuốn sách như “Mãi mãi tuổi 20”, “Lê Vân yêu và sống” làm mưa làm gió trên thị trường. 
Rồi có khi họ đọc theo mốt như “Thế giới phẳng”, một cuốn sách của nhà kinh tế - xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc về xu thế toàn cầu hóa. “Thế giới phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả. Thế nên dù không thích, không hiểu nhưng họ vẫn  đi mua những cuốn sách mà mọi nguời đang đọc để mình không trở thành người lạc hậu. 
Phần đa những nhà nghiên cứu tại các cuộc hội thảo về đề tài này đều cho rằng, văn hóa đọc đi xuống trong cái nhìn so sánh với các loại hình giải trí khác như điện ảnh, âm nhạc, truyền hình... Người dân ở các thành phố đang sống gấp, thiếu cả thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi nên thường quên luôn khoảng lặng dành cho sách. Người có thời gian hơn lại chọn những món nhanh gọn, vui vẻ như một bộ phim giải trí, chương trình ca nhạc, xem để thư giãn, để cười cho nhẹ nhõm. 
Và nữa, cũng khó mà trách người trẻ khi mà nhà nhà in sách, sách lậu tràn ngập thị trường thì việc quá nhiều “sách rác” thậm chí nguy hại như mảng sách cho thiếu nhi. Đó là chưa nói đến những sách sai lỗi chính tả, văn phong cẩu thả, thô thiển. Còn sách dịch thì không hoàn toàn lột tả được cái hồn của bản gốc, ngôn từ thì cứ như người ngoại quốc viết tiếng Việt. 
Nhìn về sự lười và thờ ơ với việc đọc sách, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chia sẻ: Hình ảnh điển hình của bậc cha mẹ trẻ bây giờ là luôn thiếu thời gian, luôn phấn đấu cho sự nghiệp, muốn có thân hình đẹp và luôn… thiếu tiền. Còn hình ảnh điển hình của đứa trẻ hiện đại là luôn thèm được chơi với cha mẹ, luôn thèm các thức ăn nhanh, giải trí điện tử và… dễ béo phì). Các bậc cha mẹ trẻ có học hẳn hoi cũng mắc chứng bệnh cái gì cũng biết mà thật ra họ… chẳng biết cái gì một cách cẩn thận, có hệ thống. 
Thời thế con người không còn ham suy tư sâu lắng nữa rồi? Tất cả phải “la to” cho mình nổi bật, thời đại tự sướng, phải thành công bằng mọi giá kiểu con đường của các “sao” trong showbiz. Giống như hàng hiệu phải nhờ các sao, đồng hồ Casio trên tay ngôi sao màn bạc Nicola Cage. Như xe xịn phải nhờ gái đẹp đứng bên. Bản tin bây giờ cũng đang tìm cách làm như nhạc rap, phải ngắn gọn, phải hài và dễ nhớ…
Có quá “bi quan”?
Đành rằng ai cũng biết tới giá trị của tri thức và đọc sách. Khi được hỏi lý do phụ huynh chọn những trường quốc tế, họ cho rằng vào đó, con họ có nửa giờ đọc sách một ngày. Riêng tiêu chí đó đã đủ sức hấp đẫn với họ. 
Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng ở hầu hết các nước phát triển, ngay từ cấp tiểu học học sinh đã được hướng dẫn cách đọc sách và tạo thành thói quen đọc hết từng cuốn sách thích hợp với từng lứa tuổi và bắt buộc các em phải trình bày tóm tắt nội dung kèm theo nhận xét của riêng mình trong một bài trình bày ngắn gọn. 
Văn hoá đọc là một yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả của quá trình tự học; đến lượt mình tự học đóng vai trò quyết định trong quá trình học tập trong nhà trường cũng như trong suốt cuộc đời!
Thế nhưng, một thực tế khó tin nhưng lại được chính những người trong cuộc khẳng định, đó là văn hóa đọc đang gặp phải rào cản từ chính các bậc phụ huynh và giáo viên. TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, không hiếm trường hợp cha mẹ không cho con đọc sách vì cho rằng có đọc nhiều cũng không thể được điểm cao lúc thi cử. 
Đáng buồn hơn, rất nhiều sinh viên đại học hiện nay cũng không hề biết cách đọc sách. Họ chủ yếu chỉ đọc để phục vụ các kỳ thi chứ không tự trang bị những kỹ năng sống từ việc đọc sách một cách đúng nghĩa.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Hải cho rằng, về phía nhà trường nếu muốn thực sự thay đổi thì sẽ phải tìm ra cách phù hợp. Tiết ngữ văn chẳng hạn, đừng nhồi văn mẫu nữa, hãy cho các em đọc sách và nhận xét, tự viết cảm nhận, có cần phải mất cả nghìn tỉ không? Giao bài tập về nhà là đọc sách rồi viết nhận xét, trả lời và đặt câu hỏi, được không? 
Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhà văn Chu Lai lại có cái nhìn lạc quan về vấn đề này: “Là người viết sách, do đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là giới trẻ, học sinh và sinh viên, từ lâu tôi đã khẳng định mà không sợ võ đoán rằng văn hóa đọc chưa bao giờ bị lãng quên và độc giả cũng chưa bao giờ quay lưng lại với sách.Vấn đề là sách nào, sách ấy được viết ra làm sao và người viết có tận tâm, tận sức coi trọng người đọc hay không. 
Thác lũ thông tin ư? Phim ảnh, game show, internet ư? Vẫn có cả đấy và năng lực hủy diệt văn hóa đọc của nó cũng ghê gớm lắm đấy, nhưng tự một góc sâu xa nhất trong tâm hồn, con người vẫn phải cần các con chữ, chỉ có các con chữ mới làm cho sức tưởng tượng của người đọc được mở hết đường biên thăng hoa. 
Trong dòng chảy cuộc đời liệu có sức mạnh thông tin nào thay thế được sáng mùa đông còn nằm ủ trong chăn ấy, cô gái mở cuốn sách đọc từng dòng, từng dòng và bỗng thấy lòng mình trải ra, tâm hồn như được phù sa đắp đổi dịu dàng? Không, không có một thể loại nào có thể thay thế được trí tưởng tượng và bản chất lãng mạn của con người. Chỉ có sách và sách. Tất nhiên vẫn phải nhắc lại rằng, cuốn sách ấy được viết ra như thế nào và người viết sách lao động với cường độ ra sao”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung cho rằng: “Đọc sách là con đường ngắn nhất đi tới hiểu biết cuộc sống đang ngày càng mở rộng với vận tốc ngày càng nhanh. Đọc sách sẽ giúp mình được rảnh rỗi hơn nhiều trong công việc, bình tĩnh hơn nhiều trong cuộc đời. Càng nhiều tuổi, tôi càng thấm thía: càng bận bịu, bức xúc bao nhiêu thì càng phải cố tìm chọn sách mà đọc bấy nhiêu. Như thế, thực tế vấn đề là bạn có thực sự yêu sách hay không, có một thói quen đọc sách hay không chứ không phải những người bận rộn, luôn thiếu thời gian lại là những người cần tìm đến sách. 
Đó cũng là một giải đáp cho hiện tượng người Sài Gòn đổ xô đi hội sách khuân sách về nhà, khi không có hội sách thì các nhà sách trong thành phố sẽ là điểm đến đông đảo cuối tuần. Bởi đã có một sự so sánh rằng, không thể đổ lỗi cho cuộc sống ồn ào, sôi động khiến người ta mất đi khoảng lặng, mà những năm gần đây, TP.HCM lại là thị trường tiêu thụ lượng sách khổng lồ hơn cả…”.
Tiến sỹ văn học Đoàn Hương chia sẻ, các bạn trẻ ngày nay không còn biết Sông đông êm đềm, không còn biết Bông hồng vàng của Pauxtopk… Không còn thấy vẻ đẹp của văn chương, ngay cả yêu, các bạn cũng không biết yêu sao cho đẹp và sâu lắng. 
Còn nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng cho rằng: “Khi nói chuyện với các bạn trẻ, tôi đã nói rằng, nếu có một lúc nào đó họ sa ngã thì cái đẹp mà một phần do văn chương mang lại sẽ làm cho họ biết sám hối. Dạy văn và học văn không phải để sinh ra các nhà văn, nhà thơ mà là một trong những con đường đưa con người vào thế giới nhân tính. 
Một hiện thực là rất nhiều học sinh không còn thích học môn văn nữa. Lỗi đó không thuộc về học sinh. Lỗi đó thuộc về những nhà giáo dục cùng một phần của các bậc cha mẹ. Trong khi họ, các nhà giáo dục và các phụ huynh, nỗ lực hết mình để truyền đạt những kiến thức mang tính thực dụng cho con em họ thì họ đã bỏ quên việc nuôi dưỡng tâm hồn con em họ. Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ trở thành những bác sỹ phẫu thuật rất giỏi, những ông chủ nhà băng lớn, những thương gia giàu có... nhưng lại là những kẻ vô cảm và dửng dưng với mọi số phận quanh họ”.
Vì cách dạy văn lâu nay của chúng ta hoàn toàn giống như dạy cách sao chép một văn bản lý thuyết từ giáo án của thầy cô sang vở ghi chép của học sinh. Nó giống như học sinh dùng một cái USB “cắm vào” ổ máy của thầy cô rồi coppy vào cái máy của mình. Thao tác đó không hề được đi qua thế giới của những run rẩy, những thổn thức, những chia sẻ, những tưởng tượng, những giày vò và cả những lo sợ mơ hồ. Chính cái thế giới ấy mới làm nên tâm hồn con người. 
Và khi mỗi con người nhìn thấy những vẻ đẹp quanh mình, vẻ đẹp của văn chương, đọc sách, thi ca, nhạc hoạ, người ta sẽ sống chậm hơn. Chúng ta biết dừng lại suy nghĩ cho những gì vuột mất, và những cái ác, sự vô cảm sẽ bớt đi trong thế giới phẳng quá gấp gáp này…