Mục kích ngôi nhà của chủ nhân các loài bò sát đa quốc tịch

(PLO) -  Từ tình yêu với một con thằn lằn bóng thời con nít, Thành đã trở thành ông chủ của ngôi nhà với những con bò sát đa quốc tịch
Thành và cá sấu.
Thành và cá sấu.
Ngay từ những ngày còn học mẫu giáo, Nguyễn Quý Thành (22 tuổi, ngụ phố Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) đã bộc lộ niềm đam mê với loài bò sát.
Niềm đam mê động vật
Cả nhà biết Thành mê mẩn với những loài động vật nhỏ xinh nên rất tạo điều kiện để Thành được thỏa đam mê của mình. Mẹ Thành cho biết, Thành mê cá đến mức ngày trước nhà ở phố Hàng Đường, rất chật chội nhưng vẫn phải dành đến 1/4 ngôi nhà để Thành đặt bể cá. Mỗi ngày đi học về là Thành lại mê mẩn ngắm cá, có những hôm Thành chỉ nằm, ngồi bên cạnh bể cá để ngắm cũng hết cả buổi tối. “Ăn nó cũng ăn bên cạnh bể cá, học nó cũng bò lăn bò toài bên cạnh đấy để thi thoảng còn ngắm… cá. Không hiểu sao nó lại mê mẩn thế chứ”  - bác Nguyên kết luận. 
Thấy em mê động vật, anh trai Thành sống ở Đức cho biết có loài rùa cảnh rất đẹp. Vừa nhìn thấy hình ảnh rùa cảnh anh trai gửi cho, Thành đã thích mê mệt, quyết định để dành tiền. Nhà có nghề kinh doanh nên Thành cũng ngấm máu buôn bán từ nhỏ. Ngay từ khi mới học lớp 7, Thành đã có một góc cố định để bán hàng ở chợ đêm, tiền lãi được giữ lại, tự chi tiêu cho sở thích và đam mê của mình. Cũng phải mất hai tháng không chi tiêu gì, Thành mới góp đủ 800.000 đồng để mua rùa cảnh. 
Sau đó là những con thằn lằn, kỳ đà được gửi liên tục từ nước Đức về. Bằng số tiền kiếm được từ bán đồ chơi ở chợ đêm, Thành đã mua được khoảng 20 cá thể bò sát như “rồng”, cá sấu, thằn lằn... để đưa về nhà mình. 
Vẫn bị ám ảnh chuyện con thằn lằn bóng bị chết khi xưa, Thành bắt đầu để ý tìm hiểu rất kỹ về tập quán sinh sống của các loài bò sát để có thể tạo được môi trường sống hợp lý cho đám “thú cưng” của mình. 
Thành say sưa kể: “Có những hôm em phải lang thang trên chợ hoa, chợ chim ở phố Hoàng Hoa Thám cả ngày để tìm kiếm những vật liệu về làm chỗ ở cho bò sát. Loài thì sống ở không khí nhiệt đới ẩm, có thể dùng vỏ thông để lót nền cho nó; tuy nhiên vỏ thông lại hay mốc nên em thay bằng mùn dừa. 
Hoặc có những loài sống ở sa mạc, phải tìm mua cát sa mạc về và phải có bóng đèn mặt trời để tạo ra thứ ánh sáng giống như mặt trời thật. Phải chi li, tiểu tiết như vậy mới chăm được lũ bạn cưng này”. Nói rồi Thành cười tươi, mắt đưa nhìn những chú bò sát xung quanh mình. 
Thành tỉ mẩn, chăm chút để ý từng chút một cho ngôi nhà nhỏ của đám “thú cưng”. Thành luôn phải tính toán cẩn thận từng chi tiết để dựng lên sao cho phù hợp với đặc tính tự nhiên của từng con vật khác nhau. Đối với nhà của những chú rắn, bao giờ ánh sáng cũng mờ mờ, ảo ảo vì rắn rất kị ánh sáng trắng. Với những chú “rồng” xanh lí lắc, ngôi nhà khá màu mè và thoải mái, có cây cỏ, cành lá để chúng thoải mái đùa giỡn. Chuồng cũng được ốp bằng rất nhiều loại vật liệu khác nhau như: gỗ, tre, gạch, đá, sỏi…
Thành và thú cưng.
Thành và thú cưng. 
Cái duyên kinh doanh từ việc làm bạn với bò sát
Chuyện làm thân, thuần hóa những loài bò sát cũng khó khăn và vất vả không kém chuyện chăm sóc chúng. Thành cho biết: “Có những loài hiền lành, chỉ cần vuốt ve là có thể chơi cùng nó. Nhưng có những loài khó tính, mình phải để thức ăn vào ngón tay, tìm cách gần gũi với nó rồi cho nó ăn để nó quen hơi mình, sau đó mới bế và vuốt ve nó được”. Dù đã rất cẩn trọng trong việc chăm sóc các loài bò sát nhưng Thành cũng đã “gặp tai nạn” trong quá trình này. 
Thành kể: “Một lần em và một bạn nữa tắm cho chú rồng Nam Mỹ, chú này dài hơn 1m, thuần dưỡng mãi vẫn không được nên khi tắm cho nó phải cảnh giác cao độ. Em đã để một cái gáo to ngăn giữa em và nó, thế mà nó bất thình lình quất đuôi, hất tung cái gáo lên trần. Hai anh em được phen hú vía, rụng rời. Loài này tấn công bằng đuôi rất mạnh, nếu không có cái gáo thì chắc em bị thương rồi”. 
Ngôi nhà của Thành trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều loài bò sát có… quốc tịch Đức. Thi thoảng Thành lại mang những loài này ra ngoài đường để mọi người chiêm ngưỡng. Thành tự hào khi mỗi lần mang “thú cưng” ra chợ đêm là mỗi lần tắc đường vì mọi người kéo đến xem rất đông. Tuy nhiên, trong một lần cần tiền gấp, Thành buộc lòng phải bán con rùa cảnh đi. Thành ngẩn ngơ, không tập trung học được trong một thời gian dài. 
“Cảm giác hụt hẫng sau khi bán rùa cảnh khiến em quyết tâm kiếm tiền thật nhanh để có thể mua lại chú rùa này. Thế là mỗi đêm em lại đứng bán hàng muộn hơn, có những thứ cố bán dù lãi rất ít và thật may, sau 3 tháng em đã gom đủ tiền để mua lại chú rùa của mình. Một điều may nữa là người chủ thứ hai của rùa cảnh đã không ép giá em, chỉ lấy đúng bằng số tiền em đã bán cho họ. Chuyện này làm em cảm nhận được cái tình của những người cùng đam mê như mình” - Thành kể. 
Và chuyện mua đi, đổi lại bò sát của những người có cùng sở thích bắt đầu đến bởi “cảm thấy có lãi một chút và chia sẻ được niềm đam mê của mình đến với nhiều người, em quyết tâm dấn thân… sâu hơn vào nuôi bò sát” - Thành cho biết.
Đúng lúc này, quán cà phê của một người ở phố Ngọc Khánh, cũng có cùng đam mê bò sát, được rao bán, Thành đã tiếp cận, mua lại được và tiến hành chỉnh sửa để quán có không gian mới, trở thành địa điểm ưa thích của các bạn trẻ yêu thích bò sát. “Vừa thỏa mãn được đam mê, vừa phục vụ máu kinh doanh, đúng là tiện cả đôi đường” - Thành cười chia sẻ. 
Bây giờ, quán Pet Cafe của Thành trở thành địa chỉ quen thuộc của các bạn trẻ mê bò sát. Mỗi buổi tối cuối tuần, quán giống như một nhà trẻ thu nhỏ bởi các bé được bố mẹ đưa đến quán chơi. Trong khi bố mẹ uống cà phê, chuyện trò thì các bé được tập hợp lại để được dẫn đi xem, giới thiệu và chơi với bò sát. Ai gan thì ôm để chụp ảnh, ai nhát hơn thì đứng từ xa quan sát. 
Anh Phạm Ngọc Nam (Nhà T24, khu đô thị Trung Hòa) cho biết, con trai anh khá nhát nên anh muốn con làm bạn với thiên nhiên để giúp nó dạn dĩ hơn. Lần đầu đến Pet Cafe, con anh cũng tỏ ra sợ sệt, nhưng vài lần rồi nó quen luôn, tuần nào không thấy bố mẹ đưa đến xem bò sát là lại nhắc nhở. 
Từ niềm yêu thích, đam mê, Thành đã khởi nghiệp luôn với nghề chăm sóc, kinh doanh bò sát. Hiện nay, nhiều khu vui chơi, trung tâm thương mại đang nhờ Thành tư vấn, đặt hàng để xây dựng khu bò sát cho khách tham quan, chiêm ngưỡng. Thành tâm sự : “Mọi sự cứ tự nhiên đến thôi, em không ngờ lại có thể kiếm tiền được từ niềm đam mê của mình đâu”. 
Mẹ Thành ngồi cạnh không ngừng nhìn con trai với vẻ tự hào, cho biết: “Cũng may Thành thích động vật nên thời gian rỗi nó chỉ quẩn quanh với sở thích của nó. Tôi cũng hy vọng các bạn trẻ bây giờ tạo cho mình một niềm đam mê lành mạnh và các bố mẹ nên để con cái mình được sống với niềm đam mê ấy, chắc chắn chúng sẽ trở thành người có ích”.