Người Hà Nội chơi Tết với "hoa lạ"

(PLO) - Tết Việt không chỉ là Tết của Mai, của Đào, của những cây quất sai trĩu quả, thời gian gần đây, nhiều loại hoa lạ, hoa của những miền đất khách đã hội tụ, tô điểm thêm cho Tết của người Hà Nội.
Người Hà Nội chơi Tết với "hoa lạ"
Hyacinth sự sủng ái của nữ thần Mặt trời
Vài năm trở lại đây, loại hoa được khá nhiều người yêu chuộng, trưng bày khi tết đến là Hyacinth – và được Việt hóa với cái tên Tiên Ông (bởi bộ rễ như râu ông tiên giáng trần).  
Theo truyền thuyết, loài hoa rực rỡ có hương thơm nồng nàn này hóa thân từ Hyacinthus, một vị hoàng tử đẹp trai, được thần Apollo (thần mặt trời) sủng ái. Sau khi Hyacinthus chết đi, Apollo, đã phải trải qua nỗi đau khôn cùng. Vì không thể làm cho hoàng tử Hyacinthus sống lại, Apollo bèn tạo ra một bông hoa mang tên hoàng tử, mọc lên từ máu của chàng.
Tiên Ông lại hội đủ các yếu tố của một loại hoa trừng bày trên bàn trà, đó là hương và sắc. Đặc biệt, nhiều người quan niệm rằng đây là loại hoa mang đến sự an lành cho gia chủ. Tiên Ông có mùi thơm rất đặc trưng, chỉ cần bày một bình Tiên Ông trên bàn uống nước hay bên thành cửa sổ là cả căn phòng đã sực nức hương thơm. Tiên Ông có nhiều màu: đỏ, hồng, trắng, tím, xanh. Những màu sắc rất tươi tắn vô cùng thích hợp cho không khí những ngày đầu năm mới. Mỗi màu sẽ có một mùihương đặc trưng riêng, như mùi thoang thoảng của Tiên Ông hồng, trắng; mùi nồng nàn của hoa tím, hoa xanh…
Tiên Ông dất dễ chăm  sóc, lại thích hợp với môi trường không cần ánh nắng nhiều. Tiên Ông có hai loại – trồng nước và trồng đất. Tùy vào vị trí trưng bày mà người mua lựa chọn hai loại Tiên Ông này. Với Tiên Ông trồng đất, người chơi không cần cầu kỳ lựa loại chậu trồng. Nhưng với loại sống trong nước,  sẽ có một loại bình được thiết kết riêng, đặc biệt, bình phải trong suốt để có thể nhìn thấy bộ rễ trắng tinh như râu ông tiên của loại hoa chơi được cả hoa, cả rễ này.
Và dù là hoa trồng nước hay trồng đất, người chơi hoa đều không cần tỉ mỉ trong khâu chăm sóc. Khoảng đầu tháng Chạp, các khu chợ Hoa ở Hà Nội đã bán khá nhiều Tiên Ông phục vụ người chơi hoa sớm. Tiên Ông khi đó chỉ như những củ hành tây, hơi nhu nhú một chút nụ nụ hoa trên đầu. Người chơi chỉ cần mua về, để hoa trong bóng tối để nụ hoa vươn dài, rồi chờ hoa bung hương, xòe cánh. Cũng có thể bày luôn những mầm hoa xanh mướt trên bàn trà, bàn ăn để thưởng thức vẻ đẹp mơn mởn của lộc Xuân sớm.
Nếu muốn chơi hoa đúng dịp Tết, cần phải lựa những bông có nụ còn rất non, về cất trong tủ lạnh để hãm hoa. Chừng 1 tuần trước Tết, sẽ mang ra để tắm tưới như một quy trình chăm sóc bình thường. Tuy nhiên, để an toàn nhất, chừng 20 tháng Chạp, dạo một vòng trên chợ hoa, lựa những bông có nụ cao tầm 5-6cm, về tưới thêm chút nước ấm, là kiểu gì đêm 30 Tết, nhà bạn cũng sự nức mùi thơm thanh khiết như có ông Tiên vừa hạ thế giáng trần.
Tiên Ông cũng rất phù hợp để làm quà biếu, quà tặng, thể hiện mối thâm giao, bạn hữu. Mỗi bông Tiên Ông từ khi nở đến khi tàn kéo dài 1 – 2 tuần lễ.
Quý phái với Quốc hoa Hà Lan
Tưởng chỉ có ở xứ lạnh, nhưng Tulip cũng đã có thể được nuôi lớn từ trong chính những ngôi nhà Việt. Tulip có nguồn gốc từ Châu Âu và là quốc hoa của Hà Lan. Đây là loại hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, sự trang trọng và quý phái. Người ta tin rằng Tulip sẽ bảo vệ những ai gieo trồng chúng vì những bông hoa này dành riêng cho những thiên thần bé nhỏ và các bà tiên, những người thường quây quần dưới các bông hoa và hát cho nhau các bài hát ru con.
Cũng giống như với Tiên Ông (được nhập về từ Trung Quốc), củ Tulip được nhập khẩu về Việt Nam, hầu hết là loại củ đã được xử lý lạnh, chỉ chờ cơ hội để nảy chồi.
Củ Tulip thường được bán từ tháng 11 âm. Với chu kỳ sinh trưởng khoảng 40 ngày sẽ ra hoa, nên chừng rằm tháng 11 âm lịch là người chơi hoa bắt đầu “hạ thổ” củ giống. Tuylip cũng không khó chăm sóc, chỉ cầm giữ ẩm cho chất trồng, đề phòng chuột bọ ăn mầm là đến hẹn, cây sẽ nở những bông hoa rực rỡ chẳng kém những bông hoa khoe sắc ở xứ sở Hà Lan. Giá một củ Tuylip đến tay người tiêu dùng khoảng 8 – 12.000 đồng. Một chậu 5-7 cây tulip được trồng ổn định trong chậu có giá xấp xỉ 200.000 đồng.
Biến tấu cách chồng hoa trong đất theo kiểu truyền thống,  Tulip có thể được trồng theo phươp pháp thủy dưỡng. Tuy nhiên, cây được trồng trong đất vẫn được ưa chuộng hơn, lá hoa mập mạp, đẹp màu hơn.
Năm nay, do khí hậu trước Tết nóng ấm, nên nhiều nhà vườn và người chơi hoa được “đón Tết sớm”. Bởi mới chỉ giữa tháng chạp, sau chừng hơn 20 ngày trồng, các vườn hoa Tulip đã nở rộ, không còn cách nào có thể hãm để chờ Tết.
Thanh tao “chén vàng đĩa bạc”
Một loại hoa tưởng như chỉ có các cụ đồ ngày xưa ưa chuộng, vốn là thú chơi tao nhã, thanh lịch của người Hà Nội xưa, sau một thời gian vắng bóng, bỗng nhiên được giới trẻ sùng bái trở lại – hoa Thủy tiên. Điều đặc biệt, không chỉ có người già, mà thú chơi thủy tiên đã lan mạnh đến cả người trẻ.
Trong các loại hoa chơi Tết, Thủy tiên là cô nàng đỏng đảnh, khó tính nhất. Người chơi hoa phải gọt tỉa, nuôi trồng sao cho hoa nở đúng thời gian mong muốn. Đặc biệt, người chơi hoa Thủy tiên ai cũng mong hoa của mình sẽ nở đúng giao thừa.
Hoa Thủy tiên - nàng tiên hoa nơi thuỷ cung - được coi như biểu tượng của sự kiêu sa. Những bông hoa nhị vàng, cánh trắng như những đĩa bạc, chén vàng tầng tầng, lớp lớp  nở đúng giao thừa mang hy vọng về một năm mới tài lộc sung túc và may mắn.
Cái thú của người chơi hoa, và cũng là nét đặc trưng của cách chơi loại hoa này là kỹ thuật gọt củ. Người chơi phải tỉ mẩn lột từng lớp vỏ, xén từng cọng lá để có được một bình thủy tiên có dáng, thế theo đúng ý mình. Chỉ với con dao sắc, một đầu vát chéo, một đầu cong cong hình lòng máng, người chơi thủy tiên phải gọt, tỉa, xén, gãi, cù để sau này khi phát triển hoa sẽ mọc theo ý. Thủy dưỡng chừng 20 ngày là hoa thủy tiên bắt đầu nở. Người chơi hoa ngầm quy ước, một bát Thủy tiên đẹp trước tiên phải hình thành ba tầng: Tầng trên cùng là hoa, tầng thứ hai là lá và tầng ba là rễ.
Anh Dũng – giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội chia sẻ: Nhiều người vẫn bảo tôi “cụ non” khi cứ gần Tết lại cặm cụi ngồi gọt củ Thủy tiên. Nhưng có chơi Thủy Tiên, mới thấm thía được một cách chơi vô cùng tao nhã của người Hà Nội xưa. Chơi hoa không chỉ là để thưởng thức hoa, mang hương sắc thiên nhiên vào nhà mà còn là cách để rèn tính nhẫn, thấm thía những triết lý sâu xa trong bài học làm người của các cụ để lại qua cách chơi của một loài hoa./.