“Quan hệ” đồng tính nữ cũng lây HIV?

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ CDC vừa báo cáo chi tiết về một phụ nữ 46 tuổi sống tại Texas, nghi ngờ lây nhiễm HIV từ bạn tình đồng tính.
Báo cáo cho biết, cô chỉ có hoạt động tình dục với duy nhất bạn tình nói trên trong 6 tháng trước khi phát hiện dương tính với HIV. Cặp này nhiều lần quan hệ mà không sử dụng bất cứ biện pháp bảo vệ nào, thậm chí gây chảy máu cho nhau và quan hệ trong kỳ kinh nguyệt.
Các nguy cơ lây nhiễm khác như quan hệ tình dục với người khác giới, tiêm chích ma túy hay xăm hình đều được loại bỏ.
Nguy cơ lây nhiễm HIV trong quan hệ đồng tính nữ là rất hiếm nhưng không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro. Ảnh: BBC.
Nguy cơ lây nhiễm HIV trong quan hệ đồng tính nữ là rất hiếm nhưng không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro. Ảnh: BBC.
Theo các chuyên gia, dòng virus mà cô lây nhiễm trùng khớp tới 98% với virus từ bạn tình. Nguy cơ nhiễm HIV từ quan hệ đồng tính nữ càng gia tăng khi người phụ nữ mắc HIV đã ngưng sử dụng thuốc kháng virus vào năm 2010.
Mặc dù nhấn mạnh khả năng lây nhiễm HIV với các cặp đồng tính nữ là rất hiếm, các chuyên gia lưu ý rằng “yếu tố rủi ro luôn hiện hữu và không thể loại bỏ”.
Paul Ward, giám đốc điều hành ở Terrence Higgins Trust, cho biết: “Nguy cơ lây truyền HIV giữa hai phụ nữ là rất thấp. Tuy nhiên, rủi ro này có thể gia tăng nếu một trong 2 nhiễm HIV mà không điều trị. Trong trường hợp ngưng sử dụng thuốc kháng virus, số lượng virus sẽ gia tăng đáng kể trong máu. Do đó, điều trị bằng các phương pháp hiện có không chỉ giúp ích cho người bệnh mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác”.