Quẫn quá hóa dại

4 người trong một gia đình ở Thanh Hóa mới được phát hiện tử vong tại nhà riêng. Nguyên nhân ban đầu xác định là do túng quẫn trong việc vay nợ với số tiền lớn, không có khả năng chi trả nên người chồng đã đầu độc vợ và hai con trước khi tìm đến cái chết. Đau lòng ở chỗ, đây không phải là sự việc hi hữu…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cứ bế tắc là tự tử
Trước đó, Lê Văn Lũy (54 tuổi, ở quận Bình Tân) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 7 năm tù về tội giết người. Lý do chỉ vì làm ăn thua lỗ, người vợ liên tục bị chủ nợ đến thúc ép nên đòi tự tử. 
Một đêm, Lũy tỉnh dậy thấy vợ ngồi khóc, rồi lấy con dao trong ngăn kéo đòi tự vẫn, Lũy đã giật con dao, tiếp tục khuyên can nhưng chị vợ không đổi ý. Quẫn bách, Lũy đã đâm nhiều nhát vào ngực vợ, sau đó viết thư tuyệt mệnh rồi tự đâm vào người mình. Sau khi được đưa đi cấp cứu, người vợ đã tử vong, còn Lũy may mắn thoát chết.
Cuối tháng 8 vừa qua, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Thị Hoài An (SN 1989, ở huyện Nhà Bè) 9 năm tù về tội giết người. Theo cáo trạng, An kết hôn với anh P.N.T và sinh được một con gái. Do đặc thù công việc, anh T thường xuyên vắng nhà vì phải đi theo các công trình xây dựng. An không chỉ một mình lo liệu cho con nhỏ mà còn phải chăm sóc bố bị tai biến mạch máu não, không có khả năng đi lại. 
Cuộc sống căng thẳng, khó khăn nên hai vợ chồng đã nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã. Trong lúc tức giận, anh T dọa sẽ ly hôn rồi lấy quần áo bỏ lên chỗ làm. An sợ chồng bắt con đi và nghĩ đến những khó khăn trước mắt nên đã giết con gái rồi tự sát. Tuy nhiên, An thoát chết vì được mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng cháu bé đã không còn cơ hội sống sót.
Cách đây không lâu, ông C.V.T - Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Thạch Thất, Hà Nội được phát hiện trong tình trạng tử vong. Theo những người dân sống tại khu vực, nguyên nhân là do ông T đã vướng vào nợ nần, rồi nghĩ quẩn nên tự tử. Một trường hợp khác là 2 vợ chồng trẻ ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, chỉ vì mắc phải món nợ nhiều tỉ đồng nên đã tự kết liễu cuộc đời bằng cách ôm mìn rồi kích nổ, để lại 2 con nhỏ bơ vơ, côi cút.
Thiếu kỹ năng đối mặt với khó khăn
Tự tử là một chuỗi diễn biến tâm lý phức tạp. Cuộc sống có muôn vàn khó khăn mà mỗi cá nhân phải đối mặt, từ chuyện kinh doanh, học hành, thi cử đến những chuyện tình cảm, gia đình… Những điều này tạo ra sự căng thẳng kéo dài khiến đầu óc mệt mỏi, quá tải với những suy nghĩ chán chường, làm xuất hiện ý nghĩ chết đi cho đỡ khổ. 
Đó là biểu hiện của sự bất ổn tâm lý, dẫn đến cảm giác bất lực, tuyệt vọng ở thế giới hiện tại khiến người trong cuộc không thể tìm ra được giải pháp nào để giải quyết khó khăn của mình. Và khi hàng loạt khó khăn đến cùng lúc, khi cảm thấy đơn độc trong cuộc sống, người ta sẽ chọn cái chết như một cách giải thoát - Tiến sỹ Tâm lý Trịnh Hòa Bình phân tích.
Việc một cá nhân nào đó muốn tự tử kéo theo cả những người thân trong gia đình là do họ nghĩ đơn giản, đã là người một nhà đã sống cùng nhau thì chết cũng gắn bó với nhau. Còn với những bậc cha mẹ trước khi kết liễu đời mình đã tước đi mạng sống của con cái là bởi trong ý nghĩ vô thức, họ thường cho rằng khi chết đi con sẽ không được yêu thương, chăm sóc. Họ không biết rằng hành động này là vô cùng ngu ngốc và sai lầm, thậm chí hàm chứa sự ích kỷ.
Cũng theo Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do sự tự trang bị những kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề của mỗi cá nhân trong cuộc sống còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi đối diện với những trở ngại, họ thường phải cậy nhờ đến người khác. Khi không nhận được sự trợ giúp nào, họ cảm thấy tuyệt vọng hoàn toàn và nhanh chóng buông tay. 
Ở một góc độ nào đó, hành động tự tử kéo theo cả gia đình không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn mang tính xã hội. Điều đó không chỉ thể hiện công tác giáo dục kỹ năng sống cho công dân còn hạn chế mà cho thấy dịch vụ tư vấn tâm lý, các cơ sở an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho những người rơi vào hoàn cảnh đường cùng gần như đang bị bỏ ngỏ. 
Nếu tự tử không thành công sẽ khiến người trong cuộc bị tổn thương nặng nề về tâm lý, thậm chí họ còn phải đối mặt với những hình phạt thích đáng nếu đã có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác. 
Họ sẽ phải đối diện với áp lực tâm lý từ gia đình, bạn bè, xã hội. Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đau lòng, bản thân mỗi người nên học cách đối mặt với những mâu thuẫn trong cuộc sống. Ví dụ như hãy biết quý trọng bản thân mình, tự chủ, kiềm chế khi gặp trở ngại và không nên đương đầu trực tiếp với khó khăn một mình mà cần chia sẻ, tìm sự cảm thông, động viên, hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp.