Sinh viên bán kẹo que doanh thu 400 triệu/tháng

(PLO) - Từ những chiếc kẹo que nhỏ, Lương đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, đem về doanh thu hàng tháng 400 triệu đồng.
Thiện Lương cùng đội ngũ nhân viên
Thiện Lương cùng đội ngũ nhân viên
Mê buôn bán đến mức bị gia đình đuổi khỏi nhà, nam sinh viên Lâm Huỳnh Thiện Lương (22 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) chấp nhận ra đi với hai bàn tay trắng để thực hiện khát vọng làm giàu. 
Khát vọng vượt lên sự sỉ nhục
Vị giám đốc với khuôn mặt thư sinh và cặp kính cận, tuổi đời còn rất trẻ, kể lại, để tạo dựng công việc ngày hôm nay là một chặng đường đầy mồ hôi nước mắt. 
Tất cả bắt nguồn từ một chuyện buồn trong gia đình. Lương sinh ra trong một gia đình người Hoa có 3 anh em trai. Với quan niệm “tam nam bất phú” của bố, ngay từ ngày ra đời cậu bé đã bị cả gia đình đối xử khác thường. Gia đình cho rằng từ khi Lương sinh ra, công việc kinh doanh của gia đình ngày càng giảm sút. 
Năm 17 tuổi, không đủ tiền trang trải việc học và chi tiêu hàng ngày, cả 3 anh em lăn lộn ra đời làm thuê kiếm tiền. Công việc đầu tiên Lương làm là lấy kẹo que của anh trai đi bán. Sau một tuần cuốc bộ khắp các đường phố Sài Gòn, Lương đau đớn nhận ra mình không thể thuyết phục người mua kẹo vì giọng nói ngọng. Lương bỏ nghề bán kẹo. Khát vọng theo nghiệp kinh doanh vẫn cháy rực trong lòng. 
Giám đốc trẻ Lâm Huỳnh Thiện Lương
 Giám đốc trẻ Lâm Huỳnh Thiện Lương
Vào đại học năm 1, thấy việc tự thay đổi mình vẫn chưa đủ, Lương đăng ký học khóa học kỹ năng giao tiếp. Trong thời gian học ở trung tâm, quan sát thấy trên sân thượng trung tâm vẫn còn để trống trong khi học viên rất đông, Lương xin chủ nhà cho mở quán nhỏ, rủ thêm bạn cùng kinh doanh. 
Biết cách vạch sẵn chiến lược kinh doanh, việc bán cà phê phát triển khá thuận lợi. Được khoảng 5 tháng, chủ nhà đòi lại mặt bằng, việc kinh doanh chấm dứt. Cũng may khách đông, Lương đã thu đủ tiền vốn.
Được một người bạn rủ đầu tư vào trọ với hình thức đi thuê nhà nguyên căn để về ngăn phòng cho thuê lại, tiền không có, Lương xoay sở vay mượn. Với kiến thức chuyên ngành cơ khí, Lương tự mày mò ngăn, sửa lại phòng trọ. Khi dự án mới bắt đầu, hai người bạn bỏ dở giữa chừng. Tiền đã đặt cọc, Lương quyết định đầu tư một mình. 
“Khi phòng trọ bắt đầu có người đến thuê, tôi dành những lời tốt nhất ca ngợi an ninh phòng trọ. Ai ngờ, đang đưa sinh viên đi thuê phòng thì chiếc xe máy cà tàng duy nhất bị kẻ trộm “cuỗn” đi. Đã khốn lại còn khó, tôi lại phải vay mượn tiền mua chiếc xe cà tàng mới. 
Thời gian đó nợ nần chồng chất. Tôi phải nhịn ăn buổi sáng, chọn những thứ đồ ăn rẻ nhất để tiết kiệm tiền. Nhiều khi cảm giác rất cô độc, nhưng luôn tự an ủi mình phải cố gắng hết sức”, Lương tâm sự.
Làm giàu từ kẹo que
Sau khi trải nghiệm nhiều nghề khác nhau, Lương đã góp nhặt được rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh. Một lần lang thang trên đường, Lương bắt gặp hình ảnh cậu bé khuôn mặt lấm láp khổ cực nài nỉ khách mua kẹo. Tự dưng cậu dâng lên niềm khao khát đi bán kẹo lại. 
Đầu năm 2013, Lương gặp anh trai lấy sỉ kẹo để bán. Với kinh nghiệm biết cách thuyết phục người mua hàng, công việc ngày càng phát triển. Lương tìm người hợp tác bán kẹo ở nhiều tỉnh miền Nam, mỗi tháng kiếm được 10 triệu.
Công việc bán kẹo đang thuận lợi thì chỗ Lương lấy kẹo không sản xuất nữa. Chàng trai nảy ra ý định táo bạo tự sản xuất kẹo. Với sự quan sát từ cơ sở làm kẹo của dì, kết hợp với đầu óc thích tìm tòi học hỏi từ cách làm kẹo theo công nghệ Nhật Bản, Lương cho ra đời Kẹo que hạnh phúc Thiện Lương. 
Tháng 4/2014, Lương đến thuê căn nhà cuối hẻm đường Quang Trung để thành lập cơ sở sản xuất kẹo, mô hình như một công ty thu nhỏ: “Ban đầu não” gồm 6 người quản lý từng khâu khác nhau, hơn 40 người phân bố nhiều tỉnh thành trên cả nước bán và phân phối kẹo. Mỗi ngày xưởng cho ra đời 4000 cây kẹo. 
Giám đốc trẻ phát kẹo
 Giám đốc trẻ phát kẹo  
“Đối với tôi, kẹo không chỉ để ăn mà nó phải mang một giá trị nhân văn nào đó. Bạn mua kẹo để tặng cho người thân là trao gửi niềm hạnh phúc. Chúng tôi thổi hồn vào kẹo bằng cách sản xuất thủ công.
Người làm kẹo là những người mồ côi, khuyết tật nên tâm tư tình cảm sẽ được đưa vào sản phẩm. Người bán kẹo phải biết cách mời sao cho thuyết phục ngọt ngào nhất. Tất cả hình dáng, màu sắc luôn sinh động. Chúng tôi không chỉ chú trọng đến hương vị, mẫu mã mà khâu tiếp thị cũng được chú trọng đặc biệt. Tôi vận dụng các bài học giao tiếp với khách hàng đã được học hỏi từ trước truyền lại cho nhân viên của mình. Phải giới thiệu làm sao chạm đến cảm xúc của khách”, giám đốc trẻ tâm sự.
Cơ sở kẹo que của Thiện Lương còn tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn sinh viên, những người mồ côi, khuyết tật. Nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, Thiện Lương đưa vào lực lượng bán kẹo lẻ. Chàng giám đốc tặng cho mỗi em nhỏ một giỏ kẹo để khi nào bán hết, các em có vốn tiếp tục lấy kẹo bán. 
Giám đốc trẻ biết cách sử dụng nhiều dịch vụ độc đáo, gần gũi với giới trẻ như vẽ hình, khắc tên, vẽ chibi… lên kẹo theo yêu cầu của khách hàng. Sau một thời gian công ty đi vào hoạt động, kẹo que hạnh phúc Thiện Lương đã được phân phối nhiều tỉnh thành trên cả nước. Có rất nhiều đơn hàng ở nhiều tỉnh thành xin làm đại lý. 
Mỗi lần mở một đại lý, đích thân giám đốc sẽ xuống tham khảo địa bàn và người mở đại lý phải trải qua lớp đào tạo bán hàng do Lương truyền kinh nghiệm. Cơ sở nay đã có doanh thu 400 triệu đồng/ tháng. Trong tương lai, vị giám đốc trẻ chia sẻ sẽ cho ra đời loại kẹo que dẻo để đa dạng hóa mẫu mã, mở rộng thị trường./.