Tết buồn của người đồng tính nam

Có người tìm đủ mọi cách giữ người tình ở lại với mình trong ba ngày Tết bằng đủ chiêu thức như quà tặng, quần áo đẹp, điện thoại… Đáp lại chỉ có cái lắc đầu. 
Đại đa số người đồng tính nam rất sợ Tết đến. Trong không khí hân hoan chào đón một năm mới, họ lại cảm thấy cô đơn hơn, buồn và trống vắng hơn. Sự cô đơn này tăng lên với năm tháng và tuổi tác. Họ hay bàn bạc chuyện đi chơi cùng nhau đêm giao thừa, hoặc cố trước Tết phải tìm cho mình "một nửa", nếu không coi như năm đó mất Tết. Các vũ trường, quán bar những ngày Tết cũng là nơi thường xuyên lui tới của gay. Họ không thích đi cùng với bố mẹ chúc Tết họ hàng, coi việc đó là “dài dòng văn tự và lắm thủ tục".
Một số bạn có tình yêu đẹp, có điều kiện thì rủ nhau đi du lịch nước ngoài. Điểm đến thích hợp nhất của họ là Thái Lan - cộng đồng người đồng tính ở đó đông, vả lại khi đi dạo trên đường phố Bangkok các đôi có thể khoác vai hoặc ôm nhau mà không ai để ý như ở quê nhà. Cũng có đôi thích đến đảo Bali - Indonesia, Hong Kong, Singapore... Một số nam đồng tính lại chọn phương thức đi du lịch trong nước, điểm đến có thể là Vũng Tàu, Sa Pa hoặc Mộc Châu.
Ảnh minh họa: Robinwyatt.
Ảnh minh họa: Robinwyatt. 
Với đồng tính nam có tuổi rồi thì ngày Tết là một ác mộng. Họ sẽ đi đâu ba ngày Tết đây? Các tụ điểm giải trí vắng lặng, mọi người về quê ăn Tết. Lúc này kiếm bạn thì là quá muộn, tìm mấy "em trai" cũng rất khó. Có gay tìm đủ mọi cách giữ "người tình" ở lại với mình trong ba ngày Tết bằng chiêu thức quà tặng, quần áo đẹp, điện thoại… nhưng đáp lại chỉ có cái lắc đầu. Gần ngày Tết ai cũng sốt ruột trở về với gia đình, quê hương.
Các bạn đang tầm tuổi xây dựng gia đình cũng ngại đi chúc Tết họ hàng bởi họ sẽ nhận được câu hỏi “Bao giờ thì lấy vợ, lấy đi chứ định chết già à?”... Những câu hỏi này họ biết trả lời sao. Có bạn nói trong đau xót: “Thích ăn cỗ đám ma hơn ăn cỗ đám cưới bởi ở đó không ai hỏi "Bao giờ thì đến lượt mày?”.
Đêm 30 Tết, hòa trong những người đi đón giao thừa với đông đúc thành viên trong gia đình hoặc một nhóm bạn vui vẻ, người ta vẫn thấy có vài người cô đơn, bơ vơ và lạc lõng giữa đời thường. Rất nhiều đồng tính nam cố quên đêm giao thừa bằng cách ngủ, ngủ thật kỹ, thật lâu cho quên thời gian đang trôi một cách chầm chậm, ngủ đến trưa mồng một mới xuất hành và đi ra tụ điểm quen thuộc như công viên, vườn hoa... hy vọng tìm được một ai đó để rủ rê về nhà cho nỗi cô đơn vơi bớt trong lòng.
Một số bạn đầu năm cũng hay đi chùa. Cửa chùa là nơi linh thiêng đối với họ. Ở đó họ có thể cầu mong mọi thứ mà mình mong muốn. Họ muốn đức Phật từ bi có thể hiểu về ước mong của họ và sẽ phù hộ cho họ trong năm mới. 
Có bạn không bao giờ làm nghề “xe ôm” nhưng Tết đến không có việc gì làm, lại sợ cô đơn, lấy tạm chiếc mũ bảo hiểm cũ, ra đường hành nghề đón khách. Như vậy vừa kiếm được tiền, vừa hy vọng kiếm được ai đó tâm sự. Thậm chí, có khách hàng nào bắt mắt thì "xe ôm bất đắc dĩ" còn đi xe thật chậm, vừa đi vừa cưa kéo, và thú nhận: “Anh không phải xe ôm đâu, anh chở giúp em thôi" làm cho không ít khách hàng trợn tròn mắt kinh ngạc.
Năm mới ai cũng hy vọng mình sẽ nhận được tin nhắn từ người mình yêu, một lời nói yêu thương, một món quà không cần biết giá trị tiền bạc nhưng nó biểu hiện mình là người hạnh phúc và may mắn, kể cả đồng tính nam.
Morgen
Ban điều hành mạng lưới đồng tính nam Việt Nam