Thu sớm về ở Suối Nánh

(PLO) - Ở “ốc đảo” núi rừng, các bé hiếm khi được một lần chụp ảnh. Bé nào cũng háo hức tới lượt mình chụp ảnh. Mặt mũi lem luốc, quần áo cũ mèm không cản trở sự e ngại của các bé trước ống kính. Các bé hồn nhiên với ngón tay chữ V để tạo dáng. Chỉ vài phút sau, trên tay các bé cầm chiếc ảnh chân dung của chính mình. Sự thích thú ánh lên trong đôi mắt trong trẻo.  
Trung thu sớm ở Suối Nánh.
Trung thu sớm ở Suối Nánh.
Nằm cách Hà Nội 180km, Suối Nánh là xã lòng hồ của huyện vùng cao Đà Bắc, Hòa Bình. Đường núi quanh co bám theo sườn núi, lúc thì hạ thấp xuống thung lũng, lúc lại lên cao chót vót. Đứng bên này dốc không nhìn thấy phía bên kia. Nhìn vào bản đồ chẳng khác gì như đi xe đua địa hình, ngoằn ngoèo như con rắn, các khúc cua nối nhau liên tiếp. Nếu tay lái không “lụa”, xe lao xuống vực bất cứ lúc nào. Có nhiều đoạn đường đồi bị sạt lở chưa kịp gia cố lại, xe muốn qua phải xuống thu dọn đất đá.
Đường đi khó khăn, hiểm trở nên Suối Nánh như một ốc đảo nằm chơ vơ giữa núi rừng. Diện tích canh tác ít trong khi điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt đã đẩy nhiều hộ dân xã Suối Nánh vào cuộc sống khó khăn. Với khoảng 90% người Mường, Dao, cả xã có  trên 300 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 50%, hơn 20% hộ cận nghèo. Cả xã có 5 xóm nhưng chỉ có 3 xóm sống tập trung, còn lại 2 xóm nằm tít trên những sườn dốc như xóm Bưa Sen, xóm Duốc. Cuộc sống của họ bám vào những hốc đá và mưu sinh trên những sườn núi.
Toàn Suối Nánh có một trường liên cấp mầm non, tiểu học, THCS khá tồi tàn. Không gian vui chơi của trẻ em nơi đây chỉ thu hẹp bên những bờ suối nối tiếp nhau. Trẻ em chỉ biết làm bạn với sông, với suối, với tiếng âm u của núi rừng.
Khi biết “Giấc mơ Việt Nam” về thăm, trao quà, tặng sách vở, trẻ em ở Suối Nánh háo hức suốt tuần. Em nào cũng hân hoan đón chờ niềm vui hiếm hoi sắp đến. Khi đoàn tới, 270 em dân tộc ùa ra đón, nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt lấm lem. Hầu hết, bé nào cũng còi cọc hơn so với tuổi. Cô Nguyễn Thị Nhiên - Hiệu trưởng trường liên cấp Suối Nánh cho hay: “Gia đình các em hầu hết là người dân tộc Mường, Dao. Kinh tế khó khăn, mấy  ngày các em mới được ăn miếng thịt, còn sữa thì càng hiếm khi. Với trẻ em nơi đây, ăn không đủ no, áo không đủ mặc thì sách, truyện hay đồ chơi đều là những thứ xa xỉ”. 
Các bé thích thú khi được chụp ảnh.
Các bé thích thú khi được chụp ảnh. 
Ủng hộ những cuốn truyện, đồ dùng học tập hay quyên góp kinh phí xây dựng những tủ sách… cho các em là cách các tình nguyện viên “Giấc mơ Việt Nam” thực hiện chuyến hành trình mang sách đến với trẻ em Suối Nánh. Chương trình dành tặng 6 tủ sách mới. Mỗi tủ sách lớp học bao gồm hơn 70 đầu sách, trong đó bao gồm các đầu sách về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, truyện thiếu nhi, sách về kỹ năng sống, truyện tranh... Ngoài ra, 200 suất quà bao gồm sách, báo Thiếu niên Tiền phong, bánh kẹo và đặc biệt là bánh trung thu, đèn ông sao đã được gửi tặng cho 200 em học sinh tại điểm trường PTCS Suối Nánh.
Những ánh mắt long lanh, rạng ngời niềm vui của các em khi được tặng sách, truyện, đồ dùng học tập, bánh trung thu… Nhiều bé sau khi được phát bánh còn không dám ăn mà cất vào túi. Khi được hỏi, em Bàn Thị Tuyết, dân tộc Dao, 8 tuổi bẽn lẽn: “Bánh nướng hình con cá đẹp quá, em không dám ăn, cất để về nhà ăn dần...” Được học, các em đã nhanh chóng thuộc các bài hát trung thu. Giọng Kinh lơ lớ cùng với giọng ngọng líu lo của trẻ con vang lên rộn ràng, ngộ nghĩnh, đáng yêu vô cùng. 
Ngoài được tặng đèn ông sao, bánh trung thu, các em còn được tìm hiểu về chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng mang tên “Trái đất xanh - Môi trường sạch”. Các hoạt động thú vị và gần gũi như nghe kể chuyện, chiếu phim, làm đồ dùng học tập và chậu cây từ đồ tái chế, đố vui về thời tiết, khí hậu, khiến  các em vô cùng thích thú, khám phá.
Vui nhất có lẽ là các em được anh chị chụp và tặng ảnh. Ở “ốc đảo” núi rừng, các bé hiếm khi được một lần chụp ảnh. Bé nào cũng háo hức tới lượt mình chụp ảnh. Mặt mũi lem luốc, quần áo cũ mèm không cản trở sự e ngại của các bé trước ống kính. Các bé hồn nhiên với ngón tay chữ V chiến thắng để tạo dáng. Chỉ vài phút sau, trên tay các bé cầm tấm ảnh chân dung của chính mình. Sự thích thú ánh lên trong đôi mắt trong trẻo.  
Những hoạt động vui chơi bổ ích và sôi động tạo nên không khí gần gũi và thắm đượm tình người. Sự đồng điệu của những tâm hồn này đã xóa tan đi khoảng cách về địa lý. Những ánh mắt ngơ ngác nơi các em, sự e dè khi tiếp xúc của các bạn trẻ dần được thay đi bằng những nụ cười sảng khoái, những tràng pháo tay, những cái ôm nồng ấm tình thương yêu. 
Tình nguyện viên Đào Thủy Tiên vừa giới thiệu chương trình, vừa hát cho các em nghe, trào dâng niềm cảm xúc: “Sự thiếu thốn, khó khăn đã như một điều tất yếu của cuộc sống mà bọn trẻ phải chấp nhận. Nên chỉ một vài bài hát, một ít quà bánh, các em vui suốt tuần. Thật hạnh phúc khi chúng tôi mang tới niềm vui giản dị cho các em nơi đây!”.
Qua những câu chuyện các em kể về gia đình, về hoàn cảnh, cả về những ước mơ mới thật thấm thía rằng ở nơi vùng cao xa xôi ấy với muôn vàn khó khăn, trẻ em phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với việc bị thất học bởi cuộc mưu sinh nhưng từ sâu thẳm các em vẫn ấp ủ cho mình những hy vọng, những ước mơ bình dị, đáng yêu sau này lớn lên được làm giáo viên để dạy học, được làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố mẹ.
Anh Nguyễn Hoàng Việt- Trưởng đoàn “Giấc mơ Việt Nam” chia sẻ: Nhiều người vẫn nói với “Giấc mơ Việt Nam” rằng với trẻ em miền núi hãy cho chúng cái ăn, cái mặc đi rồi hẵng nghĩ đến chuyện phổ cập kiến thức, lo lắng học hành. Vẫn biết cái đói, cái rét hàng ngày đang đè nặng lên đôi vai các em, nhưng điều đó không có nghĩa bắt các em “đói” kiến thức. Có kiến thức, ít nhất các em cũng được trang bị những hiểu biết cơ bản và có thể bảo vệ được bản thân mình. Tâm hồn của các em rất cần và rất đáng được chăm sóc, nâng niu.
…Gió chiều thu mát rượi, những mái nhà sàn lấp ló, ẩn hiện trong làn khói bảng lảng. Hoàng hôn đang đổ màu trên nền trời đỏ rực. Tiếng cười trẻ thơ phủ lấp núi rừng Đà Bắc. 

Câu lạc bộ Giấc mơ Việt Nam được thành lập vào ngày  9/10/2011 bởi một nhóm các bạn trẻ là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với mục đích hoạt động hướng tới những đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước thông qua việc tổ chức những chương trình, thực hiện dự án hỗ trợ giáo dục, với những kinh nghiệm có được từ thời gian hoạt động với những đối tượng như học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số, từ đầu năm 2014, “Giấc mơ Việt Nam” bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động sang mảng giáo dục về môi trường và biến đổi khí hậu trong nhà trường cho các em.

“Giấc mơ Việt Nam” mong muốn trở thành cầu nối để đưa những kiến thức về vấn đề phòng chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tới các em học sinh, từ đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng và năng lực phòng chống biến đổi khí hậu của địa phương...