“Trai thẳng” giả đồng tính “đi khách“

(PLO) - Lực lượng “trai gọi” không chỉ có những thanh niên khiếm khuyết về sinh lý mà cả những “men xịn”. Trong số ấy, 85% là người đồng tính, 10% là “trai thẳng”, tức là đàn ông 100% nhưng lười lao động, mong kiếm tiền nhanh bằng cách bán rẻ đời trai, 5% còn lại là những thanh niên “a dua”, thử tìm khoái lạc với người cùng giới một lần cho biết.
Phong (bên phải) và người tình trong một nhà nghỉ. Ảnh: T.M.T
Phong (bên phải) và người tình trong một nhà nghỉ. Ảnh: T.M.T
Đồng tính thật, đồng tính giả
Có thể nói, đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (từ Thảo Cầm viên) đến ngã ba Lê Thánh Tôn trước đây là nơi tụ tập của giới “pê-đê” Sài Gòn. Khi đường Lê Thánh Tôn chưa nối dài, chưa có đèn đường, nơi này nhộn nhịp như chợ. Từ ngày có đèn sáng và sự truy đuổi của công an, những bóng “chim đêm” cũng giảm bớt, tuy vậy hàng đêm vẫn có những “chàng” lén lút bắt khách, coi đó như một nghề và đam mê không thể từ bỏ.
Qua thực tế tìm hiểu từ giới đồng tính nam, có thể nhận thấy “dân gay” ở Sài gòn có 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những nam thanh niên lưỡng tính, tức là thích cả đàn bà, thích cả đàn ông, thường gọi là “ái nam ái nữ”, “pê-đê”. Những người này tâm sinh lý thường không ổn định, họ sống khép nép, kín kẽ, không muốn cho người khác biết, chỉ khi nào gặp “đối tượng” yêu thương mới bày tỏ nỗi lòng. Trong nhóm này có cả những người đã có vợ con đàng hoàng nhưng lại thích quan hệ tình dục với người cùng giới. 
Nhóm thứ hai là kiểu “thân con trai, kiếp con gái”, tức là hình thể là đàn ông nhưng tâm tính, tình cảm lại là đàn bà. Đằng sau những cơ bắp cuồn cuộn, vạm vỡ của cơ thể là sự dịu dàng, ẻo lả, tâm tình của một cô gái dỗi hờn và bao trăn trở đáng thương. Những người này sống kín đáo, khao khát được cống hiến, được gắn bó cho người mình yêu và không muốn cho ai biết thân phận thật của họ. Nhiều người không lập gia đình, nhiều người thành danh trên con đường sự nghiệp.
“Trai gọi” tên Thông chuyên bắt khách ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (gần Thảo Cầm viên). Ảnh: T.M.T
“Trai gọi” tên Thông chuyên bắt khách ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (gần Thảo Cầm viên). Ảnh: T.M.T 
Nhóm thứ ba là những kẻ ăn chơi đua đòi giả danh “pê-đê” để lừa khách làng chơi nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Những kẻ này 100% “đực rựa” nhưng lại cố tình ẻo lả và tự xưng là “gay” để “câu” khách cùng giới, khi khách “cắn câu” thì sẵn sàng đưa khách đi “vui vẻ” mà “hổng cần tiền”. Nhưng đồng bọn của chúng đã được bố trí phục sẵn dưới gầm giường. Lợi dụng lúc “cặp tình nhân” đang say sưa hành lạc, kẻ nằm dưới gầm giường thản nhiên… móc ví khách. Khi khách phát hiện sự việc đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì tâm lý xấu hổ, không thể hô hoán mất đồ do ham của lạ là những người “cùng dấu”.
Cần có chính sách 
Cũng như các quốc gia khác, người đồng tính ở Việt Nam bao gồm những người đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay), lưỡng giới (bisexual) và hoán tính, chuyển giới (transgender/transsexual people). Năm 2013, tại hội thảo do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) và Chương trình Phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS tổ chức, ông Lê Quang Bình (Viện trưởng iSEE) đưa ra ước tính số người đồng tính tại Việt Nam là khoảng 1,65 triệu người, tương đương khoảng 2% dân số. Số người thuộc “thế giới thứ ba” ở Việt Nam xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, song chủ yếu sinh sống ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. 
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về đồng tính luyến ái, đại bộ phận người dân còn kỳ thị cũng như có những suy nghĩ sai lệch về người đồng tính. Điều này có thể tác động xấu đến những người trót mang kiếp “thân sâu, hồn bướm” và đến xã hội nói chung. Làm thế nào để tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng, thoải mái sống và làm việc, giảm thiểu vấn nạn mại dâm đồng tính đang nhức nhối hiện nay và các tệ nạn xã hội “ăn theo” như lừa đảo? Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự chung sức từ cộng đồng cũng như chính những người đồng tính.
Quốc hội nước ta vừa thông qua Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) năm 2013. Dự thảo nêu rõ: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, thay vì cấm như trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Đây là một thuận lợi cho người đồng tính hòa nhập cộng đồng và sinh sống như một công dân bình thường khác. Ở một vài địa phương, các cặp đôi đồng tính đã tổ chức đám cưới mặc dù không được pháp luật thừa nhận.