Đóng tàu tiền tỉ, hoạt động cầm chừng
Quảng Nam là một tỉnh được xem đẩy mạnh chương trình “tàu 67” với khát vọng thành lập đội tàu cá xa bờ hùng mạnh để giúp ngư dân làm giàu từ biển.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, ngay sau khi có chủ trương, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành các Quyết định phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (đạt 100% chỉ tiêu phân bổ từ TW), trong đó 83 tàu khai thác và 9 tàu dịch vụ hậu cần. Trong số tàu đóng mới theo Nghị định 67 có 60 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composite và 30 tàu vỏ gỗ.
Theo ông Tấn, tính đến ngày 31/12/2017, các Ngân hàng thương mại tại địa phương đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 63 tàu cá (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép), đạt 68,5% số tàu cá được phê duyệt và 2 tàu nâng cấp máy chính với tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay là 729,58 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 719,35 tỉ đồng/65 tàu cá.
Trong 37 tàu vỏ thép, đã có 36 tàu đưa vào khai thác. Một tàu vỏ thép của chủ tàu Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) hành nghề lưới chụp đến nay vẫn nằm bờ, chưa được giải quyết do vướng khiếu kiện.
Sau khi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, Công ty Liên Á (Hà Nội) vẫn chưa bồi thường số tiền 2,4 tỷ đồng khi làm hỏng máy thủy trên tàu vỏ thép QNa-94679 của ông Liên. Trong khi đó, vụ kiện của Công ty Bảo Duy (đơn vị đóng tàu) với ông Liên tại TAND huyện Thăng Bình vẫn chưa kết thúc.
Ông Liên cho rằng, mình bị thiệt quá nhiều vì không có tàu để sản xuất, lại chịu nợ nần chồng chất khi theo kiện hơn bốn năm qua kể từ khi máy tàu xảy sự cố trong quá trình đóng tàu.
Trong 62 tàu đóng mới còn lại, đã có 4 tàu vỏ gỗ bị tai nạn chìm tàu và cháy. Hiện chỉ còn 58 tàu đang hoạt động. Theo đánh giá của ông Tấn, nhìn chung, có 26 tàu đóng mới (13 lưới rê và 13 lưới vây) có hiệu quả thấp, hiệu quả sản xuất không đạt như mong đợi.
Trong số đó, một số tàu đã và đang tìm kiếm thêm nguồn vốn để đầu tư cải hoán kiêm nghề để cải thiện thu nhập. “Số tàu còn lại, tuy hiệu quả sản xuất thấp, nhưng không nằm bờ hoàn toàn nhờ có hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến, số chuyến hỗ trợ tối đa 4 chuyến/năm nên các tàu vẫn hoạt động cầm chừng”, ông Tấn thông tin.
Mỗi con tàu vỏ thép đóng mới có trị giá từ 15 - 18 tỷ đồng, có tàu hơn 20 tỷ đồng, trong đó 95% vốn vay ngân hàng. Bình quân hàng tháng, mỗi chủ tàu phải trả tiền gốc và lãi suất hơn 100 triệu đồng, cứ 3 tháng trả một lần. Bây giờ, tàu hỏng nằm bờ, thời gian khắc phục kéo dài, nguy cơ mất khả năng trả nợ dẫn đến vỡ nợ ngân hàng rất lớn.
Thêm nỗi lo duy tu, bảo dưỡng định kỳ
Hàng chục chủ tàu vỏ thép đóng mới cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ. Chính điều này đã làm cho họ bất an vì vỏ tàu bị han gỉ sau nhiều năm đánh bắt, máy móc đôi khi bị trục trặc, chết máy cục bộ khiến ngư dân chưa thể vươn khơi xa, nhiều tàu phải nằm bờ vì chưa được duy tu bảo dưỡng định kỳ.
Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu vỏ thép QNa-91439 công suất 829CV có hơn 20 năm hành nghề câu mực trên biển Hoàng Sa - Trường Sa, lo lắng, tàu vỏ thép hiện đại có giá trị hơn 15 tỷ đồng nếu không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ, khi hư hỏng chết máy ở ngư trường Hoàng Sa, không biết làm sao?
Một ngư dân huyện Thăng Bình phản ánh những thiếu sót trong chính sách đóng tàu vỏ thép. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho rằng, tàu vỏ thép hoạt động trong môi trường nước biển nên rất dễ bị ăn mòn phần vỏ. Trong khi đó, do đặc thù bám biển quanh năm nên máy móc không được duy tu kịp thời sẽ bị xuống cấp nặng nề.
Thực trạng này đang gây “đau đầu” các cấp. Để bảo đảm cho “tàu 67” hoạt động an toàn khi bám biển, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tham mưu Sở NN&PTNT có công văn đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép để ngành tài chính có cơ sở hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.
“Đã 5 năm qua, rất nhiều ngư dân đã phải tự sửa chữa qua loa tàu vỏ thép vì không được Nhà nước hỗ trợ, ngư dân lại không có vốn”, ông Toàn chia sẻ và cho biết, những con tàu vỏ thép được trang bị những thiết bị đánh bắt hiện đại nếu không được duy tu, bảo dưỡng đúng kỹ thuật, sẽ không đảm bảo an toàn và khai thác không đạt hiệu quả. “Còn để ngư dân tự xoay xở, các hư hỏng càng trầm trọng thêm”, ông Toàn khẳng định.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Tấn cho rằng, trong quá trình triển khai Nghị định 67 đóng tàu vỏ thép, Bộ NN&PTNT đã không lường được các khó khăn về thiết lập định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép.
Theo ông Tấn, để gỡ vướng mắc này, có thể tạm thời xử lý như sau: Bộ Giao thông Vận tải đã có thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật sửa chữa phương tiện chuyên dùng trong công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa. “Chúng tôi đề xuất Bộ NN&PTNT dựa vào đó ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để giải quyết vấn đề hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép nhưng không được thông qua.
Phải có cách nào đó, chứ không chính sách bế tắc, ngư dân càng gặp vô vàn khó khăn trong quá trình vươn khơi bám biển”, ông Tấn nêu ý kiến.
Mặc dù Bộ chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng vì tính cấp bách bảo đảm an toàn cho những con tàu 67 giúp ngư dân vươn khơi, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ra quyết định triển khai thực hiện. Tại buổi làm việc mới đây của Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lên tiếng cho rằng, việc duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép vô cùng cần thiết.
“Thay vì căn cứ định mức kinh tế, kỹ thuật của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT có thể hướng dẫn chủ tàu thuê đơn vị tư vấn tài chính thẩm định giá độc lập để thực hiện duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép. Liên Sở NN&PTNT và Tài chính căn cứ vào đó mà giúp đỡ ngư dân bảo dưỡng tàu vỏ thép, sản xuất lâu dài trên các vùng biển xa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng khẳng định.