"Lót tay" lan tràn hầu khắp khu vực công

(PLO) - 44% số người làm thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi “lót tay”, 12% người cho biết phải chi tiền để được cán bộ ở các bệnh viện tuyến huyện, quận chăm sóc tốt hơn…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu được công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 hôm qua (12/4).

Kiểm soát tham nhũng giảm 3% điểm

Theo Báo cáo PAPI 2015, trong năm qua, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh có xu hướng suy giảm ở 5 trong 6 chỉ số nội dung khảo sát. Trong đó, chỉ số nội dung “công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất (giảm 7% điểm so với kết quả năm 2014). 

Chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cũng sụt giảm đến 3% điểm. Theo khảo sát, chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương, điều này cho thấy người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. 

Tình trạng “lót tay” trong khu vực công và trong cung ứng dịch vụ công như giáo dục, việc làm... vẫn đang diễn ra. Cùng với việc chi tiền “bồi dưỡng” ngoài quy định cho thầy, cô giáo để con em mình được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập thì Báo cáo cũng chỉ ra có đến 51,29% người được hỏi cho biết đã phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước, tăng cao hơn so với năm 2011 là 45,78%… Ở Hà Giang, trong năm 2015, hầu như không có người nào trả lời là không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở 5 vị trí công vụ cấp xã/phường. Còn ở Hà Nội, chỉ có 14% người được hỏi cho biết họ không phải “lót tay” vẫn xin được việc vào cơ quan nhà nước. 

Đáng chú ý, báo cáo ghi nhận sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” để làm xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi có đến 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính 24% năm 2014. Số người sử dụng dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện, quận phải đưa “lót tay” cho cán bộ để được chăm sóc tốt hơn cũng duy trì ở tỉ lệ 12%. Cũng theo báo cáo, trung bình khi người dân bị vòi vĩnh 24,6 triệu thì mới sẵn sàng tố cáo tham nhũng, hối lộ.

Chỉ số nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” và “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” theo khảo sát trong năm qua cũng giảm điểm, phản ánh việc mức độ tiếp xúc giữa người dân và chính quyền vẫn còn rất hạn chế. 

Tỷ lệ tham gia bầu cử ngày càng giảm

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc (LHQ), Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam – nhấn mạnh việc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trên toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng tới. Do vậy, bà cho rằng Báo cáo PAPI vừa được công bố sẽ là một nguồn dữ liệu, thông tin hữu ích để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời làm cơ sở so sánh tiến bộ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, liên quan đến bầu cử QH, HĐND, Báo cáo PAPI 2015 đã đưa ra một con số đáng giật mình. Theo đó, kết quả khảo sát 2015 cho thấy xu hướng thuyên giảm về tỉ lệ người trả lời cho biết đã tham gia bầu cử. Ví dụ, ở năm 2011, 66% người được hỏi cho biết họ đã trực tiếp tham gia cuộc bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND thì đến năm 2015, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 31%. Theo nhóm khảo sát, ngoài nguyên nhân người dân có thể đã quên họ đã tham cuộc bầu cử năm 2011 thì việc đi bầu hộ, bầu thay là nguyên nhân chính dẫn tới việc người trả lời quên việc họ đã tham gia bầu cử năm 2011. 

Ngoài ra, tỉ lệ người dân cho biết đã trực tiếp đi bầu người đại diện cho mình ở cấp thôn/tổ dân phố cũng suy giảm so với trước. Phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người có trình độ học vấn thấp và người không phải là thành viên của tổ chức đảng, đoàn thể ít tham gia đi bầu cử hơn. 

Trước tình trạng trên, báo cáo đề xuất, tại cuộc bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND tới đây, chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành, huy động sự tham gia của mọi cử tri, giảm thiểu hiện trạng bầu hộ, tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức bầu cử, đảm bảo thực hiện nguyên tắc “mỗi người một lá phiếu” và báo cáo đúng tỉ lệ cử tri đi bầu ở các đơn vị bầu cử.

Đọc thêm