Lũ đi qua, lo âu ở lại

 Sau hai cơn đại hồng thủy, rất nhiều thầy cô giáo và học sinh ở huyện Hương Khê, Vũ Quang... đang phải vật lộn với khó khăn để dựng xây lại ngôi trường, bàn ghế, thu gom sách vở... Cùng với đó, ám ảnh về những người thầy và học sinh đã không may bị dòng lũ cuốn đi vẫn chưa nhạt phai trong tâm trí những người còn ở lại.  

Sau hai cơn đại hồng thủy, rất nhiều thầy cô giáo và học sinh ở huyện Hương Khê, Vũ Quang... đang phải vật lộn với khó khăn để dựng xây lại ngôi trường, bàn ghế, thu gom sách vở... Cùng với đó, ám ảnh về những người thầy và học sinh đã không may bị dòng lũ cuốn đi vẫn chưa nhạt phai trong tâm trí những người còn ở lại.

Lũ đi qua, hoang tàn ở lại

Trường hợp đau lòng nhất có lẽ là cô Trần Thị Hoa, 35 tuổi, giáo viên Trường mầm non xã Hương Thủy (Hương Khê).

Trong căn nhà trống hoác, vắng bàn tay người vợ hiền, anh Nguyễn Văn Trung bần thần bên bàn thờ nghi ngút khói của người vợ mới mất: “Hôm đó thấy vợ đến trường khi trời mưa to, tôi đã muốn đi thay nhưng cô ấy không cho vì sợ chồng vụng về sẽ không cất được đồ cho các cháu”. Nói đến đây, anh Trung bật khóc.

Theo bà con nhân dân kể lại, hôm đó, bất kể gió to sóng dữ, hàng trăm người dân trong làng đã tất tả ngược xuôi tìm kiếm cô Hoa nhưng bất lực. Do lũ lớn, mãi đến 3 ngày sau, người ta mới tìm thấy thi thể của cô giáo tội nghiệp và đám tang ấy đã diễn ra giữa bốn bề nước lũ. Đoàn thuyền lặng lẽ băng qua con nước đỏ ngầu. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống hòa vào dòng nước mênh mông trong nỗi đau xé lòng.

Các em học sinh dọn trường sau lũ

Cô giáo Mai Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Yên (Hương Khê) vẫn ám ảnh về hai cơn lũ vừa qua: “Lũ lên quá nhanh. Trường chúng tôi ngập sâu hơn 3m. Thiết bị, đồ dùng dạy học, giáo cụ trực quan bị hỏng toàn bộ, sổ điểm, học bạ ngập trong lũ. Hầu như tất cả các phòng học bị sập lún nền hoàn toàn. Bàn ghế bị trôi mất 107 bộ, một số ngâm bùn quá lâu cũng hỏng hết... Nhìn các em học sinh tới trường mà thương lắm, các cháu vốn đã nghèo nay càng thêm khốn khó! Nhiều học sinh nam phải mặc quần cộc đến trường”.

Nhìn cảnh ngôi trường thân yêu của mình nay đổ nát, tan hoang, cô Trương Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Đô thở dài: “Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc dạy học như thường ngày, nhưng cơ sở dạy học thiếu thốn quá. Bàn ghế bị cuốn trôi, thiết bị đồ dùng dạy học của giáo viên và học sinh, bảng chống lóa vỡ bung nên công tác giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh nhà trường vẫn đang hết sức khó khăn”.

Các trường học ở Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, nơi mà cơn lũ để lại nhiều hậu quả nặng nề nhất vẫn đang cố gắng từng ngày, sửa chữa từng vật dụng nhưng dường như những gắng gượng ấy của đội ngũ giáo viên nơi đây đang thể hiện một sự bất lực.

Nhiều trường đã dạy học trở lại nhưng học sinh chỉ lác đác vài em do áo quần không có, sách vở đã bị lũ cuốn trôi. Em Nguyễn Thị Hương, lớp 8A, Trường THCS Lộc Yên buồn thiu kể: “Em chỉ mong có được ngôi trường tốt như ngày chưa bị lũ cuốn là vui mừng rồi”.

Tuấn, học sinh lớp 6 B cho biết: “Nhà cháu bị trôi hết, không còn lúa gạo. Sách vở và cái xe đạp của cháu đi học cũng bị trôi. Cha mẹ nói vài bữa không có cái ăn, không có tiền đóng, không có sách vở thì cháu phải nghỉ học ở nhà trông em cho cha mẹ đi làm”.

Vì tương lai của các em

Cô trò Trường Mầm non Ân Phú, Vũ Quang, xã mà đoàn cứu trợ Báo PLVN từng đến trao quà, đã trở lại dạy học bình thường. Tuy nhiên, do thiếu phòng nên một nửa học tại chỗ, nửa còn lại phải học mướn ở Trường Tiểu học. Phải dạy học trong cảnh khó khăn, vá víu nhưng tập thể cán bộ giáo viên Trường Mầm non Ân Phú đã nỗ lực khắc phục khó khăn với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu.

Theo ông Lê Ngọc Minh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, trên địa bàn huyện có 83 trường thuộc 3 cấp học với hơn 914 phòng học. Trận lũ vừa qua đã làm 382 phòng học, 74 nhà công vụ giáo viên, 34 nhà nội trú của giáo viên, 3.343 bộ bàn ghế học sinh, 270 bộ máy vi tính và máy chiếu bị hư hỏng nặng; 100% hệ thống khuôn viên, tường rào các trường học bị đổ sập; phần lớn sách vở của học sinh bị lũ cuốn trôi.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Quyên - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Nhà trường đã chuẩn bị tình thế để bảo vệ tài sản, nhưng lũ tràn về quá nhanh, chỉ trong giây lát toàn bộ phòng ốc, nhà cửa đã bị chìm trong biển nước”.

Sau lũ, Trường Mầm non Ân Phú không bàn ghế, không chăn, không chiếu, không giường. Thật cảm thương khi nhìn cảnh các em nhỏ đang phải học quây quần trên sân chiếu, trong một gian phòng trống hoác. Riêng nhà hiệu vụ của Ban giám hiệu và phòng họp của giáo viên đều đang phải tạm thời sinh hoạt ghép chung với bếp ăn của học sinh bán trú.

Tuy đã làm tan hoang cả một hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành giáo dục Hà Tĩnh, nhưng hai cơn đại hồng thủy không thể làm yếu đi ý chí và nghị lực của những người con sinh sống trên mảnh đất này.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh bày tỏ niềm tin vào công cuộc khắc phục hậu quả sau lũ: “Hà Tĩnh, vùng đất hiếu học và chịu nhiều thiên tai, con người ở đây hầu như luôn phải chịu đựng như vậy để vươn lên. Chúng tôi tin tưởng và khát vọng sẽ chung sức cùng cộng đồng xây dựng lại từng mái trường, mua thêm sách vở mới, cở sở vật chất dạy học.. .cho giáo viên và học sinh. Khuyến khích, hỗ trợ các em ở vùng lũ lụt đến trường. Đến bây giờ, không hề có em học sinh nào bỏ học đó là điều tôi vui nhất”.

Trường Lưu

Đọc thêm