Luật lụy tình huống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo hộ công dân ở nước ngoài là một trong những trách nhiệm của mọi nhà nước trên thế giới. Trách nhiệm này được công nhận chung vừa là đương nhiên vừa là được xác nhận trong luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế. Nhưng Australia mới đây lại vận dụng này rất khác.
Tòa nhà Quốc hội Australia.
Tòa nhà Quốc hội Australia.

Ở thời buổi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra bùng phát và hoành hành trên thế giới như hiện tại, việc bảo hộ công dân ở nước ngoài trở thành chuyện thời sự và thách thức lớn đối với các quốc gia. 

Cụ thể ở đây là nhà nước làm chỗ dựa về pháp lý, tâm lý, tài chính và hậu cần cho công dân ở nước ngoài bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Công dân ở đây có hai diện là diện cư trú lâu dài ở nước ngoài (kiều dân) và diện không cư trú lâu dài ở nước ngoài mà chỉ ra nước ngoài để du lịch, tu nghiệp, học tập, thăm viếng hay công tác nhưng bị kẹt hoặc gặp khó khăn ở nước ngoài bởi dịch bệnh hoặc bởi những biện pháp chính sách của nước sở tại nhằm ứng phó dịch bệnh như đóng cửa biên giới, hay vì bị lây nhiễm dịch bệnh. Một trong những biện pháp và hình thức bảo hộ công dân điển hình đối với công dân ở nước ngoài trong bối cảnh dịch dã hiện tại là đưa công dân bị mắc kẹt ở bên ngoài về nước. 

Theo luật pháp quốc gia cũng như luật pháp quốc tế, những công dân này có quyền được về nước để tránh dịch bệnh hoặc chữa bệnh nếu bị lây nhiễm dịch bệnh và nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân có thể về nước, thậm chí còn phải tiến hành những chiến dịch vận chuyển cần thiết đưa công dân về nước. Nhưng Australia mới đây lại vận dụng này rất khác.

Sau khi Ấn Độ chẳng khác gì bị một đợt sóng thần về dịch bệnh ập đến khiến đất nước này trở thành tâm điểm chính của dịch bệnh trên thế giới hiện tại, Chính phủ Australia quyết định cấm tất cả công dân đã từng ở hay đi qua Ấn Độ trong 14 ngày trước nhập cảnh Australia, tức là cấm những người này trở về nước.

Nếu đối với người nước ngoài thì biện pháp này của Chính phủ Australia không có gì là đặc biệt và gây bất ngờ bởi chính quyền nhiều nơi trên thế giới đã quyết định như vậy kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng cấm cả công dân của quốc gia mình thì Australia là nơi đầu tiên hành xử như thế.

Lý do được Chính phủ Australia đưa ra để lý giải cho quyết định này là bảo vệ hệ thống y tế và cách ly của đất nước, tức là không nhập cảnh cho người bị lây nhiễm dịch bệnh cũng như nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh bất kể là người nước ngoài hay là công dân Australia. Theo quyết định này, những công dân Australia vi phạm sẽ bị phạt tiền và tù đến 5 năm.

Quyết định này của Chính phủ Australia cho dù được biện luận với bất cứ diễn giải gì đi chăng nữa thì trong thực chất vẫn là sự chối bỏ trách nhiệm của nhà nước về bảo hộ công dân ở nước ngoài, không phải chối bỏ trên nguyên tắc nhưng cũng vẫn là chối bỏ trong tình huống đặc biệt và trong thời gian nhất định. Bản chất của hành về phương diện pháp lý vẫn là nhà nước chối bỏ trách nhiệm bảo hộ công dân. 

Chính phủ Australia đặt sự an toàn cho người dân ở trong nước lên trên trách nhiệm bảo hộ công dân ở nước ngoài, chấp nhận để cho số ít chịu thiệt thòi vì số đông. Cũng vẫn luật ấy thôi nhưng tình huống đặc biệt đưa lại cách vận dụng hay cách lý giải hoặc cách hiểu đặc biệt. Luật lụy tình huống là như thế.

Trong tình huống đặc biệt thì thường phải điều chỉnh luật để thích ứng với bối cảnh tình hình mới hoặc luật hiện hành sẽ được vận dụng theo cách không còn như bình thường nữa. Những khi luật lụy tình huống như thế thường cũng sẽ bộc lộ độ tin cậy của người dân đối với vào chính quyền nhà nước của họ đến mức nào.