Tạo điều kiện thay vì loại trừ
Bộ hướng dẫn ứng xử cho cảnh sát và truyền thông tại các sự cố của Sở cảnh sát Nottinghamshire ghi nhận truyền thông có vai trò chính đáng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng và họ sẽ có mặt tại hiện trường của các sự cố. Theo bộ hướng dẫn này, sự hiện diện của một người chụp ảnh hay một phóng viên tại một sự cố không cấu thành việc cản trở hay can thiệp trái pháp luật.
Nhà báo phải thu thập thông tin về một sự cố nhanh nhất có thể. Cảnh sát có thể cho rằng một số thông tin có vẻ như không liên quan, không quan trọng hay không hợp lý nhưng miễn là nhà báo không phạm luật hay cản trở việc điều tra, không vượt qua hàng rào được dựng lên thì cảnh sát không được cản trở nhà báo.
Bộ hướng dẫn này cũng nêu rõ hiện trường phạm tội sẽ được đóng với giới truyền thông khi cảnh sát đang thu thập thông tin nhưng cảnh sát phải nói rõ lý do của việc từ chối cho tiếp cận hiện trường với các nhà báo và phải thu xếp để cho phép nhà báo tiếp cận sớm nhất có thể. Người được quyền cho phép báo chí tiếp cận hiện trường khi đó sẽ là sỹ quan chỉ huy tại hiện trường của vụ việc.
Cảnh sát Nottinghamshire cũng nêu rõ các sỹ quan cảnh sát không được hạn chế các nhà báo chụp ảnh hay hỏi các bên khác có liên quan dù họ có thể không đồng ý với mục đích của nhà báo. Vẫn theo bộ hướng dẫn này, cảnh sát không có quyền ngăn một người chụp ảnh hay tịch thu máy quay hay máy ảnh vì việc thu giữ như vậy có thể khiến họ phải chịu các án phạt hình sự, dân sự hay kỷ luật.
Trong khi đó, các nhà báo được yêu cầu phải xuất trình được các giấy tờ nhận dạng truyền thông nếu được hỏi. Tại hiện trường của một sự cố, các giấy tờ này phải luôn được trưng ra. Nhà báo cũng được yêu cầu không đỗ xe ở những vị trí có thể cản trở lưu thông, xe của cảnh sát hoặc xe cấp cứu tiếp cận hiện trường.
Cũng tại Anh, cảnh sát London cho rằng giới truyền thông không chỉ là thành viên của công chúng mà họ còn có thể ảnh hưởng đến cách thức mà Sở cảnh sát London được miêu tả với người dân. Do đó, cảnh sát London cho biết việc xây dựng mối quan hệ tốt với giới truyền thông là việc quan trọng, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn.
Sở cảnh sát London cũng đã ban hành Bộ hướng dẫn ứng xử với truyền thông khi tiếp xúc với các nhà báo. Bộ hướng dẫn này nêu rõ giới truyền thông có trách nhiệm đưa tin từ hiện trường của nhiều sự cố mà cảnh sát phải xử lý nên cảnh sát cần tích cực hỗ trợ giới truyền thông thực hiện công việc của họ, miễn là nhà báo không cản trở công việc của cảnh sát.
Trong trường hợp cần phải thiết lập các hàng rào ở hiện trường, cảnh sát London cho rằng việc cung cấp cho các nhà báo một vị trí thuận lợi để họ có thể tác nghiệp thay vì loại trừ nhà báo khỏi khu vực hiện trường, khiến họ có thể tìm cách loanh quanh ở hàng rào và cản trở các hoạt động của cảnh sát.
Việc cung cấp khu vực tác nghiệp cho nhà báo không đồng nghĩa với việc họ không được tiếp cận những nơi mà công chúng được tiếp cận.
Cảnh sát London xác định rõ giới truyền thông có trách nhiệm chụp ảnh và quay phim sự cố và họ không có quyền và trách nhiệm ngăn cản hay hạn chế truyền thông. Khi những hình ảnh được ghi lại, cảnh sát không có quyền xóa hay tịch thu nếu không có trát của tòa án.
Đảm bảo thuận lợi cho việc tương tác
Tại Mỹ, Tu chính án thứ nhất của nước này nêu rõ các cơ quan truyền thông đóng vai trò là người thế vai cho công chúng, truyền tải những thông tin mà các cá nhân muốn biết nếu họ có thể tự mình chứng kiến. Do đó, Quốc hội Mỹ và các tòa án ở nước này trong nhiều năm qua vẫn ủng hộ việc mở rộng các quyền của phóng viên.
Tuy nhiên, tại Mỹ, luật nhìn chung vẫn quy định nhà báo không có quyền được thiết lập rõ ràng trong quá trình tiếp cận các hiện trường và các điều tra viên được phép hạn chế truyền thông tiếp cận hiện trường các vụ phạm tội hay các tai nạn với lý do việc tiếp cận của truyền thông có thể cản trở việc điều tra của cảnh sát, đảm bảo an toàn, giữ nguyên bằng chứng…
Dù vậy nhưng luật cũng nêu rõ cảnh sát khi thiết lập hệ thống cho phép báo chí tiếp cận hiện trường không được quyết định ai được tiếp cận và ai không được. Nếu một sở cảnh sát từ chối cho báo chí tiếp cận hiện trường một vụ việc nào đó, họ phải cung cấp cho phóng viên lý do và cơ hội để phản đối việc từ chối cho tiếp cận đó.
Sở cảnh sát Los Angeles là nơi có quy định được đánh giá là khá thuận lợi cho việc tác nghiệp tại hiện trường của giới báo chí. Theo Bộ hướng dẫn hành xử với báo chí của Sở này, cảnh sát không được yêu cầu cảnh sát phải duy trì khoảng cách xa hiện trường hơn so với người dân thường. Việc dựng rào bảo vệ và hạn chế tiếp cận với báo chí cũng chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết, ví dụ như cần bảo vệ các bằng chứng tại hiện trường.
Trong trường hợp hàng rào bảo vệ hiện trường được dựng lên thì cảnh sát cũng phải tạo khu vực tác nghiệp cho báo chí và cử người cung cấp thông tin cho báo chí. Người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cũng chỉ được từ chối cung cấp thông tin trong những trường hợp đặc biệt.
Cũng tại Mỹ, các bang California, Ohio và Alaska đều có các luật bảo vệ việc tiếp cận hiện trường của các vụ thiên tai hay các tình huống khẩn cấp dù các luật này không đảm bảo việc tiếp cận tuyệt đối cho báo chí trong các tình huống này mà vẫn có những ngoại lệ.
Ngoài ra, tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới cũng có quy định về những đặc quyền của nhà báo trong quá trình hành nghề, theo đó bảo vệ nhà báo khỏi nguy cơ bị buộc phải ra làm chứng về những thông tin mật hay nguồn tin của họ, hay nói cách khác là bảo vệ nguồn tin của họ khỏi nguy cơ bị phát hiện.
Vụ lùm xùm ở Trung Quốc
Nói đến câu chuyện tác nghiệp của phóng viên Mỹ, hẳn nhiều người sẽ nhớ đến sự cố nổi tiếng xảy ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc hồi đầu tháng 9 vừa qua, liên quan đến quy định về việc tác nghiệp của báo giới.
Cụ thể, tại thời điểm chiếc Không lực Một của Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay, một quan chức Trung Quốc được miêu tả là mặc đồ đen sang trọng và lịch sự đã liên tục hét vào mặt một cố vấn báo chí của Nhà Trắng khi người này đang hướng dẫn các phóng viên nước ngoài đứng vào đúng vị trí dành cho họ trong quá trình ghi lại hình ảnh ông Obama bước ra khỏi máy bay.
Cố vấn báo chí của Nhà Trắng khi đó khăng khăng cho rằng các nhà báo được phép đứng sau hàng dây thừng được dựng từ trước để đảm bảo ghi nhận được sự tương tác với nhân vật đang được nhiều mong đợi khi ông Obama vừa đến theo đúng thông lệ với báo chí của Mỹ khi tháp tùng tổng thống.
Tuy nhiên, vị quan chức Trung Quốc vẫn khăng khăng yêu cầu các nhà báo rời khỏi vị trí họ đang đứng vì cho rằng họ đứng như vậy là quá gần tổng thống Mỹ, gây khó khăn cho việc bảo vệ.
Đôi bên tranh luận khá sôi nổi, với đỉnh điểm là việc vị quan chức Trung Quốc thẳng tay chỉ vào mặt cố vấn báo chí của Mỹ và hách dịch tuyên bố: “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”.
Hành động đầy hợm hĩnh của vị quan chức Trung Quốc đã khiến nhiều phóng viên có mặt tại đó bức xúc. Một số người thậm chí miêu tả hành xử của vị quan Trung Quốc là một minh chứng của việc giới chức nước này luôn cố tình kiểm soát truyền thông./.