7 năm tù cho tội giết người - đó là mức án ngoài mong đợi của Phạm Thị Thùy Trang sau khi gây án. Phải chăng HĐXX đã nương tay? “Luật không vị tình. Nhưng cao hơn cả mục đích răn đe là tính nhân văn của luật” – Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như – Văn phòng Luật sư An Luật – Đoàn Luật sư Tp. HCM - người được phân công bào chữa cho bị cáo trong phiên phúc thẩm của vụ án này đã bày tỏ quan điểm:
“Tôi thực sự cảm thấy xót xa khi chứng kiến tình cảnh của một người mẹ trẻ đứng trước vành móng ngựa và đứa bé phải sinh ra trong tù. Tôi đã không phải đắn đo khi nhận vụ án này và cố bằng mọi cách để tìm các chứng cứ nhằm làm nhẹ tội cho thân chủ của mình.
|
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như |
- Về Điểm đ Điều 46 BLHS: Qua tình tiết vụ án được ghi nhận và thể hiện trong vụ án, có một điều không thể chối cãi là dù có gây gổ, dù có xích mích từ trước dẫn đến va chạm nhưng trong buổi tối gây án đó, chính nhóm của Tiên mà trong đó có người bị hại Tuyền là bên gây chiến trước tiên. Khi các bên cự cãi nhau, Trang cũng không cầm dao trong tay để chuẩn bị gây án. Chỉ đến khi nhóm của Tiên xông vào đánh thì Trang mới giật dao để tự vệ và gây án. Tôi cũng đồng quan điểm: Không thể nói rằng cái chết của Tuyền là chỉ do hành vi tự vệ của Trang gây ra. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan nhất là hành vi xông vào dùng nón bảo hiểm đánh Trang là hành vi vi phạm pháp luật của bị hại. Xuất phát từ hành vi đó mà Trang đã phạm tội.
Về Điểm l Điều 46 BLHS: Quy định người phạm tội là phụ nữ có thai. Ngay sau khi gây án và đến bệnh viện do thương tích của nhóm của Tiên gây ra trước và sau khi giết chết Tuyền. Trang đã biết được là mình đang mang thai 02 tháng. Nghĩa là Trang đáp ứng được quy định tại Điều này về tình tiết giảm nhẹ. Nghe qua, đây cũng là một tình tiết giảm nhẹ như một trong số các tình tiết giảm nhẹ mang tính nhân đạo của pháp luật được quy định tại Điều 46 BLHS.
Tuy nhiên, đây có thể nói là tình tiết gây đau lòng nhất cho những ai biết qua sự việc. Điều này thể hiện rất rõ trong các trang thông tin về vụ án. Khi tìm tài liệu cho bài bảo vệ này, tôi đã tìm được rất nhiều, rất nhiều thông tin được đăng tải trên mạng. Trong đó, họ không xoáy vào tìm diễn biến vụ việc mà chỉ xoáy vào “người mẹ trẻ tuổi teen và một đứa trẻ sinh ra trong tù bất đắc dĩ”.
Thú thực, ngay cả khi chưa gặp mặt bị cáo nhưng đọc thông tin, nhìn hình bị cáo Trang ôm đứa trẻ với vẻ mặt ngơ ngác, tôi xót lòng đến mức chỉ mong sao cho phiên xử đến sớm, để tôi có dịp bày tỏ quan điểm với HĐXX, mong làm giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của tôi, vì người phạm tội và vì cả đứa trẻ thơ con của người phạm tội nữa.
Điều 47 BLHS quy định về “Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định pháp luật” quy định “Khi có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là nhẹ nhất của điều luật thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn”.
Hơn nữa, vào thời điểm phạm tội, bị cáo Trang được 16 tuổi 04 tháng. Như vậy, căn cứ vào Điều 74 Bộ Luật hình sự quy định về “tù có thời hạn” đối với người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi quy định “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định”. Nghĩa là, theo tinh thần của pháp luật quy định đối với việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, ngoài việc trừng phạt, răn đe còn có mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Ngoài ra, sự khoan hồng cũng được áp dụng rõ hơn so với người đã thành niên vì phải xét đến yếu tố nhận thức về hành vi của họ. Ở tuổi này, gây án là phải chịu sự trừng trị của pháp luật, nhưng nếu là người vị thành niên, mức mà họ phải chịu chỉ cao nhất là ¾ mức mà người đã đủ tuổi trưởng thành phải chịu. Đây chính là tinh thần của Luật và thể hiện tính nhân đạo cùng với chủ đích giáo dục ngang bằng và được đánh giá cao hơn cả trừng trị đối với đối tượng vị thành niên mà Luật hướng đến.
Việc áp dụng hình phạt của Tòa án cấp Sơ thẩm theo tôi là chưa phù hợp quy định của pháp luật. Bởi lẽ, với mức án 8 năm tù giam, nghĩa là bị cáp Trang chưa thật sự nhận được tinh thần nhân đạo mà Luật mà quy định đối với người chưa thành niên phạm tội. Rõ ràng, khi đạt được trên hai tình tiết giảm nhẹ là Tòa án có thể xem xét quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung. Nghĩa là dưới 07 năm tù. Như vậy, quyết định 08 năm tù đối với Trang thì có gì khác nhau giữa người phạm tội vị thành niên và đã thành niên?
Bên cạnh các quy định rạch rời của luật pháp, cũng cần đứng ở góc độ tình người để xem xét hành vi của Trang. Dù không có điều luật nào quy định về “tình vị lý” trong Luật. Tuy nhiên, đối với vụ án nào cũng vậy, chúng ta luôn có cách nhìn về cả hai khía cạnh.
Hành vi vi phạm pháp luật của Trang đã rõ, Trang không hề chối cãi và cũng không thể nào chối cãi. Một mạng người mất đi không thể lấy gì bù đắp được cho dù là tính mạng, là năm tháng tù tội là tiền hay cả nỗi đau vì một đứa trẻ phải chào đời trong nhà giam. Tôi cảm thông và chia sẻ sâu sắc với gia đình người bị hại. Những gì tôi trình bày để bảo vệ Trang cũng không phải để chối tội hay để lẫn tránh và tôi tin rằng Trang cũng thế. Tôi và thân chủ của mình đã nhiều lần nói lời cảm ơn đối với sự rộng lượng của gia đình người bị hại, đã nén nỗi đau mất con mà lặn lội nhiều lần đến Tòa để xin giảm án cho người đã giết chết con mình.
Nhưng tôi tin, họ đã có lý do để làm chuyện đó. Vì họ biết rằng hành vi phạm tội của Trang chỉ là bộc phát, nhất thời trong lúc bị tấn công mà thiếu kiềm chế. Đó là cái sự thiếu kiềm chế không chỉ của người bình thường sau giờ tan ca mệt mỏi, mà còn là sự thiếu kiềm chế của người đang mang thai những tháng đầu tiên của thai kỳ. Và hơn thế nữa, đó là trạng thái tâm lý hiếu chiến của những trẻ vị thành niên như Trang, như Tiên.
Nhìn Trang trong tình thế tù tội, nhìn đứa trẻ sinh ra trong trại trong điều kiện thiếu thốn ai cũng phải chạnh lòng thương cảm. Ai cũng muốn dành cho Trang một sự khoan hồng, một cơ hội để sớm được làm lại cuộc đời ngay cả gia đình bị mất mát đứa con. Nhất là khi những người làm luật bên cạnh sự nghiêm minh, còn luôn có lòng nhân từ.
Bản án dành cho Trang không phải là mức thấp nhất mà tôi mong đợi đối với thân chủ của mình. Tuy nhiên, tôi biết rằng các vị Thẩm phán cũng phải quyết định trong khuôn khổ pháp luật để đảm bảo tính nghiêm minh, sự công bằng của pháp luật. Tôi tin rằng giờ đây trong trại giam Trang không phải đang nếm trải những năm tháng tù tội, mà đang chuẩn bị cho việc bắt đầu một trang mới sáng sủa hơn của cuộc đời mình.
Xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân mang tính chất ghen tuông do Trang thấy chồng sắp cưới hay nói chuyện với Trần Thủy Tiên là đồng nghiệp của Trang và Bình nên giữa Trang và Tiên phát sinh mâu thuẫn và nhiều lần cãi vả. Đến chiều ngày 24/10/2009, giữa Trang và Tiên có xảy ra mâu thuẫn cũng với lý do này. Do nhận thấy Tiên có gọi điện thông báo cho người nhà của Tiên đến nên Trang nghĩ là họ có ý định đánh mình. Sau khi tan ca, Trang nhìn thấy nhóm của Tiên gồm 4 người đứng gần cổng Công ty nên đã mượn dao của Gấm đưa cho Trường để thủ sẵn khi bị đe dọa. Sau đó, khi hai bên gặp nhau và cự cãi, nhóm của Tiên đã dùng mũ bảo hiểm tấn công Trang và Trang đã yêu cầu bị cáo Trường đưa dao cho Trang và Trang đã dùng dao đâm trúng Tuyền – người trong nhóm của Tiên - dẫn đến tử vong. Sau khi Tuyền gục xuống thì nhóm của Tiên tiếp tục đánh Trang gây thương tích. Đối với hành vi phạm tội của Trang, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thị Thùy Trang 8 năm tù giam, ngoài ra còn buộc bồi thường trách nhiệm dân sự là 35 triệu đồng. Sau khi án tuyên, bị cáo Trang đã có đơn kháng cáo xin cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt tù để bị cáo sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng, chăm sóc con thơ và bị cáo đã thật sự hối cải về hành vi của mình. |