Luật sư nói về vụ bé 3 tuổi bị ’chăm’ bằng bạo lực

Theo Điều 110 BLHS, một người bị coi là phạm tội này khi có hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc. Trong trường hợp này cháu Ngân hoàn toàn lệ thuộc vào bà Dung trong thời gian ở nhà bà Dung và cũng không có bất kỳ khả năng phản kháng nào. 

Những ngày gần đây, Báo PLVN nhận được nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ bức xúc về nạn bạo hành trẻ em xảy ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhiều độc giả băn khoăn liệu hình phạt nào sẽ được áp dụng cho bảo mẫu độc ác nói riêng hoặc những đối tượng bạo hành trẻ em nói chung.  Về vấn đề này, Luật sư Trần Thị Thúy Hằng - Công ty Luật Đại Việt cho biết:

Khi vụ cháu Hào Anh (Cà Mau) bị chủ hành hạ dã man vừa khép lại với bản án thích đáng dành cho kẻ phạm tội thì lại phát sinh vụ cháu Hồ Thị Thùy Ngân bị bảo mẫu Trần Thị Dung cháu bạo khi tắm gây phẫn nộ dư luận, công chúng đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc bảo mẫu đã có những hành vi tàn ác, phi giáo dục, phi nhân tính với cháu bé 3 tuổi.

etryt
Cháu Hồ Thị Thùy Ngân

Việc xử lý đúng người, đúng tội không chỉ đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà còn mang tính răn đe, giáo dục kẻ khác khi những hành vi tương tự đang có xu hướng gia tăng trong xã hội.  

Nếu so sánh giữa vụ cháu Hào Anh bị ông bà chủ hành hạ, đánh đập dã man với vụ cháu Ngân bị bảo mẫu đối xử tàn ác thì mức độ có thể khác nhau, thương tích cơ thể của cháu Ngân có thể không bằng, nhưng hậu quả về tinh thần và sự nguy hiểm của hành vi này cũng rất nghiêm trọng. Hành vi của Trần Thị Dung có đủ yếu tố để khởi tố hình sự và chịu sự trừng phạt của pháp luật:

Thứ nhất: Dù có gây thương tích cho cháu bé hay không thì nếu đúng như những gì bà Dung thừa nhận đã tắm cho bé Ngân như vậy suốt hơn một năm qua đã đủ cơ sở để khởi tố hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 110 Bộ luật Hình sự.

Theo Điều 110 BLHS, một người bị coi là phạm tội này khi có hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc. Trong trường hợp này cháu Ngân hoàn toàn lệ thuộc vào bà Dung trong thời gian ở nhà bà Dung và cũng không có bất kỳ khả năng phản kháng nào. 

Đồng thời, với hành vi dùng sức mạnh cưỡng bức bắt cháu bé nằm xuống sàn nhà lấy chân dẫm, cọ, chà lên người cháu, túm tóc giật ngửa mặt cháu bé lên, liên tiếp hắt thẳng ca nước vào mặt cháu bé mà đoạn video thể hiện là hành vi tàn ác, nhẫn tâm không thể coi là tắm cho cháu bé, không ai tắm cho con người như vậy nên việc bà Dung biện minh vì cháu vùng vằng, không nghe lời mà có những hành động đó là không chấp nhận được.

Đặc biệt, những hành vi này lại diễn ra thường xuyên trong 1 thời gian dài đã thể hiện rõ sự đối xử tàn ác của bà Dung đối với cháu bé.

Đây là những hành vi rất tàn ác, thể hiện sự vô cảm, nhẫn tâm của bà Dung. Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc, bảo vệ, nâng niu, bà Dung là người mà cha mẹ cháu đã tin tưởng, gửi gắm cháu cho bà chăm sóc.

Nhưng ngược lại bà không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn có những hành vi đối xử tàn ác, phi nhân tính với cháu bé lệ thuộc vào mình và hoàn toàn không có khả năng phản kháng do đó có đủ cơ sở để khởi tố về tội hành hạ người khác.

Trong trường hợp này bà Dung có hành vi đối xử tàn ác với cháu bé 3 tuổi nên phải xử lý theo Khoản 2 Điều 110 BLHS: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người”.

Thứ hai: Những hành vi này còn rất dễ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe cháu bé khi cháu đang khóc như vậy mà hất thẳng ca nước vào mặt, vào miệng cháu sẽ rất dễ gây sặc nước vô cùng nguy hiểm và dễ dẫn đến tổn thương đường hô hấp, tổn thương phổi cho cháu bé.  

Theo Khoản 1 Điều 104 BLHS, dù gây thương tích cho cháu bé dưới 11% nhưng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác nếu thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần với cùng 1 người hoặc đối với nhiều người (Điểm c); phạm tội đối với trẻ em (Điểm d).

Do đó mức độ thương tích, những tổn thương về tinh thần, những ảnh hưởng về tâm lý của cháu bé như thế nào cần cơ quan chuyên môn kiểm tra, kết luận chính xác để giải quyết vụ án được nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đảm bảo công bằng cho cháu bé và gia đình.

Ngoài ra, gia đình cháu còn có quyền yêu cầu bà Dung bồi thường thiệt hại cho những tổn thất về sức khỏe và tinh thần cho cháu mà bà đã gây ra./.

Luật sư Trần Thị Thúy Hằng

Đọc thêm