Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giúp người dân thắng kiện

Sự kiện nổi bật năm qua là các thành viên trong Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần vào việc buộc Công ty Vedan chấp nhận bồi thường cho người dân bị thiệt hại hơn 53 tỷ đồng...

Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) vừa tổ chức tổng kết công tác năm 2010, đặc biệt là Chương trình bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư lần đầu tiên được tổ chức.

LS Vũ Bá Thanh – Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh BR-VT cho biết: Với 195 thành viên (117 LS và 78 người tập sự LS), được tổ chức và hoạt động khá quy củ, nhất là kể từ khi LĐLSVN ra đời, Đoàn đã có bước tiến phát triển đáng kể. Vị trí vai trò của LS trong xã hội ngày càng được khẳng định.

Điển hình như một số LS, tổ chức hành nghề LS đã có những tiếp xúc ban đầu với các LS, tổ chức hành nghề LS nước ngoài (chi nhánh và văn phòng tại Việt Nam) nhằm giới thiệu và tìm kiếm quan hệ hợp tác với nhau.

Theo LS Thanh, sự kiện nổi bật trong năm 2010 của Đoàn là, 24 tổ chức hành nghề LS và 44 LS, Người tập sự LS đã nhận được sự ủy quyền của 1255 hộ dân bị thiệt hại trong vụ kiện Công ty Vedan Việt Nam gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải. Và các thành viên trong Đoàn đã góp phần vào thắng lợi trong việc buộc Công ty Vedan chấp nhận bồi thường cho người dân bị thiệt hại hơn 53 tỷ đồng...

Được xem như buổi thảo luận, tọa đàm, giải đáp các thắc mắc, các tình huống pháp lý phát sinh trong quá trình hành nghề của các LS trong Đoàn đã được Thạc sỹ Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC; TS – LS Phan Trung Hoài, Ủy viên Ban thường vụ – Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi LS của LĐLSVN chia sẻ, giải đáp và trao đổi.

Theo ông Quế, xưa nay, nhiều luật sư khi ra tòa cứ nói rằng, tòa chưa kết tội bị cáo nên tại phiên tòa bị cáo vẫn chưa có tội, thậm chí có LS còn mạnh dạn đề nghị HĐXX mở còng cho bị cáo trong quá trình xét xử là không đúng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho phiên xử. Ông Quế còn cho biết thêm, trong thực tiễn xét xử, đối với những trường hợp cụ thể mà chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, thì trong trường hợp này thẩm phán có quyền giải thích luật (tòa án được nhân dân Nhà nước).

Còn TS – LS Phan Trung Hoài thì bộc bạch, qua những trải nghiệm của mình, tôi cho rằng: Hầu hết các thân chủ đều rất vui mừng và an tâm nếu được LS đến thăm hỏi, chia sẻ và động viên trước khi xét xử. Cạnh đó, LS Phan Trung Hoài còn “bật mí”: Tại các phiên tòa, LS cần thể hiện sự tôn trọng, lễ độ với HĐXX, LS đồng nghiệp và cả những người dự khán.

Đối với bài bào chữa của LS, thì LS cũng nên cân nhắc, xem xét phần nào nên gửi cho HĐXX và phần nào nên giữ lại để tranh luận tại tòa, kể cả “dự thảo về lời nói sau cùng” mà LS thực hiện cho thân chủ... Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, tất cả những diễn biến tại phiên tòa thì bản thân thư ký tòa án không thể ghi chép đầy đủ, nhất là các nội dung thể hiện quan điểm bào chữa của luật sư đối với thân chủ.

Do vậy, LS cần ghi chép một cách đầy đủ diễn biến phiên tòa, nhất là các chứng cứ, quan điểm, vấn đề tố tụng tại tòa để cung cấp cho HĐXX trong trường hợp cần thiết. Có như thế thì LS mới có thể gặt hái được những thành công nhất định trong quá trính hành nghề của mình.

Phong Trần

Đọc thêm