Luật thua quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bằng cách biểu quyết đồng thuận, tức là các thành viên không phải đích danh thể hiện quan điểm, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết buộc 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp phải giải trình về việc đã sử dụng quyền phủ quyết để phủ quyết dự thảo nghị quyết nào đấy trong Hội đồng Bảo an.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Nghị quyết này có tính chất và bản chất của luật trong hoạt động của Liên Hợp quốc nhưng không thể làm thay đổi quyết định phủ quyết của 5 thành viên nói trên, tức là có tác dụng nhưng chỉ rất hạn chế và hoàn toàn chưa làm suy chuyển gì đặc quyền đặc lợi kia của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Dù vậy, nghị quyết này là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Liên Hợp quốc năm 1945 đến nay, quyền phủ quyết của 5 thành viên kia bị động chạm trực tiếp.

Quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an được luật hóa ngay từ khi thành lập Liên Hợp quốc. Liên Hợp quốc dùng luật để dành cho 5 thành viên kia đặc quyền đặc lợi này. Thời cuộc chính trị thế giới năm 1945 đã sản sinh ra cấu trúc có 2 loại thành viên: 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Nhưng thế giới hiện đại ngày nay đã khác biệt cơ bản so với những thập kỷ cuối của thế kỷ 20 chứ không nói so với hồi năm 1945. Vậy mà Liên Hợp quốc hoàn toàn không hề thay đổi gì trên phương diện quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an.

Vì 5 thành viên này tùy ý sử dụng quyền phủ quyết nên nhiều khi Hội đồng Bảo an bị tê liệt và không thể hành động, Liên Hợp quốc vì thế bị vạ lây. Cũng chính vì thế mà việc quy định lại quyền phủ quyết này là vấn đề cốt lõi nhất cần được giải quyết thỏa đáng nếu muốn cải tổ thật sự Liên Hợp quốc cho phù hợp với thời cuộc mới trong thế giới hiện đại. Vì vấn đề này vẫn chưa được giải quyết nên tiến trình cải tổ Liên Hợp quốc cho đến nay rất trì trệ, nhiều lần được khởi động nhưng tiến triển chẳng được đáng kể gì.

Nghị quyết nói trên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc là cách dùng văn bản luật để tác động tới quyền của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Hiệu ứng cụ thể của nó là 5 thành viên kia không bị mất hay bị ảnh hưởng gì quyền phủ quyết của họ trong Hội đồng Bảo an, nhưng gặp khó xử không hề nhỏ và lại còn khá nhạy cảm về chính trị và dư luận thế giới khi sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an.

Họ phải giải trình trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc chứ không còn được chỉ tuyên bố vắn tắt và chung chung sau khi sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. Thiên hạ qua đó sẽ biết các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã sử dụng đặc quyền đặc lợi này của họ vì mục đích và lợi ích chung của Liên Hợp quốc và thế giới, hay chỉ để phục vụ cho lợi ích riêng của họ và của đồng minh của họ.

Vì thế, giải trình như thế nào ảnh hưởng trực tiếp đến thể diện quốc gia và uy tín quốc tế của 5 thành viên này và tới kết cục của việc họ rồi đây có tranh thủ được sự ủng hộ của các thành viên khác trong Liên Hợp quốc hay không. Thay đổi chút ít như thế dù sao vẫn có tác dụng tích cực nhất định khi cuộc cải tổ lớn vẫn chưa được thực hiện.

Nhưng nghị quyết này cũng lại dễ bị 5 thành viên kia hoặc các thành viên khác trong HĐBA Liên Hợp quốc lợi dụng để làm thành viên sử dụng quyền phủ quyết bẽ bàng. Đấy là trường hợp dự thảo nghị quyết được đưa ra để biểu quyết với chủ định để cho thành viên thường trực nào đấy trong Hội đồng Bảo an phủ quyết, và rồi buộc thành viên này phải giải trình trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Nếu trường hợp này lặp đi lặp lại nhiều lần thì đâu có khác gì bất hoà hay đối đầu giữa các thành viên trong Hội đồng Bảo an được chuyển sang cho diễn đàn Đại hội đồng Liên Hợp quốc một cách hợp pháp.

Chuyện nghị quyết này còn cho thấy sự tồn tại dai dẳng của tình trạng luật đưa lại đặc quyền, để rồi đặc quyền được sử dụng để cản trở cải cách luật và luật của số đông thua quyền của số ít trong Liên Hợp quốc.

Đọc thêm