Luật và lý ở Liên Hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo quyết định mới đây nhất của Ủy ban Chuyên môn của Liên Hợp quốc, ghế đại diện của Myanmar và Afghanistan tiếp tục bị để trống.
Một phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.
Một phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.

Như thế có nghĩa quyết định như trên của uỷ ban này khiến cho câu hỏi về công nhận hay không công nhận chính thể mới ở hai nước kia vẫn chưa được Liên Hợp quốc chính thức trả lời.

Ủy ban này có tên gọi là “Credendials Committee” của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, có 9 thành viên, hiện là các nước Thụy Điển, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Bahamas, Bhutan, Chile, Namibia và Sierra Leone. Chức năng và quyền hạn của Ủy ban này là xem xét và công nhận nhân sự đại diện ngoại giao cho quốc gia thành viên ở Liên Hợp quốc.

Theo luật lệ và quy định chung của Liên Hợp quốc, quốc gia hay tổ chức quốc tế nào được Liên Hợp quốc chính thức công nhận là thành viên hay quan sát viên của Liên Hợp quốc thì đều được cử đại diện ngoại giao thường trực tại Liên Hợp quốc. Ủy ban kia chỉ xem xét và chấp nhận nhân sự cụ thể, không liên quan gì đến việc công nhận hay không công nhận nhà nước cử nhân sự đến làm đại diện ngoại giao. Thông thường thì như vậy, nhưng ở trường hợp Myanmar và Afghanistan hiện tại thì chuyện không chỉ là luật lệ đơn thuần mà còn là cả chuyện lệ về lý nữa.

Ở Myanmar, giới quân sự làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự dân cử. Ở Afghanistan, phe Taliban giành quyền kiểm soát và quản lý đất nước, chính thể cũ sụp đổ hoàn toàn. Ở cả hai nơi đều có chính thể hoàn toàn mới, hình thành dựa trên nền tảng là chính thể cũ bị xoá sổ.

Tại Liên Hợp quốc, chính thể cũ ở Myanmar và Afghanistan được công nhận là thành viên chính thức và đại diện của hai chính thể này tại Liên Hợp quốc được công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất cho Myanmar và Afghanistan ở Liên Hợp quốc.

Vấn đề phức tạp nảy sinh sau khi chính thể mới ở Myanmar và Afghanistan, ở Myanmar là giới quân sự và ở Afghanistan là Taliban, cử đại diện khác cho chính quyền của họ ở Liên Hợp quốc và không coi hai người của chính quyền trước đây là đại diện cho Myanmar và Afghanistan ở Liên Hợp quốc. Chính vì thế mà Ủy ban Chuyên môn nói trên của Liên Hợp quốc mới bị liên đới.

Cả về luật, lệ lẫn lý trong Liên Hợp quốc, ủy ban này phải xem xét và quyết định có chấp thuận người mới được chính thể mới ở Myanmar và Afghanistan đề cử làm đại diện cho hai nước này ở Liên Hợp quốc hay không. Mắc mớ và khó xử đối với ủyỷ ban này là nếu chấp thuận sự đề cử nhân sự kia làm đại diện chính thức cho Myanmar và Afghanistan ở Liên Hợp quốc thì có nghĩa là, và sẽ được hiểu là Liên Hợp quốc chính thức công nhận chính quyền quân sựở Myanmar và chính thể Taliban ở Afghanistan trong khi Liên Hợp quốc chưa chính thức trả lời câu hỏi này.

Hiện tại, chưa có quốc gia nào trên thế giới chính thức công nhận ngoại giao chính thể Taliban ở Afghanistan và nhiều thành viên Liên Hợp quốc không chính thức công nhận ngoại giao chính quyền dân sựở Myanmar. Vì sự việc rất tế nhị và nhạy cảm cũng như rất nan giải về chính trị, pháp lý cũng như ngoại giao mà ủy ban này nói riêng và Liên Hợp quốc nói chung vẫn bế tắc ý tưởng giải pháp nên ủy ban này lựa chọn cách xử lý tối ưu duy nhất hiện có được là trì hoãn giải quyết.

Ủy ban này chưa quyết định dứt khoát thì Liên Hợp quốc cũng chưa cần phải trả lời câu hỏi về công nhận hay không công nhận chính thể hiện tại ở Myanmar và Afghanistan. Đồng thời, chừng nào Liên Hợp quốc vẫn còn chưa có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi nói trên thì chừng đó ủy ban kia cũng vẫn có thể viện dẫn lý do kỹ thuật để trì hoãn quyết định cuối cùng.

Thật ra, luật hay lệ hoặc lý ở đây đều rất rõ ràng và cụ thể. Nhưng vụ việc lại hoàn toàn không dễ dàng có thể được xử lý ổn thỏa và nhanh chóng. Nguyên do nằm ở sự chi phối của chính trị ngoại giao thế giới mà Liên Hợp quốc là diễn đàn và chiến địa nổi bật hàng đầu cũng như biểu trưng nhất. Cho nên chuyện này ở Liên Hợp quốc còn lâu mới tới hồi kết, bất kể cái kết ấy rồi sẽ như thế nào.

Đọc thêm