Lưu luyến chuyến phà Khuể

Trong những ngày này, những ai qua lại phà Khuể đều mang cảm giác bâng khuâng, hoài niệm. Chỉ ít ngày nữa thôi, câu cửa miệng: “Đi qua phà khổ sẽ vào đất Tiên”, cùng hình ảnh dòng người bộ hành, xe máy, ô tô hối hả xếp hàng chen chúc lên, xuống phà không còn nữa. Cầu Khuể thông xe, khép lại sứ mệnh của bến phà.

Trong những ngày này, những ai qua lại phà Khuể đều mang cảm giác bâng khuâng, hoài niệm. Chỉ ít ngày nữa thôi, câu cửa miệng: “Đi qua phà khổ sẽ vào đất Tiên”, cùng hình ảnh dòng người bộ hành, xe máy, ô tô hối hả xếp hàng chen chúc lên, xuống phà không còn nữa. Cầu Khuể thông xe, khép lại sứ mệnh của bến phà.

 

Chỉ còn ít ngày nữa, không còn những chuyến phà đưa khách qua sông tại bến Khuể

Con phà – đời người

 

4giờ 30 sáng, khi phần lớn người dân của thành phố Cảng còn chìm trong giấc ngủ, các cán bộ, công nhân bến phà Khuể bắt đầu cho một ngày mới. Giữa không gian mờ mờ, ảo ảo của đêm giữa mênh mang sóng nước và không khí se se lạnh của một ngày thu cuối tháng 9, chúng tôi  sang sông bằng chuyến phà sớm nhất của ngày mới- mà chỉ nay mai thôi sẽ  chỉ còn trong ký ức.

 

Dòng người bộ hành, xe gắn máy, xe ô tô vẫn tấp nập, hối hả lên xuống bến. Đội ngũ bảo vệ phà cần mẫn hướng dẫn, bảo vệ an toàn từng khách, xe xuống phà… Chiếc phà trọng tải 100 tấn dường như nặng hơn ngày thường bởi chở đầy tâm tư của những người khách đồng hành. Rồi đây sẽ không còn những chuyến phà qua sông bồng bềnh, không còn nghe tiếng máy ình ình vang vọng trong đêm và những giai điệu sóng vỗ lách tách quen thuộc giữa mênh mang sóng nước.

 

Trong ca bin, thuyền trưởng Lương Đức Khôi, 52 tuổi, quê ở Tiên Thắng (Tiên Lãng) tóc đã hoa râm - mắt lúc nhìn về phía thượng lưu, lúc nhìn về hạ lưu sông Văn Úc - bày tỏ cảm xúc: “Tôi gắn bó 27 năm với bến phà này, trong đó có 22 năm lái phà, có thể gọi là “vào sinh ra tử”. Giờ đây, phà sắp kết thúc hoạt động, tâm trạng của tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì sự phát triển chung của quê hương mình, buồn vì công việc quen thuộc của mình từ nay sẽ gián đoạn, rồi cuộc sống sau này. Thiếu vắng những chuyến phà, tôi thấy có gì đó trống vắng, hụt hẫng trong lòng”. Nói rồi, ánh mắt anh bất chợt nhìn về phía cầu Khuể lung linh huyền ảo như con rồng khổng lồ nằm vắt ngang sông Văn Úc. Giây phút chạnh buồn trôi nhanh. Anh cũng như mọi người trầm trồ, hồ hởi trước công trình mang tầm vóc thế kỷ. Dừng một lát, anh Khôi nói tiếp “Nhưng không vì lẽ đó mà chúng tôi xao lãng nhiệm vụ của mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ, phà vẫn chạy dù chỉ có một hành khách”.

 

Theo cách tính của anh Khôi: 1 ca trực có 8 giờ, trung bình 20 phút/chuyến. Như vậy 1 giờ chạy 3 chuyến, 1 ca trực 24 chuyến đưa phà cập bến địa phận An Lão và Tiên Lãng. Tôi nhẩm tính: chiều dài giữa bờ sông Văn Úc khoảng 1 km x 24 chuyến (một ca trực) x 23 ngày (1 tháng) x 12 tháng (1 năm) x 22 năm lái phà = 145.728 km. Một hành trình tương đương với gần 4 vòng chu vi trái đất trong 22 năm gắn bó với dòng sông Văn Úc của anh!

 

Phà Khuể nối An Lão với Tiên Lãng nên lượng người lưu thông qua đây rất lớn. Mấy năm gần đây kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại , du lịch, kinh doanh, buôn bán làm ăn của người dân cũng phát triển theo. Theo số liệu thống kê, năm 2009, phà Khuể vận chuyển an toàn hơn 2,2 triệu lượt khách với 37.628 chuyến phà, gần 8.800 chuyến đò và 25.730 lượt xe cơ giới.  Như vậy, những năm qua, phà Khuể đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và huyện Tiên Lãng nói riêng, trở thành một phần đời sống không thể thiếu của người dân Tiên Lãng.

 

Nhưng dù chất lượng phục vụ có tốt đến đâu, phà  vẫn có cái cách rách, bất cập do đặc thù của nó. Vì vậy, cầu Khuể phải ra đời để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Như lời một lãnh đạo huyện Tiên Lãng, mừng lắm chứ, lần đầu  huyện Tiên Lãng có một công trình thế kỷ, tầm cỡ quốc gia. Nó là dấu ấn về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của cả một vùng quê lúa  là cái mốc khởi động nền công nghiệp,  nhịp phát triển mới về thu hút đầu tư, kéo doanh nghiệp vào huyện…

 

Bâng khuâng kỷ niệm

 

Tại văn phòng bến Khuể, chúng tôi được nghe rất nhiều những kỷ niệm. Tất cả đều gắn liền với khó khăn, vất vả trong những ngày mưa gió, mùa nước lũ anh em tập thể đội không quản khó khăn đưa khách vượt sông thật vất vả. Bình thường, sông Văn Úc thật hiền hoà nhưng đến mùa mưa nước đổ ra biển, chảy xiết, có lúc sóng to, gió lớn, dòng sông như nổi giận khiến việc cập bến của các chuyến phà rất khó khăn, nhất là những chuyến phà ngược gió. Vào những dịp lễ, tết lượng khách đổ về quá đông khiến tập thể cả 3 ê- kíp của đội vượt sông đều mệt nhoài. Xúc động và cảm phục trước những tấm gương “Lục Vân Tiên” quả cảm cứu người. Có anh ngại ngùng khi nêu tên, nhưng lại dũng cảm lao vào dòng nước dữ cứu 2 người tự tử vào một đêm tối trời năm 2005. Khi chàng trai và cô gái ướt sũng được vớt lên, mở đôi mắt ngơ ngác như chưa hoàn hồn khi biết mình còn sống- cũng chưa kịp nhìn và cảm ơn ân nhân thì các anh đã lao vào nhiệm vụ mới. Các anh góp phần xứng đáng vào  sự phát triển của thành phố bằng sự tận tụy trong công việc thầm lặng nhưng quan trọng của mình.

 

Những ngày này, cầu Khuể đang khẩn trương cho lễ khánh thành, thông xe. Số phận phà Khuể rồi cũng như nhiều bến phà trước đây ở thành phố sẽ lùi vào ký ức của nhiều người. Rồi tới đây,trong  cánh thủy thủ, thuyền viên, một số  người được tiếp tục theo nghiệp phà về bến mới, nhưng cũng có nhiều người “nghỉ hưu” như anh Khôi…

 

Cũng như tôi, nhiều người khách qua phà cũng có chút nỗi niềm đọng lại ở nơi đây, trong giây phút này. Anh Nguyễn Văn Nhất nhà ở xã Toàn Thắng (Tiên Lãng) cho biết, từ 3 năm nay, mỗi ngày anh đều qua lại trên chiếc phà Khuể. Đi nhiều cũng thấy quen, nên khi nghĩ mai đây  không còn phà nữa thì thấy trong lòng mình có cảm giác khó tả… Nhưng khi cầu Khuể hoàn thành, khỏi chịu cảnh lụy phà hàng giờ thì còn gì sướng hơn!.

 

Không chỉ những hành khách mang tâm trạng hoài niệm, những người sinh nhai quanh bến cũng chung tâm trạng. Bà Nguyễn Thị Tư, 48 tuổi, hơn 10 năm bán hàng rong theo phà, tâm sự: “Cũng buồn nếu phải rời xa cảnh nhộn nhịp của bến phà,  nhưng tôi cũng vui vì quê mình có một cây cầu hoành tráng, hiện đại, con cái sau này có điều kiện phát triển tốt hơn. Mai này tôi phải tìm một nghề khác để kiếm tiền nuôi con ăn học, bán hàng rong mãi cũng chẳng khá lên được”.

 

Gắn liền với những chuyến phà, ngoài hành khách và CB-CNV bến phà là hàng trăm người mưu sinh với đủ thứ nghề khác nhau ở đôi bờ. Những ngày này, việc buôn bán ở phà Khuể không còn nhộn nhịp như trước nữa. Nhiều hộ kinh doanh không lấy thêm hàng hóa mà cố bán cho hết những mặt hàng còn lại. Số người bán hàng rong cũng chỉ còn lác đác. Ngay cả bà lão hay xin ăn ở bến phà phía Tiên Lãng cũng không thấy đâu. Phải chăng, bà cũng đã chuyển địa điểm rồi!

Mặt trời đứng bóng, con sông Văn Úc hiền hòa uốn lượn đổ ra biển, hành khách trên phà đều hướng nhìn về phía thượng lưu chiêm ngưỡng vẻ đẹp sừng sững và hoành tráng của cầu Khuể sắp khánh thành nay mai. Từ đây, lịch sử  mảnh đất Tiên Lãng sẽ bước sang trang mới.

 

Phà cập bến, thay cho dòng người và xe cộ hối hả chen chúc lên bến ngày thường, ai cũng cố chậm lại để chụp vài kiểu ảnh, có hành khách lặng lẽ cất kỹ tấm vé qua phà vào ví để làm kỷ niệm vì biết đây có thể là lần cuối cùng họ được đi trên chuyến phà này. Một bến phà nổi tiếng sắp kết thúc sứ mệnh lịch sử. Rồi đây, cầu Khuể đi vào hoạt động, bến sông này không còn khách cần phà, đợi phà…và những lúc rồng rắn xếp hàng vì chờ phà! Tất cả đi vào quá khứ và trở thành hoài niệm...

 

Hải Nguyễn

Ảnh: Hoàng Phước

Đọc thêm