Là người đã diễn 300 xuất vở Lời thề thứ chín, nghệ sỹ ưu tú Đức Trung chia sẻ về sự nóng hổi, tính thời sự của Lời thề thứ chín cho tới hôm nay trong nỗi niềm thương nhớ kịch gia tài ba Lưu Quang Vũ…
|
Nghệ sỹ ưu tú Đức Trung |
- Thưa nghệ sỹ Đức Trung, Lưu Quang Vũ có nhiều vở kịch khác cùng đề tài này, nhưng theo ông tại sao Lời thề thứ chín lại “nóng hổi” tới vậy?
- Nếu coi vở Tôi và chúng ta ( tác giả Lưu Quang Vũ- PV) mang tính khái quát cao hơn nhưng tính sống động và sự hấp dẫn lôi cuốn của Lời thề thứ 9 lại có cái gì đó rất riêng. Đó là tình người, tức là giữa chiến sĩ con em của nhân dân đi bộ đội trở về để đòi những sự công bằng, công lý ở những nơi mà người dân đang bị áp chế. Đại diện tức là chủ tịch xã Quách Văn Tần với nhóm bộ đội được thưởng những ngày phép vì bắn giỏi nhưng họ lại không hưởng những ngày phép mà họ lại đi về địa phương có một đồng đội của mình ở đó mà cha mẹ bị chính những cường hào đó chèn ép. Họ về địa phương để đòi công lý cho người thân đồng đội của mình.
Trước những áp bức của những loại cường hào đội lốt lãnh đạo chính quyền địa phương. Nếu như chúng ta xem lại thì sẽ thấy bây giờ nó rất thích hợp với nhiều địa phương. Ví dụ như vụ Tiên Lãng, vụ Hưng Yên
Tôi lúc đó đóng vai chủ tịch tỉnh thì khi đến Nha Trang tôi mời hẳn ông chủ tịch tỉnh là ông Hoà đi xem. Ông chủ tịch tỉnh trong vở Lời thề thứ 9 là một ông tốt nhưng do quan liêu nên để nên những sự việc đáng tiếc. Mình cứ tưởng ông này xem, nghĩ đá gì chủ tịch tỉnh nhưng xem xong ông ấy cười bảo: hay lắm, tốt lắm. Đấy, chính những cái mình dù đụng chạm đến người ta, nếu đúng người ta vẫn thừa nhận, tốt thì tốt thật nhưng đôi khi quan liêu không nhìn nhận thấy những vấn đề của cấp dưới thì vẫn xảy ra những chuyện không ngờ. Cũng giống như bây giờ thôi, trung ương không chủ trương như thế nhưng mà Tiên Lãng, cán bộ chủ chốt làm như thế thì bây giờ Đảng, Trung Ương và tỉnh phải chịu trách nhiệm.
- Ông có nghĩ rằng nếu không phải Lời thề thứ 9, mình dựng lại cả sêri chính kịch của Lưu Quang Vũ thì tính thời sự của nó ra sao?
- Tôi sợ rằng làm những cái đó nếu mình làm không tới thì nó rất phí. Chứ còn thực ra thì trong một seri của Lưu Quang Vũ: Lời nói dối cuối cùng ( thằng Cuội) cũng là một vở hay, Mùa hạ cuối cùng nói về giáo dục cũng là một vở hay. Tôi nhớ tôi đóng hiệu trưởng trong đó cũng nói về bài vở, thi cử. Rồi thì vở gì, cũng nói về người lính trước chiến tranh và sau chiến tranh, có hai mảng vừa quân sự vừa kinh tế thời mở cửa.
|
Cảnh trong vở Lời thề thứ chín |
Vũ giỏi ở chỗ tiên đoán được tương lai nó sẽ thế. Tức là có dự báo kịch của Vũ đều có tính dự báo tương lai. Cho nên nó không mất đi, nó chỉ sống thời sự ở thời điểm nào. Tôi cũng chưa nói tới những vở mà Trung ương đã dựng như hồn trương ba da hàng thịt, Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Có thể nói Lưu Quang Vũ là tài năng xuất chúng. Vấn đề là chúng ta khai thác thế nào…
- Phải chăng tài năng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chính là tính dự báo cao và chất trẻ trung mang nhịp sống thời đại. Một vở kịch có sức hút như ma lực, từ người diễn cho đến người xem?
- Có thể nói vở Lời thề thứ chín vẫn còn tính nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp của nó trong thời điểm hiện tại, trước cuộc vận động thực hiện nghị quyết Trung ương 4, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì vở kịch “ Lời thề thứ 9 ” chưa thể đi vào dĩ vãng.
Sau đúng 24 năm, Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại, vẫn theo bản diễn của Đạo diễn Xuân Huyền, vẫn sắc sảo và hóm hỉnh, tôi tin rằng sẽ vẫn chinh phục được đông đảo khán giả, một lớp khán giả mới thông minh luôn trăn trở, khát khao về một xã hội công bằng, bức xúc với những bất công vô lý tràn lan đó đây, sẽ tìm được sự đồng cảm, qua những nhân vật trong “ Lời thề thứ 9 ”, đặng thêm dũng khí trong cuộc chiến chống lại những bất công, tham nhũng vì sự tiến bộ trong sạch xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
Miên Thảo ( t.h)