Ly hôn... vì con

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Dung, cô bạn làm chung cơ quan cũ. Không nghe Dung kể chuyện vợ chồng hục hặc gì cả, đùng một cái, Dung xin nghỉ phép để ra tòa ly hôn.
Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Dung, cô bạn làm chung cơ quan cũ. Không nghe Dung kể chuyện vợ chồng hục hặc gì cả, đùng một cái, Dung xin nghỉ phép để ra tòa ly hôn.

Nửa đường buông gánh

Dung kể: “Vợ chồng tôi không mâu thuẫn, xích mích, chỉ có điều anh ấy mê nhậu nhẹt. Mà đã nhậu rồi thì bất luận có tiền hay không cũng đều bao hết bạn bè. Đã không đưa tiền phụ giúp vợ, anh ấy còn bắt tôi trả nợ cho anh ấy. Các quán nhậu mà anh ấy ghi sổ lại đều là bà con xa gần bên chồng, làm sao tôi từ chối không trả được? Lại thêm ba má, anh chị ruột bên chồng "đế" vô, nói tôi mà để anh ấy thiếu nợ là làm mất mặt họ, gia đình anh xưa nay chưa thiếu nợ ai một xu nào!”.

Bạn bè hỏi sao không khuyên nhủ chồng, chị lại than: “Gia đình bên chồng tôi ở sát vách, hễ nghe tôi cằn nhằn chuyện anh ấy nhậu nhẹt nợ nần, đã không giúp khuyên giải thì thôi, còn kêu tôi ra rầy, nói đàn bà nhiều chuyện, chồng chỉ có nhậu thôi mà cũng kiếm chuyện với chồng”.
Nhiều phụ nữ lại sai lầm khi cho rằng phải níu kéo, chịu đựng mọi nỗi bất hạnh trong hôn nhân mới là “vì con”, mà quên rằng, đôi khi giải pháp ly hôn mới chính là “vì con” thật sự!
Thực lòng, Dung chưa nghĩ tới chuyện ly hôn, nhưng chị đã cố gắng hết cách, chồng chị vẫn chứng nào tật nấy. Đến ngày anh ấy gây ra một số nợ lớn, phải bán nhà để trả, chị đành ôm con về ngoại tá túc, lặng lẽ làm đơn ra tòa xin ly hôn. Chị đưa đơn cho chồng... Trong một cơn say, anh tự ái ký ngay, còn tuyên bố hùng hồn là chẳng cần vợ con. Vì sĩ diện, anh  làm như đã nói nên chị ly hôn nhanh chóng, dễ dàng.

Sau ly hôn, Dung làm việc vất vả để nuôi con trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học. Giờ chị đã nghỉ hưu, ở nhà giữ cháu ngoại. Dung nói: “Nếu tôi không mạnh dạn ly hôn, cứ phải đeo đẳng trả nợ nhậu nhẹt cho anh ấy hoài, chắc các con tôi không được học hành đến nơi đến chốn như bây giờ. Ngoài chuyện không có tiền học, chúng còn không có tâm trí đâu để học hành khi mỗi ngày thấy cha cứ nhậu say xỉn, gây nợ nần chồng chất”.

Chị Ngọc ở gần nhà tôi thì ôm con nhỏ mới ba tuổi bỏ nhà đi, sau đó mới làm thủ tục ly hôn vì bị chồng bạo hành. Lúc chị đi, ai cũng cho là chị dại, vì nhà chồng lắm tiền nhiều của. Nhưng chị nói: “Cha mẹ sinh tôi ra chưa đánh roi nào, mà chồng thì dợt nhừ tử, dù tôi có lỗi gì đâu?
Đã vậy, tôi còn phải hầu hạ anh ta hơn cả hầu cha mẹ của mình mà có gì không vừa ý là ăn đòn ngay. Anh ta đi chơi khuya về gọi cửa ầm ĩ, tôi ra mở, chỉ nói anh đừng kêu lớn làm phiền mọi người, là anh xáng cho một bạt tai. Sáng tôi bận chăm con nhỏ, không kịp pha cà phê, bị đánh! Biết ảnh đi hớt tóc thanh nữ, massage... tăng hai, tăng ba, tôi nói, còn bị đánh mạnh tay hơn... Nếu chẳng may vì chồng bạo hành mà tôi thương tật hay mất mạng, con tôi còn khổ hơn”.
Chị vừa kể, vừa chỉ cho tôi xem các vết sẹo ngang dọc trên người. Bên chồng dỗ ngon ngọt thế nào chị cũng dứt khoát không trở về. Gia đình bên chồng chia của, chồng chị ôm hết,  cưới vợ khác, không chia cho con chung với chị chút gì nhưng giờ đây, con gái chị đã là nhân viên tài chính ở một ngân hàng lớn. Chị cũng sống thoải mái với tiệm tạp hóa nhỏ. “Ra khỏi nhà chồng, tôi mới được sống như một con người. Từ khi làm vợ, tôi như trở thành nô lệ! Làm sao chịu đựng nổi suốt đời kiếp nô lệ đó?” - chị nói.

Khi khuyên chồng đến lần thứ ...n mà anh vẫn chưa bỏ thói trăng hoa, chị Kim Hiền chủ động ra tòa đơn phương ly dị. Anh không ký đơn, còn thề là không bao giờ bỏ vợ. Thật tình, anh cũng không muốn bỏ vợ, nhưng cùng lúc, vẫn muốn có thêm một người tình. Hễ chị ra tay dẹp được cô này thì cô khác lại xuất hiện. Cô nào cũng xinh, cũng được anh hứa hẹn chờ anh ly dị vợ rồi sẽ cưới. Có cô còn chủ động gặp riêng chị, hỏi xem khi nào chị với chồng ly dị!
Chị nói: “Tôi đâu phải là gỗ đá mà không biết ghen. Nhưng ghen riết mệt mỏi quá, tôi chỉ còn biết nhìn các cô tình nhân của chồng mà thương hại. Các con tôi đang tuổi lớn, nếu để chúng trưởng thành trong một gia đình như thế, chắc chúng sẽ bị lệch lạc nhân cách. Tôi phải ly dị để tổ chức lại cuộc sống cho mình và chuẩn bị tương lai cho các con”.

Nhiều người khuyên chị, anh có trăng hoa cỡ nào rồi lá cũng rụng về cội, nhưng chị khẳng định: “Sống mà chịu đựng, dày vò, ám ảnh hoài về chuyện chồng mình đang đi đâu, với ai, làm gì...; rồi thỉnh thoảng lại có người đến kiếm chuyện ngược lại với mình thì tôi chẳng tha thiết gì nữa. Không có anh ấy sẽ tốt cho mẹ con tôi hơn”. Giờ thì ba mẹ con chị đang êm ấm cùng nhau. Con trai chị đã tốt nghiệp đại học, đi làm cho một công ty nước ngoài; con gái vừa săn được học bổng toàn phần ở Úc, đang chuẩn bị hồ sơ du học.
Sau ly hôn họ sẽ bình tâm tĩnh trí mà lo mưu sinh, nuôi dạy con cái đàng hoàng hơn là tiếp tục chịu đựng một cuộc hôn nhân đầy bất trắc
 Sự lựa chọn hoàn hảo?
 
Chị Dung cười, khi nghe tôi hỏi liệu chuyện ly hôn ngày nào có phải là sự lựa chọn hoàn hảo không? Chị nói: “Khi rơi vào tình huống xấu, mình phải chọn cái nào ít xấu nhất. Ly hôn với tôi chưa bao giờ là giải pháp tốt đẹp, nhưng nó lại cho một kết quả tốt đẹp”. Chị Ngọc cũng cho biết, không hề ân hận vì đã chọn giải pháp ly hôn. Chị tâm sự: “Một mình nuôi con vất vả quá, có lúc tôi cũng rất tủi thân, nhưng nghĩ lại, nếu mình ráng sống chung với người chồng vũ phu đó, liệu giờ mình có còn sức khỏe để làm việc, vui chơi, hưởng thụ những niềm vui trong cuộc sống... như hiện tại không?".

Chị kể thêm: “Anh ấy đánh vợ quen tay, cô vợ sau cũng bị đánh bầm giập. Nghe người quen kể lại, tôi thấy tội cho cô ấy quá!”. Chị Hiền càng an  tâm hơn khi khẳng định: “Ly hôn với tôi là một quyết định sáng suốt và đúng đắn. Các con tôi giờ đã trưởng thành, cũng ủng hộ việc làm của mẹ. Chúng rất thất vọng về cha, khi thấy ông giờ đã ngoài 50 tuổi rồi mà vẫn... ngựa quen đường cũ, hết cô này đến cô kia. Con rơi, con rớt mấy đứa. Ít khi chúng nhắc đến cha, lại chẳng bao giờ dám giới thiệu với bạn bè người đó là cha mình...”.
Có thể nói, sự chủ động ly hôn kịp thời của người phụ nữ khi hôn nhân đã đứng bên bờ vực thẳm thường đem lại hiệu quả tích cực. Trước mắt là tự giải thoát cho bản thân họ, sau đó là họ sẽ bình tâm tĩnh trí mà lo mưu sinh, nuôi dạy con cái đàng hoàng hơn là tiếp tục chịu đựng một cuộc hôn nhân đầy bất trắc.

Hơn nữa, khi đã quyết định, họ thường có sự chuẩn bị tâm lý để chịu đựng và vượt qua biến cố, có một kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống đơn thân về mọi mặt. Vì vậy, họ sẽ có cuộc sống tốt hơn, con cái trưởng thành trong điều kiện thuận lợi hơn. Tiếc thay, nhiều phụ nữ lại sai lầm khi cho rằng phải níu kéo, chịu đựng mọi nỗi bất hạnh trong hôn nhân mới là “vì con”, mà quên rằng, đôi khi giải pháp ly hôn mới chính là “vì con” thật sự!

Theo Phụ Nữ

Đọc thêm