Cái chết của Larisa Zavadskaya làm toàn bộ nhân viên của nhà bảo tàng lớn nhất nước Nga ngỡ ngàng. Bà Larisa lên cơn đau tim và gục xuống chết tại chỗ khi cuộc kiểm kê tài sản phòng bảo quản hiện vật do bà chiụ trách nhiệm coi sóc vừa bắt đầu. Tuy nhiên, kết quả việc kiểm đếm lại khiến cả nước Nga sửng sốt: Kho hiện vật quý mà Bảo tàng Hermitage giao cho bà Larisa gìn giữ đã bị “bốc hơi” 224 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có tuổi đời hàng trăm năm và trị giá nhiều triệu đôla đã biến mất!
"Thiên thần hộ mệnh" của cổ vật?
Hầu như không đồng nghiệp nào của Larisa Zavadskaya tin rằng người phụ nữ niềm nở, làm việc chăm chỉ và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người ấy, lại là thủ phạm. Hầu như ai cũng yêu mến Larisa, người ta còn gọi bà là “Thiên thần hộ mệnh” của những tác phẩm nghệ thuật.
|
Một trong số các cổ vật bị mất |
Là người được giáo dục tử tế, thông minh lại khéo ứng xử nên bà luôn tránh để không bị cuốn vào những tranh chấp cãi vã, hơn thế lại còn trở thành “sứ giả” trung gian hòa giải mọi người. Khách tham quan bảo tàng, nhất là những phụ nữ đã đứng tuổi, rất ngưỡng mộ bà.
Sự thật chỉ được lôi ra ánh sáng sau khi Nikolai Zavadskyi - chồng của người quá cố - khai ra ngọn ngành sự việc.
Một con đường dài xuyên qua những năm khó khăn nhất của nước Nga sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ đã đẩy Larisa Zavadskaya đến chỗ phạm tội.
Tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Tổng hợp Leningrad (nay là Saint Petersburg) năm 1980, Larisa Zavadskaya loay hoay tìm việc. Trước khi học đại học, Larisa từng làm việc tại kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Khoa học Nghề cá, nơi bà gặp và yêu và rồi cưới chàng thanh niên Nicolai.
Đôi vợ chồng về ở chung với cha mẹ Nicolai trong một căn hộ tập thể có 3 phòng. Căn hộ chật chội cũ kỹ với những cuộc cãi cọ không dứt khiến. Lấy chồng vừa đầy năm, Larisa sinh con trai, đặt tên là Nicolai – một cậu bé ốm yếu được nuông chiều hết cỡ. Cuối những năm 1990, Nicolai “Con” đến tuổi vào đại học.
Larisa quanh năm suốt tháng mặc một bộ váy đi làm. Thế nhưng, con trai của Larisa không hào hứng chuyện học hành nên phải chuyển từ trường tư nọ qua trường tư kia mà kết qủa học tập thì vẫn lẹt đẹt.
Năm 1999, Larisa xin cho vào làm cùng mình, nhưng chẳng được bao lâu, cậu ấm bị tống khỏi Hermitage, rồi thất nghiệp triền miên.
Ngày trước, Larisa đến với Hermitage bằng một cơ hội rất bất ngờ. Sau 5 năm làm những việc lặt vặt, năm 1985 Larisa được phân về phòng tác phẩm nghệ thuật Nga và từ đây bà dần nổi tiếng, trở thành một “chuyên gia” nghệ thuật, đến nỗi sau khi bà chết, ban đầu người ta đã cho rằng không có ai đủ kinh nghiệm để thẩm định những tác phẩm bị đánh cắp được cảnh sát thu hồi là đồ thật hay đồ dỏm !
Tất cả mọi người đều khâm phục sự năng nổ của Larisa.
Tội lỗi đến từ sự nghèo khó
Năm 1993, trong một cuộc tán gẫu, phó giáo sư Nicolai Zavadskyi ca thán với một đồng nghiệp trẻ về cảnh thiếu hụt tiền nong trong gia đình.
Tuy mới tốt nghiệp đại học, lại là dân sử học con nhà nòi nhưng anh chàng đồng nghiệp - Ivan Sobolev - rất thành thạo chuyện mua bán “ba thứ đồ linh tinh”.
Sau này Nicolai “Cha” khai rằng khi hai vợ chồng mang tới cho Sobolev bức tranh thánh đầu tiên, họ nghĩ đấy là lần đầu và lần cuối làm việc này. Cảm giác là sợ hãi và xấu hổ. Nhưng sau đó, lại có thêm một lần nữa, rồi lại lần nữa… Riết rồi đâm quen, chẳng có gì phải sợ hãi hay xấu hổ, Larisa còn bảo chồng , bán thứ nào mà chả như nhau.
|
Nicolai Zavadskyi |
Ban đầu số tiền bán bức tranh thánh đó giúp vợ chồng Zavadskyi sống qua những năm tháng khó khăn nhất của kinh tế Nga sau khi nhà nước Xô Viết sụp đổ.
Ban đầu là vậy, nhưng sau đó thì nhu cầu vô tận của đời sống kéo vợ chồng Larisa đi xa hơn.
Là người khéo nói nên Larisa thuyết phục được cấp trên tin rằng càng ít người đi theo bà bước chân vào kho bảo quản thì chúng càng được an toàn. Cũng chính vì thế mà sau này, khi tổng kiểm kê kho bảo quản do Larisa coi sóc, người ta kinh ngạc về sự bừa bộn và bụi bặm của các hiện vật trong đó.
Vì thấy Larisa quá chăm chỉ cho nên cũng không ai ngạc nhiên khi bà thường xuyên xung phong trực vào ngày chủ nhật. Toàn bộ nhân viên của Hermitage đều phải chia ca trực vào những ngày lễ và chủ nhật mặc dù chẳng ai thích thú gì, ngoại trừ Laris Zavadskay.
|
Larisa Zavadskaya |
Còn nữa, trong những ca trực cuối tuần đó, không mấy người trong số nhân viên của Hermitage thích công việc “hạ cấp” là bưng bê các tác phẩm từ kho bảo quản ra phòng trưng bày và ngược lại, vì thế chồng của Larisa đâm ra được tiếng là thương vợ khi chủ nhật nào ông cũng đến bảo tàng giúp vợ làm cái việc nhiều người ngán ngẩm kia.
Người lạ như chồng của Larisa hẳn không dễ tự do ra vào cửa Hermitage, ông ta cũng bị khám xét người và đồ đạc nên khó có chuyện đút túi món này món nọ đem ra ngoài.
Thế nhưng như cuộc điều tra sau này cho thấy chính ông ta là người mang những tác phẩm bị đánh cắp đem đi bán. Nhà buôn luôn muốn tự chọn món hàng mình muốn có để đi bán.
Như thường lệ, Nicolai Zavadkyi sẽ đem bán những món đồ vợ đưa với giá rẻ như bèo, thường thì thấp hơn vài chục lần so với giá trị thật.
Vợ chồng Zavadskyi không đếm và cũng không nhớ đã bao lần đánh cắp và đem bán những báu vật trong kho của Hermitage vì thế nhiều người cho rằng có thể con số 221 cổ vật bị thiếu hụt kia chẳng phải lỗi của một mình Larisa.
Một câu hỏi của luật sư bảo vệ cho Nicolai Zavadskyi vẫn còn chưa được trả lời : Gia đình Zavadskyi dùng tiền phạm pháp làm gì ? Họ còn dấu chúng ở đâu? Cho đến lúc chết, Larisa vẫn tằn tiện “vắt cổ chày ra nước” như các đồng nghiệp mô tả.
Gia đình Zavadskyi lúc nào cũng có vẻ túng thiếu. Chị của Larisa kể sau cái chết của em gái , ông em rể thường “giật tạm của chị ít tiền” nhưng chẳng thấy trả. Lần cuối mượn 3.000 rúp diễn ra 2 ngày sau khi phát hiện kho bảo quản của vợ mình bị mất mát. Cho đến khi ra tù (Nicolai bị tuyên án 5 năm tù vào năm 2007), Nicolai Zavadskyi vẫn chưa có tiền để dựng cho vợ cây thánh giá trên mộ, bà chị gái của Larisa phải đứng ra lo việc này.
Mặc dù Nicolai thừa nhận 70 tấm giấy biên nhận của các cửa hàng đồ cũ nhưng xem ra con số này còn xa mới đến mức 221 món đồ bị mất.
Luật sư của Nicolai nói khi khám nhà cảnh sát chỉ lấy được 3 biên nhận gốc. Bản án kết luận Nicolai Zavadskyi đánh cắp 77 món cổ vật. Phần hụt còn lại, Nicolai đổ cho vợ tự đem đi bán.
Báo Tin tức Nga thời đó từng nêu nghi vấn là đợt tổng kiểm kê tài sản của Hermitage hồi năm 2006 ghi nhận một đồng nghiệp của Larisa Zavadskaya cũng để “mất” 30 món cổ vật nhưng nó dường như đã bị quy cho người đã chết.
Ai đã lôi khỏi nhà bảo tàng Nga cổ kính này những thứ mà vợ chồng Zavadkyi chưa kịp làm ? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngọc Anh