Mắc 6 căn bệnh ung thư vẫn đạp xe xuyên Việt

Đang mang trong mình 6 căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cô Huỳnh Thị Kiều Thu (số 49/72A, Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn ước ao thực hiện hành trình đi xe đạp xuyên Việt lần thứ 6 (tháng 7/2010) trước khi chấm dứt duyên nợ với cuộc đời.

Đang mang trong mình 6 căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cô Huỳnh Thị Kiều Thu (số 49/72A, Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn ước ao thực hiện hành trình đi xe đạp xuyên Việt lần thứ 6 (tháng 7/2010) trước khi chấm dứt duyên nợ với cuộc đời.

Năm nay 59 tuổi, 3/4 quãng đời đã qua của cô là chuỗi ngày cố gắng không biết mệt mỏi để lật ngược dấu chấm than (!), với niềm tin: "Rồi ngày mai trời sẽ sáng!"

Một cơ thể - 6 căn bệnh ung thư

Cầm máy ảnh lên, phải cố gắng lắm tôi mới chụp được những tấm hình về cô. Phần ngực, phần dưới cánh tay, khớp háng…của cô dày đặc những vết thương đang chảy mủ, rỉ máu.

Trên người cô là 4-5 vỏ các loại chai nhựa lớn, nhỏ được dùng để ngăn cách giữa các vùng da với nhau nhằm giảm sự cọ xát làm đau đớn. Để có thể ngồi dậy, phải có tới hai người vừa đỡ vừa xoa. Nhưng chỉ ngồi được vài phút, cô lại muốn nằm xuống… Lúc nằm cũng như ngồi, những chiếc chai nhựa luôn là những vật bất ly thân.
Mô tả ảnh.
Hàng chục năm qua, cuộc sống của cô Kiều Thu là cuộc chiến với những căn bệnh ung thư quái ác. Ảnh: Phan Tú

Đã 4 tháng nay, những tế bào ung thư lan tỏa và tấn công cơ thể cô Kiều Thu mạnh mẽ, dữ dội hơn…Toàn thân đau nhức khiến cô thậm chí không thể đi lại và nằm giường được. Bởi vậy, xung quanh chỗ cô nằm có hầu như tất cả những vật dụng cần thiết như bát đũa, ly uống nước, dao kéo, thau chậu, áo quần, thuốc uống, sữa…Căn nhà 60m2 được thu nhỏ xung quanh chiếc võng cô nằm.

Nhiều năm qua, cuộc sống của cô Kiều Thu là cuộc chiến với những căn bệnh ung thư quái ác. Hiện, cô đang mang trong mình 6 căn bệnh ung thư: ung thư vú, ung thư ức, ung thư khớp gối, ung thư khớp háng, ung thư xương sọ, ung thư phổi. Tất cả đều đang ở giai đoạn cuối.

Không có gia đình riêng, mỗi ngày của cô còn là cuộc chiến với sự cô đơn. Dẫu vậy, cô chưa bao giờ chán nản trong cuộc sống: “Tôi tính: mỗi ngày, nếu đã chịu đựng được 5-7 tiếng rồi thì tôi sẽ cố gắng sống tiếp thời gian còn lại trong ngày để không phí hoài 5-7 tiếng kia”- cô Thu nói. Cứ thế, mỗi ngày của cô trôi qua với những nỗ lực, những khát khao mãnh liệt được sống, được chiến đấu với cái chết đang sinh sôi, nảy nở trong cơ thể mình.

Ngày 27/4/2010, cô Kiều Thu đã cố gắng đứng dậy sau hơn 3 tháng nằm liệt. Để chống chọi những nỗi đau không ngừng dày vò cơ thể, mỗi ngày cô uống 2 viên morphine-loại thuốc giảm đau cực mạnh giành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Và lại dắt xe đạp ra ngõ tập nhưng chỉ được 5-7 phút, rồi cô lại lả người đi. Đau nhức, chảy máu, rỉ mủ..., thân hình cô đang tiều tụy từng giờ, nhưng quyết tâm trong cô chưa bao giờ vơi đi.

Cô ước ao sẽ thực hiện chuyến xuyên Việt có lẽ sẽ là lần cuối cùng của cuộc đời mình, vào ngày 12/7/2010 cùng một nhóm tình nguyện viên.

Nỗi đau chồng chất

Trước đó, từ năm 2004- 2008, cô Kiều Thu đã thực hiện đến 5 chuyến xe đạp xuyên Việt. Đi suốt những hành trình ấy, với cô là nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá và cả những nỗi đau đớn đến tận cùng…13 tuổi, cô vào lính biệt động đến 17 tuổi thì bị bắt. Ra tù năm 1974 khi mới 23 tuổi, cô đã gần như trở thành người tàn phế với một vú bên trái bị cắt bỏ, chân trái, tay trái bị liệt hoàn toàn.

Từ đó, song song với những năm tháng đi học bổ túc văn hóa của cô là những chặng đường dài tới các bệnh viện ở TP.HCM chữa bệnh. Năm 1985, khi bệnh tình đã phần nào thuyên giảm, cô được phân về Phòng truyền thống, UBND Quận 3. Trong suốt những tháng năm đó, ước muốn lớn nhất của cô là được ra Thủ đô thăm lăng Bác Hồ.

Chưa kịp thực hiện ước mơ, năm 1995, cô phát hiện bị ung thư vú giai đoạn cuối. Sau hai cuộc phẫu thuật, vòng ngực của cô không còn. “Biết mình bị ung thư, tôi bàng hoàng một thời gian. Nhưng rồi tôi nghĩ: Mình đã chịu khổ nhiều rồi, giờ thêm một chút khổ nữa cũng chẳng sao”. Hai buồng trứng của cô sau đó cũng được cắt bỏ để tránh di căn.

Sau biến động lớn, sức khỏe của cô dần trở lại bình thường. Bắt đầu từ năm 2002, căn bệnh ung thư trở lại nặng nề hơn. Mức độ di căn của nó khủng khiếp đến mức cứ mỗi năm, cô lại mang thêm trong mình một mầm chết.

Cũng có những lúc tôi cảm thấy cuộc sống thật tồi tệ, nhưng ý nghĩ đó lại nhanh chóng bị gạt đi. Cố gắng lên! Rồi lại bắt đầu một ngày mới! - Tôi luôn tự nhủ với mình”, cô nói.

Một ý nghĩ nảy ra trong cô vào những ngày tháng chống chọi với những cái chết: “Tại sao không ra Thủ đô thăm lăng Bác bằng xe đạp vừa để rèn sức khỏe, vừa có cơ hội gặp gỡ với bà con khắp mọi miền?”.

Những dấu chấm than ngược

Dù bị người thân, bạn bè can ngăn, tháng 5/2004, cô Kiều Thu vẫn quyết tâm một mình thực hiện hành trình. Chiếc xe đạp được thiết kế lại với 4 phanh: 1 chiếc ở gần bàn đạp phải, 1 dưới yên xe, còn chiếc bên tay trái được chuyển sang tay phải. Gác- đơ- bu được lót một tấm mút dày. Trên chiếc xe ấy chất nhiều thứ lỉnh kỉnh như bếp, xoong nồi, chén bát, bánh mì…
Cô ngồi đạp xe ở gác- đơ- bu, tay trái để trên yên, chân trái duỗi thẳng chạm hờ vào bàn đạp. Tất cả sức lực được cô dồn nén vào tay và chân phải dù cả hai luôn trong tình trạng sưng tấy, phù nề. “Có nên quay về nửa chừng không?”, “Nếu biết trước khó khăn thế này, mình có đi không?”… suốt cuộc hành trình, nhiều câu hỏi nảy ra trong đầu cô nhưng lại được gạt bỏ ngay sau đó.“Có những lúc bị mất cắp hết đồ đạc, bị xe khác va quẹt, thậm chí có những lúc kiệt sức…song chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ bỏ dở, càng không có ý nghĩ sẽ ngã gục giữa chừng”, cô kể. Cuộc hành trình được cô Kiều Thu thực hiện vào ban đêm bởi ánh nắng mặt trời chiếu vào vết thương sẽ gây đau đớn. Sau 45 đêm, cô đã ra tới Hà Nội. Cũng với những quyết tâm đó, từ đó đến cuối năm 2008, cô còn thực hiện thêm 4 cuộc hành trình nữa. Bệnh tật mỗi ngày một nặng, các cuộc hành trình ngày một gian nan hơn, song, niềm tin, quyết tâm của cô vẫn vững như những ngày đầu tiên. “Mỗi lần ra đến Hà Nội, vào thăm lăng Bác, tôi như được tiếp thêm nguồn sinh lực lớn lao, giúp sống vui khỏe mỗi ngày”- cô Kiều Thu bày tỏ. Qua mỗi một chặng đường, cuốn sổ nhật ký luôn là một trong những người bạn thân thiết của cô. Những buồn, vui, gian nan, những người tốt, những cuộc gặp gỡ…, tất cả đều được cô ghi lại. Nhưng cuối mỗi câu, thay vì dấu chấm thông thường, cô lại viết dấu chấm than ngược.Khi quá buồn, thường người ta sẽ viết những câu có dấu chấm than. Tôi đảo ngược nó vì luôn nghĩ không phải cuộc đời mình không buồn mà rất vui”, cô lý giải về những dấu câu đặc biệt của mình.“Mong ước lớn nhất của tôi là được thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt lần thứ 6, và có lẽ là lần cuối trong đời”, cô nói, giọng đứt quãng từng hồi nhưng ánh mắt sáng và nụ cười luôn thường trực.
Sức mạnh con người thăng hoa ở Kiều Thu

Thần chết giật mình đánh rơi số mạng

Ta hiểu vì sao đòn khảo tra súng đạn

Không lung lay, khuất phục một con người
...
(Nguyễn Ngọc Cơ, cán bộ Ban dân vận Thành ủy TP.HCM)    
Theo Phan Tú
Khoa học đời sống online

Đọc thêm