Lạng Sơn là một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, cách Thủ đô Hà Nội hơn 150km, được mệnh danh là “mảnh đất văn hóa ẩm thực”. Nếu đã từng đến với Lạng Sơn, từng thưởng thức ẩm thực của nơi đây, đặc biệt là các đặc sản của người dân tộc Tày, Nùng như: Lợn quay, vịt quay, khâu nhục,… chắc chắn bạn sẽ không thể quên hương vị đậm đà của những món ăn này. Tất cả đều được tẩm ướp kì công từ rất nhiều gia vị cầu kì, và không thể không có mắc mật.
Mắc mật Lạng Sơn
Mắc mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng của người dân nơi đây, có nghĩa là quả ngọt. Quả mắc mật có hình dáng và vị gần giống như quả hồng bì. Mắc mật thuộc loại cây gỗ nhỏ, thích hợp sinh trưởng ở nơi có điều kiện khí hậu ôn hoà. Cây ra hoa từ tháng 4 đến tháng 5, quả chín từ tháng 7 đến tháng 8. Khi chín quả mắc mật gần giống như quả hồng bì, có màu trắng vàng nhạt hoặc trắng trong, vỏ mịn, sẽ nhìn thấy các đường vân và chứa từ 1 đến 2 hạt. Nếu có cơ hội được trải nghiệm, vào mùa quả mắc mật chín, đứng dưới gốc cây để cảm nhận mùi thơm dịu nhẹ, ngây ngất, ngắm nhìn những chùm quả chín mọng, nổi bật sau những tán lá xanh mướt thì thật là điều thú vị.
Mắc mật Lạng Sơn – bí quyết tạo nên văn hóa ẩm thực Xứ Lạng. |
Bên cạnh đó, về góc độ đông y, lá mắc mật có tác dụng lợi mật, bảo vệ gan, kích thích tiêu hóa. Lá và rễ cây mắc mật được dùng làm nguyên liệu trong đông y. Tinh dầu quả mắc mật có tác dụng giảm đau, bảo vệ gan, là nguyên liệu để làm thuốc.
Mắc mật tạo nên đặc trưng ẩm thực Xứ Lạng
Tại các vùng quê Lạng Sơn, không khó để bắt gặp những cây mắc mật được trồng tại sân vườn, ngay kế bên ngôi nhà người dân sinh sống. Có lẽ vì thế mà loại cây này trở thành cái tên quen thuộc, góp mặt trong các món ăn truyền thống của người dân Xứ Lạng.
Mắc mật không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến vị ngon của món ăn, nhưng lại là thành phần cực kì quan trọng tạo nên sự khác biệt của ẩm thực Xứ Lạng. Những món ăn có sử dụng các thành phần của cây mắc mật đều trở thành đặc sản của vùng đất này. Sở dĩ là vậy, vì mùi thơm, vị cay nhẹ của lá mắc mật và vị ngon đặc biệt của quả mắc mật tạo nên nét đặc trưng trong ẩm thực Lạng Sơn, rất khó gặp ở các vùng khác.
Lợn quay mắc mật - đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn |
Lá, quả và hạt mắc mật đều được sử dụng để làm nguyên liệu và gia vị một cách tinh tế. Cách mà người Lạng Sơn dùng mắc mật để tạo nên hương vị trong các món ăn tưởng chừng như đơn giản, nhưng rất đỗi cầu kỳ. Hương vị thơm ngon của mắc mật vô cùng tự nhiên, vì thế nên mùi thơm và vị chua ngọt thanh thanh của mắc mật khi được dùng làm hương liệu trong các món ăn, tạo được vị đậm đà, khiến người thưởng thức phải lưu giữ mãi.
Tuy nhiên, không phải cứ có mắc mật thì món ăn đó sẽ ngon, mà còn phụ thuộc vào tay nghề và công thức nấu gia truyền của người dân nơi đây. Nhưng đã gọi là đặc sản Lạng Sơn thì chắc chắn đều có mắc mật. Những món ăn đó giống như một thứ “bùa mê” khiến người ăn phải tấm tắc khen ngon và không thể quên được hương vị đậm đà của nó. Lợn quay mắc mật, vịt quay mắc mật, khâu nhục,… chỉ khi được thưởng thức những món ăn này tại Lạng Sơn, mới thật sự cảm nhận được hết hương vị thơm ngon, đậm đà, đậm chất dân dã và hương quê.
Mắc mật Lạng Sơn – tinh hoa của ẩm thực Xứ Lạng |
Nhiều người thắc mắc, vì sao ẩm thực Lạng Sơn lại gắn liền với cái tên mắc mật như vậy? Nếu thiếu mắc mật thì lợn quay, vịt quay có còn ngon nữa không? Chỉ biết, các món ăn đặc sản Lạng Sơn thì phải có mắc mật. Còn mắc mật chắc chắn sẽ có ở Lạng Sơn. Có lẽ rằng, mắc mật chính là sự tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho văn hóa ẩm thực của Xứ Lạng.
Tại Lạng Sơn, trong các dịp quan trọng như ngày lễ, Tết, trong các mâm cỗ hoặc khi đãi khách đến chơi… chắc chắn không thể thiếu những món ăn có sự kết hợp của mắc mật, đó như một nét văn hóa ẩm thực truyền thống được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Nếu vẫn chưa có cơ hội thưởng thức ẩm thực Lạng Sơn, đặc biệt là các món ăn có mắc mật thì đừng lỡ hẹn với vùng quê biên giới này. Chắc chắn bạn sẽ bị cuốn hút bởi hương vị hấp dẫn từ mắc mật và các món ăn nơi đây.