Bộ luật Dân sự (BLDS)Việt Nam xây dựng các quy định cho nhiều hình thức sở hữu khác nhau, làm cho chế độ sở hữu tư nhân trong thực tiễn không đủ cơ sở để vận hành. Một trong những ví dụ tiêu biểu chính là tình trạng của sở hữu chung cư.
BLDS năm 2005 chỉ dành đúng một điều luật – Điều 225 - để nói về sở hữu chung cư. Vì vậy, Điều 70 Luật Nhà ở năm 2006 đã nhấn mạnh: “Nhà chung cư có phần sở hữu riêng của từng hộ gia đình, cá nhân và phần sở hữu chung của tất cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà chung cư”.
|
Chung cư là loại hình sở hữu mập mờ? Ảnh minh họa nguồn Internet |
Theo TS Nguyễn Ngọc Điện (Đại học Quốc gia TP.HCM), với chức năng của luật chung, BLDS không làm rõ bản chất của sở hữu chung cư bằng cách quy định mang tính nguyên tắc, làm cho trong luật riêng, chung cư trở thành một loại hình sở hữu mập mờ. Còn quy định của Luật Nhà ở càng cho thấy sự đầu tư chưa đúng mức công sức của nhà làm luật trong việc xác định bản chất đích thực của chung cư về phương diện pháp luật sở hữu.
Đáng chú ý là có những phần tài sản thuộc chung cư được nhà đầu tư giữ lại vốn là những tài sản mà khi sống trong chung cư, người ta buộc phải sử dụng, chứ không có sự lựa chọn khác như bãi, nhà để xe. Nếu tuân thủ đúng các quy định của Điều 225 BLDS, khoản 3 Điều 70 Luật Nhà ở và điểm b, khoản 3 Điều 22 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, nơi để xe phải là phần diện tích dùng chung, không thể là sở hữu riêng của chủ đầu tư.
“Đáng tiếc là các cơ quan chức năng không khẳng định rõ điều này để bảo vệ quyền lợi của những hộ sở hữu căn hộ chung cư” - Chủ tịch Cty Luật Basico Trương Thanh Đức nói. Còn theo ông Điện, để có thể sử dụng những loại tài sản đó, chủ căn hộ phải thương lượng với chủ đầu tư về việc thuê lại và thường phải “gánh” những điều khoản bất lợi về giá thuê, phương thức thanh toán…
“Trong không ít trường hợp, sự lạm dụng vị trí kẻ mạnh của người cho thuê vượt quá sức chịu đựng của người thuê dẫn đến xung đột xã hội gay gắt mà nhà chức trách cho đến nay vẫn đau đầu tìm kiếm lời giải nhưng chưa thành công”, ông Điện đúc rút…
Theo nguyên lý của thể chế pháp lý cho nền kinh tế thị trường, BLDS phải thể hiện quan điểm chiến lược, nhất quán của Nhà nước trong tôn trọng và bảo đảm “tính tuyệt đối của quyền sở hữu”. Việc thụ hưởng nguyên lý này giữa các chủ thể luật tư là bình đẳng như nhau, không phụ thuộc chủ thể là cá nhân hay tổ chức.
Bởi vậy, nhìn nhận về BLDS năm 2005, tại tọa đàm đánh giá 5 năm thi hành BLDS do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua - 29/9 với sự hỗ trợ của Dự án Jica, ông Nguyễn Hồng Hải (Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế) thẳng thắn đánh giá: “BLDS năm 2005 dường như đã đi ngược với nguyên lý trên, khi quy định hình thức sở hữu với nhiều dấu ấn của sở hữu chính trị nhiều hơn là sở hữu của nền kinh tế thị trường (sở hữu được quy định để phục vụ cho giao lưu dân sự, thương mại)”.
Hoàng Thư