Masan đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng Tổ hợp chế biến Thịt sạch

(PLO) - Với mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng cả nước sản phẩm thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn, sáng nay (4/2/2018), Tập đoàn Masan đã tiến hành động thổ khởi công Dự án Tổ hợp Chế biến Thịt tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV (huyện Kim Bảng, Hà Nam).
Lễ động thổ Dự án Tổ hợp Chế biến Thịt sạch tại Hà Nam
Lễ động thổ Dự án Tổ hợp Chế biến Thịt sạch tại Hà Nam

Dự án có công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; được thực hiện trên diện tích khoảng 10ha.

Phát biểu tại lễ động thổ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đang yếu khâu chế biến và tổ chức thị trường. Bằng chứng rõ nhất là việc khủng hoảng giá heo bắt đầu vào khoảng tháng tư năm ngoái, có nguyên nhân do dư thừa số đàn heo thịt. “Việc Masan xây dựng dự án chế biến thịt theo công nghệ cao, cho ra sản phẩm sạch là việc rất tích cực; giúp khắc phục những yếu kém của ngành hàng này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, đồng thời đề nghị tỉnh Hà Nam tạo điều kiện để Masan thực hiện dự án đúng lộ trình, cuối năm nay có sản phẩm cung cấp cho thị trường như dự định.

Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết: “Ở Masan, chúng tôi cũng tin rằng, người tiêu dùng Việt Nam xứng đáng và có quyền được hưởng các sản phẩm thịt có tiêu chuẩn ngang bằng với những tiêu chuẩn cao nhất mà thế giới có. Với lí do đó, Masan đã dồn sự nỗ lực của mình để phụng sự cho 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam được hưởng những sản phẩm tiêu chuẩn thế giới”.

Văn nghệ chào mừng buổi lễ động thổ
Văn nghệ chào mừng buổi lễ động thổ

Hiện nay Masan có hơn 10 nhà máy sản xuất cám chăn nuôi, với thương hiệu nổi tiếng Bio-zeem, giữ 35% thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo trong cả nước. Cuối năm 2017, nhà máy chăn nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An đi vào hoạt động, công suất 230.000 con heo/năm. Với việc xây dựng tổ hợp chế biến thịt ở Hà Nam, Masan là công ty Việt Nam đầu tiên trong ngành thịt xây dựng thành công mô hình khép kín 3F – từ trang trại đến bàn ăn. Dự kiến, cuối năm 2018, sản phẩm thịt tại dự án này sẽ được cung cấp cho thị trường.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (trái) và Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (trái) và Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Nhà máy Tổ hợp Chế biến thịt tại Hà Nam được chuyển giao công nghệ từ Đan Mạch. Các thiết bị, dụng cụ, vật liệu tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trong quá trình sản xuất đều tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA). Quy trình này sẽ cung cấp cho thị trường sản phẩm Thịt mát.

“Sản phẩm này chưa có mặt tại thị trường Việt Nam”, ông Quang nói và cho biết thịt được lưu trữ và phân phối trong hệ thống kho, vận chuyển đều ở nhiệt độ lạnh 0-4 độ C. Điều này hạn chế vi sinh vật phát triển và giữ hương vị tự nhiên, tươi ngon cho sản phẩm.

Để đảm bảo nguồn cung cấp heo cho nhà máy, Masan sẽ phối hợp với tỉnh Hà Nam mở rộng mô hình chăn nuôi thịt heo kiểu mẫu tại huyện Bình Lục và các vùng lân cận.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, dự án sản xuất thịt sạch với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng của Masan có ý nghĩa lớn về kinh tế xã hội không chỉ đối với Hà Nam mà cả vùng Đồng bằng Sông Hồng. Dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đồng thời mở ra cánh cửa làm giàu cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tại địa phương./.

Đọc thêm