Mất Tết vì quà cho nội ngoại

Tết đến, con cái thường mua quà để biếu bố mẹ để bày tỏ sự biết ơn của mình đối với đấng sinh thành. Nhưng nhiều khi, vì quà Tết mà bố mẹ mất Tết vì cách cư xử không khéo của con.

Tết đến, con cái thường mua quà để biếu bố mẹ để bày tỏ sự biết ơn của mình đối với đấng sinh thành. Nhưng nhiều khi, vì quà Tết mà bố mẹ mất Tết vì cách cư xử không khéo của con.

Hình minh họa
Hình minh họa

* Chị Vân làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội. Lần đầu tiên nhận đồng tiền thưởng Tết, nghĩ lại phận con gái “bé thì ăn hại, lớn thời bay đi”, chị muốn mua một món quà có giá trị biếu bố mẹ.

Chị nghĩ ngay đến việc mua một chiếc ti vi. Nhà chị bao năm rồi vẫn chỉ rột rẹt xem cái tivi màu vỏ đỏ cũ rích, mà đồng nát từ thời chị còn học cấp 3.  Ngặt một nỗi, kinh tế gia đình hai vợ chồng mới cưới cũng không dư giả gì, lại thêm chuyện quà Tết cho bố mẹ chồng.

Ngẫm đi ngẫm lại, chị quyết định khai hụt tiền thưởng Tết, giấu chồng việc mua Ti vi cho bố mẹ đẻ, chỉ công khai hai giỏ bánh mứt bằng nhau chằn chặn giành để báo hiếu tứ thân phụ mẫu.

Ấy vậy nhưng chẳng biết bằng cách nào, chồng chị Vân lại biết được số tiền công ty vợ thưởng Tết, chưa tìm được nguyên nhân của sự hao hụt thì đúng hôm về nhà bố vợ lễ Tết, anh nhìn thấy chiếc ti vi mới cóng, có giá đúng bằng số tiền hao hụt trong khoản thưởng Tết của vợ.

Nghĩ đến giỏ quà bé tí mà bố mẹ anh nâng niu khi nhận từ tay con dâu cung kính biếu, máu anh như dồn hết lên mặt. Không kìm nổi sự ích kỷ, nóng giận, anh căn vặn vợ ngay trước mặt bố mẹ vợ. Mặc dù chị Vân cố lẩn tránh nhưng không chỉ cái Tết đó, mà mãi về sau, cái tivi như một thứ “của nợ” trong ngôi nhà của bố mẹ chị.

* Ngược lại với tính ích kỷ của chồng chị Vân, anh Cường lại làm mất Tết bởi sự rộng rãi của mình. Năm đầu tiên làm rể, cũng là năm đầu tiên anh Cường đi làm và được nhận quà Tết của cơ quan. Cùng với tiền thưởng, cơ quan anh còn cho nhân viên một thùng bia để vui Tết. Nghĩ bố mình già, không quen uống bia, trong khi đó ông bố vợ vốn là dân Tây học chỉ khoái loại nước có men kỳ lạ này.

Không đắn đo, anh mang ngay thùng bia đến biếu bố vợ. Chuyện Cường đem cả thùng bia đến biếu bố vợ chả mấy chốc mà đến tai ông bố đẻ của Cường. Ngày 30 Tết, ông nổi trận nôi đình, chửi mắng thằng con bất hiếu, than trời rằng nuôi con công cốc.

Hết ngày 30, hết cả 3 ngày Tết, dù vợ chồng Cường có chất đống bia trong góc nhà, năn nỉ van xin, những cốc bia rót ra đầy tràn rồi lại đổ đi, vẫn không làm cho ông cụ vui vẻ. Tết ấy, hai bên thông gia cũng chẳng lỡ đến thăm nhau khi giữa họ là những chai bia khai nồng, đắng ngắt.

* Cũng có khi, Tết mất vui chỉ vì chuyện mừng tuổi cho con trẻ như nhà chị Loan. Về làm dâu nhà anh Dũng, điều làm chị Loan bối rối nhất là làm sao nhớ nổi tên của gần 20 đứa cháu gọi là mợ, con của các bà chị gái chồng.

Tết đến, chị cố gắng thật chú ý để không mừng tuổi sót đứa cháu nào. Trong lúc người nhà quê chỉ mừng tuổi cho trẻ con 5000đ, 10.000đ, con chị cũng chỉ nhận được như thế từ các cô, bác bên nội,  chị hào phóng cho đều cháu lớn cháu bé mỗi đứa một tờ polime mệnh giá 20.000đ

Khác với bên nội, anh em bên ngoại nhà chị ít người, lại hầu hết đều có lương, đồng ra đồng vào dễ dàng hơn, bác nào cũng mừng tuổi cho cún con nhà chị những tờ 100.000đ, 200.000đ, thậm chí là 500.000đ mới cóng. Của cho là của gửi, chị nghĩ vậy và mừng tuổi lại cho các cháu mình, nhưng cũng chỉ dám cho đứa 100.000, đứa 200.000 tuỳ theo độ tuổi lớn bé.

Chẳng biết anh Dũng có biết được chị Loan đang làm việc trả nợ cho con không, nhưng anh chỉ nghĩ rằng vợ mình “nhất bên trọng nhất bên khinh”.

Mỗi lần vợ lấy tiền ra mừng tuổi là một lần anh sa sầm nét mặt. Người lớn bên nhà chị Loan thấy hết được thái độ của anh Dũng, nhưng chẳng lẽ lại bảo trẻ con trả lại dì tiền mừng tuổi, làm thế thì còn gì là Tết. Họ đành im lặng để xong việc, nhưng cái Tết trôi qua cũng thật buồn tẻ sau màn mừng tuổi tưởng như vui nhộn nhất trong ngày đầu năm mới.   

Nhật Thanh

Đọc thêm