Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, đáng ra bà Nguyễn Thị Yến (94 tuổi, ngụ xóm Bình Khang, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) được vui vầy bên con cháu, an hưởng những tháng ngày nhàn nhã. Vậy mà, hằng ngày cụ vẫn phải ra đồng trồng rau, chăn gà để lo bữa ăn cho hai mẹ con. Lúc nào người phụ nữ này cũng trăn trở: “Nếu tôi chết, không biết ai sẽ thay tôi trả nợ cho con gái”.
Bà Yến bên căn nhà được xây dựng năm 2010 |
Mẹ 94 tuổi chăm con 53 tuổi
Phía sau căn nhà rộng chừng gần 20m2, một người phụ nữ đã luống tuổi nhìn khách như sợ sệt rồi lủi mất. Tiếng người hàng xóm vang lên: “Anh tìm ai, tìm bà Yến thì bà cụ ở ngoài đồng kia kìa”.
Biết có khách, bà Yến vội về nhà. Quãng đường chỉ dài vài chục mét nhưng vì lưng đã còng hẳn xuống, bà đi lại có phần khó nhọc, mặt lúc nào cũng cúi sát đất. Khách chạy ra dìu bà cụ vào nhưng mất một lúc lâu mới về tới nhà.
Bà cụ hồ hởi mời khách vào nhà uống nước rồi gọi to: “Cần ơi, Cần ơi” thì người phụ nữ luống tuổi ban nãy mới bẽn lẽn chạy từ phía đồi chè về nhà. Đó chính là người con gái út Nguyễn Thị Cần (53 tuổi) của cụ Yến.
Nhìn cô con gái đi vào bếp sắp nước, bà cụ Yến nói oang oang như sợ người đối diện không nghe thấy: “Đó là con gái tôi đấy. Nhưng nó không may bị ngớ ngẩn nên thành ra ngại với người lạ. Chắc lúc các anh vào, nó sợ nên không dám ra tiếp. Từ ngày bố và chị gái nó mất đi, nó cứ tha thẩn như vậy suốt ngày. Có hôm nó còn bỏ đi lang thang làm tôi tìm kiếm đến mệt. Gia cảnh nghèo khó, cả hai mẹ con lại hay ốm đau bệnh tật nên nhiều lúc không biết phải trông vào đâu”.
Trong ngôi nhà bé nhỏ đơn sơ không có lấy một vật dụng giá trị. Đây là căn nhà tình nghĩa mà chính quyền xã đã xây cho bà Yến. Ngoài số tiền 8 triệu đồng được nhà nước trợ cấp, bà Yến được vay ưu đãi 8 triệu nữa không tính lãi để làm nhà. Toàn bộ công thợ được người dân trong xã ủng hộ.
Tuy nhiên, có nhà mới vui thì vui đấy nhưng bà Yến lại gánh thêm một khoản nợ: “Từ ngày có cái nhà này (hoàn thành năm 2010–PV), gió mưa không còn hắt vào như cái lều tranh trước đây nữa, nhưng mà vay tiền nhà nước rồi, phải trả chứ làm sao xin không được. Giờ tôi lo cái ăn hàng ngày cho hai mẹ con cũng khó, sợ sắp tới chả có tiền mà trả nợ nữa”.
Bà Yến một mình ngày đêm chăm sóc cô con gái ngớ ngẩn, có khi cả ngày chả nói một lời hơn bốn mươi năm qua.
Lặng người một lúc, bà Yến chậm chạp kể lại cuộc đời đầy bất hạnh của mình. Năm 1953, bà nên duyên với ông Nguyễn Văn Thư, người cùng xã. Sau khi lấy nhau, hai ông bà có với nhau được 6 người con gái. Những tưởng, có được nhiều con sau này tuổi già sẽ có thể trông cậy được, “nhưng không ngờ số phận của mình cuối cùng lại hoàn toàn đi theo hướng ngược lại”, bà Yến ngậm ngùi.
Sống với nhau được hơn chục năm thì ông Thư đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh vào năm 1966, để lại cho bà Yến 6 người con nheo nhóc. Một năm sau khi ông Thư qua đời, bất hạnh lại ập đến khi người con gái lớn của bà cũng mất vì bệnh tật. “Khi đó tôi chỉ biết khóc ngất. Hai năm liên tiếp mất đi hai người thân ruột thịt, tôi tưởng mình sẽ không gắng gượng nổi nhưng anh em họ hàng, bà con lối xóm động viên tôi cố sống để còn lo cho cái Cần”, vừa nói nước mắt bà lăn dài trên gò má.
Tuy nhiên, bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó, sau cái chết của bố và chị gái, chị Nguyễn Thị Cần vốn là một cô gái nhanh nhẹn học giỏi được bà yêu quý nhất bỗng trở nên lầm lì, ít nói rồi được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần khiến bà như bị cắt từng khúc ruột.
“Cần nó học giỏi lắm, hồi lớp 9 còn được nhà trường miễn thi tốt nghiệp. Các thầy cô còn bảo với tôi là nó có khả năng học cao lên nữa nên tôi mừng lắm. Vậy mà, sau khi cha và chị gái mất, nó cả ngày chả nói đến một câu, thi thoảng lại lẩm nhẩm một mình chả ai hiểu gì. Mọi người cứ bảo nó bị ma nhập. Tôi đưa nó đến bệnh viện khám thì bác sĩ bảo nó bị tâm thần, phát thuốc cho về điều trị mãi không thấy khỏi. Giờ thì nó cứ suốt ngày lang thang, quần áo tôi cũng phải giặt cho”, bà Yến cho biết.
Kể dở câu chuyện buồn, bà Yến lại lom khom người đi xuống bếp xem con gái làm gì. Tiếng bà cụ nhẹ nhàng dặn Cần đong gạo và nhớ cho nước vào mới nấu được. “Có hôm tôi quên để ý, nó cứ thế mà đun gạo lên cháy khét lẹt chả có cơm mà ăn”, bà trở lại giải thích cho khách hiểu.
Bà cụ Yến chống cuốc đi từ đồng về. |
Sợ khi qua đời không ai trả nợ cho con gái
Do những người con còn lại đều lần lượt đi lấy chồng xa nên thi thoảng mới có thể ghé về thăm mẹ và em gái. “Vì điều kiện nên họ chỉ về được thời gian ngắn. Ai cũng có cuộc sống riêng, vả lại, họ cũng phải theo nhà chồng, không thể lúc nào cũng có thể đến trông nom mẹ già và em gái được”, một người hàng xóm chia sẻ.
Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bà Yến bảo có đêm bà mãi mà không ngủ được vì mai chưa biết kiếm cái gì để hai mẹ con ăn uống. Tuy nhiên, đấy vẫn chưa phải nỗi lo duy nhất, trong thâm tâm người phụ nữ tội nghiệp này, bà luôn cánh cánh về số tiền mà nhà nước hỗ trợ giúp bà xây nhà chưa thể hoàn trả được. “Tôi lúc nào cũng bớt ăn, bớt tiêu, hàng tháng gom góp rồi nhờ ông Trưởng xóm gửi lại cho Nhà nước. Tôi chỉ sợ mình mà chết đi, cái Cần chả thể tự chăm sóc bản thân thì làm sao mà trả nợ. Không trả hết nợ thì mang tiếng lắm”.
Hiện nay, bà Yến và con gái đều hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước. Cả hai mẹ con được 360.000 đồng/tháng nhưng số tiền này không thấm tháp vào đâu. Vì thế, hàng ngày, bà Yến vẫn phải lụi cụi ra đồng cuốc, xới mấy luống rau. “Người ta chỉ mất một ngày là làm xong ruộng rau, tôi đây có khi mất cả tuần trời vì cứ ngồi lê mà làm, có cúi được đâu”, bà Yến vừa cười, vừa nói.
Ngoài mấy luống rau, để có thêm thu nhập, bà Yến chăn thêm đàn gà. Với bao công sức chăm bẵm, dự định bán đi sẽ có một khoản tiền. Vậy mà: “Vừa rồi định bán mấy con gà để dành dụm chút ít thì đàn gà lại bị dịch chết hơn nửa, còn mấy con thì ốm chắc chả lớn được nữa. Chắc tôi sẽ mua mấy quả trứng để ấp đàn gà khác”.
Trước đây, khi còn sức khỏe, bà Yến vẫn lo lắng chăm sóc cho người con tâm thần chu đáo, nhưng khoảng 3 năm gầy đây, lưng bà bị còng, đi lại đã “như đánh vật” khiến bà càng vất vả hơn.
Anh Lê Quang Tân (Cán bộ xã Bình Thuận) cho biết: “Đến vụ gặt, bà Yến có hơn sào ruộng thôi nhưng cụ vẫn phải tự tay ra đồng cắt từng lượm lúa, mỗi ngày băm từng miếng chuối để chăn gà lo dành tiền trả nợ, việc ăn uống của hai mẹ con đều nhờ đôi bàn tay cần mẫn của cụ”.
Bữa cơm hằng ngày có khi thì chỉ có cơm và rau. Ngó xem nồi thức ăn khi chúng tôi qua bếp của hai mẹ con, chỉ là một ít cà chua đun lẫn với ít cá khô đựng trong một chiếc nồi nhỏ xíu.
Sức khỏe của cụ Yến đang ngày một yếu đi, cụ nặng tai và thường xuyên đau ốm. Điều may mắn là, hàng xóm xung quanh biết hoàn cảnh của cụ nên vẫn thường xuyên qua lại, ân cần hỏi han và động viên.
Chị Đặng Thị Nguyệt (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thuận) cho biết: “Hoàn cảnh của hai mẹ con cụ Yến gặp rất nhiều khó khăn, bà con hàng xóm ai cũng thương. Chúng tôi cũng thường đến giúp đỡ khi mùa màng, vụ gặt. Tuy vậy, cuộc sống mưu sinh hàng ngày của hai mẹ con thì không ai giúp được nhiều”.
Trần Minh