Mẹ nghĩ gì khi bán con?

Sau khi trao đứa con trai cho gia đình khác, chị Hường không ngờ lại nhớ con đến thế, dù biết giữ con lại không khéo hai mẹ con lại chết đói, chết rét... Nhưng không phải người mẹ nào bán "khúc ruột" của mình cũng có tâm trạng ấy.

Bán đứa con mình rứt ruột đẻ ra, tưởng như không người mẹ nào dám nghĩ đến điều đó chứ đừng nói gì đến làm. Thế nhưng, thực tế có không ít ác mẫu đã làm như thế với lời biện minh: Vì cuộc sống khó khăn túng quấn, vì căm thù đàn ông... Để rồi kẻ phải đền tội sau song sắt, người ân hận cả đời...

“Về với mẹ Hương cơ”

Lúc nói ra những từ ngọng nghịu này, bé trai Trần Văn Tuấn (SN 2006) đâu có hiểu rằng bé đã bị chính mẹ mình (Trần Thị Hương, ở phường Đồng Tiến, TP.Hòa Bình) bán sáng Trung Quốc với giá 15 triệu đồng để có tiền mua... ma túy.

Hình minh họa
Hình minh họa

Quá khứ có hai tiền sự về hành vi bán dâm, một tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, bản thân Trần Thị Hương cũng bị nghiện ma túy nặng. Bé Tuấn là đứa con trai ngoài giá thú thứ nhất của Hương. Năm 2009, Hương sinh thêm một bé trai nữa nhưng đã được gia đình bên ngoại gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình nên ở bên Hương chỉ còn bé Tuấn.

Nghiện ma túy lại không có công ăn việc làm, Hương luôn bị những cơn nghiện hành hạ vì thiếu tiền mua thuốc. Trong mối quan hệ xã hội, Hương có quen biết với một người đàn ông ở phường Phương Lâm, TP.Hòa Bình và qua người đàn ông này, Hương đã bắt quen với Bùi Thị Mẹo (47 tuổi, ở xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) là bồ của ông ta.

Qua câu chuyện với Mẹo, Hương được biết người phụ nữ này vừa ở Trung Quốc về, rằng ở bên đấy Mẹo có quen biết với một đối tượng làm nghề thợ rèn và được anh ta đặt vấn đề muốn xin hoặc mua một bé trai Việt Nam về làm con cháu trong nhà. Biết “hoàn cảnh” của Hương, Mẹo đã đề nghị Hương bán Tuấn nhưng Hương lắc đầu.

Tuy vậy, sau khi rời khỏi nhà Mẹo, lời đề nghị bán con và số tiền Mẹo đưa ra không thể rời khỏi đầu óc Hương. Khoảng 1 tháng sau, khi đang lên cơn đói thuốc, Hương đã đến nhà Mẹo để hỏi vay tiền nhưng không được. Đang thèm thuốc, nghe Mẹo nhắc lại lời đề nghị cũ, Hương đã không còn nghĩ tới tình mẫu tử và đồng ý luôn.

Ngày 6/12/2009, Mẹo đón hai mẹ con Hương đưa sang Tùng Chúng, Trung Quốc. Chiều hôm đó, ở nhà người thợ rèn, do Hương lên cơn nghiện nên đã nhận trước 500.000 đồng trong tổng số tiền 15 triệu bán con rồi về Việt Nam trước, để cháu Tuấn lại. Khi thấy Hương trở về không có bé Tuấn, người nhà Hương đã làm đơn tố cáo với công an.

Từ lá đơn tố cáo này, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp cùng Công an Biên phòng Đồng Tông - Cục Công an TP cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bắt giữ Bùi Thị Mẹo và dò tìm tung tích cháu Tuấn. Ngày 15/3/2010, cháu bé đã được giải cứu an toàn và được Đồn Công an Biên phòng Đồng Tông (Trung Quốc) trao trả cho Công an tỉnh Hòa Bình.

Sau 4 tháng ở đất Trung Quốc, Tuấn đã học được nhiều từ ngữ của đất nước này nên khi cần ăn, uống, cháu toàn nói tiếng Trung Quốc. Câu tiếng Việt mà Tuấn nói sõi nhất vẫn là “về với mẹ Hương”.

Ngày 17/3/2010, trước sự chứng kiến của VKSND tỉnh Hòa Bình, chính quyền địa phương, cháu Trần Văn Tuấn đã được trao cho gia đình bà Trần Thị Bé, chị gái của Trần Thị Hương, mang về nuôi dưỡng.

Đằng sau một vụ bắt cóc

Một buổi chiều cuối tháng 10/2010, tại trụ sở Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), một phụ nữ dáng vẻ lếch thếch đã đến trình báo về việc con trai chị, cháu Nguyễn Văn Linh (SN 2009) bị bắt cóc. Người này là Bùi Thị Hường (SN 1986, thường trú tại TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Theo lời kể của Hường, ngày 23/10, chị đưa con trai đến chùa Bồ Đề thắp hương. Ở đây, chị có nhờ một người phụ nữ khoảng 40 tuổi bế hộ cháu. Thắp hương xong quay ra, chị không tìm thấy người phụ nữ cùng con mình nên đã đi tìm mất 3 ngày rồi mới đến công an trình báo.

Thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an phường Bồ Đề đã nhờ sự hỗ trợ của Đội hình sự Công an quận Long Biên và những điều tra viên giỏi nhất đã được tung đi để tìm kiếm cháu bé.

Qua điều tra, các nhân chứng xác nhận đúng là ngày 23/10, mẹ con chị Hương có đến chùa Bồ Đề thắp hương, nhưng không có một vụ bắt cóc nào xảy ra cả vì không thấy ai kêu khóc, tìm kiếm gì. Cũng theo các nhân chứng, ngay sáng hôm đó, họ còn thấy mẹ con chị Hường thuê xe ôm đi cùng bà Xinh - một người bán vàng mã, hương hoa trước cổng chùa.

Ngay lập tức, bà Xinh được mời về trụ sở công an và sự thật của “vụ bắt cóc” đã được hé lộ. Số là qua câu chuyện vãng lai, bà Xinh đã biết được hoàn cảnh éo le của mẹ con chị Hường qua chính lời chị này kể, biết được cả ý định của chị Hường muốn tìm gia đình tốt bụng, hiếm muộn nào đó nuôi giúp đứa con tròn tuổi của mình.

Nói chuyện với chị Hường, bà Xinh cũng chợt nhớ ra bà có quen vợ chồng anh Phương, chị Diễm ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Gia đình này rất khá giả nhưng lại hiếm muộn và muốn xin con nuôi. Thấy hai bên có nhu cầu khớp nhau, bà Xinh đã tổ chức cho họ gặp mặt. Sau cuộc trò chuyện, thấy vợ chồng anh Phương tử tế, chị Hường đã đồng ý trao con trai mình cho họ. Vợ chồng anh Phương đưa chị Hường 10 triệu đồng gọi là tiền tàu xe và chị này đã đưa cho bà Xinh 3 triệu đồng.

Nhưng, sau khi cho đi đứa con trai bé bỏng, chị Hường không ngờ rằng mình lại nhớ con đến thế, dù biết rằng giữ con lại bên mình cũng không thể nuôi con mà không khéo hai mẹ con lại chết đói, chết rét khi mùa đông đang đến gần. Chị nhớ nét mặt hay cười, đôi bàn tay hồng hồng bé xíu của con, nhớ mùi thơm của sữa trên áo con, nhưng chị cũng không biết nói sao với vợ chồng anh Phương để xin lại đứa con vì họ đã đối xử với mẹ con chị quá tử tế. Rồi trong lúc nhớ con đến cùng cực, chị đã tìm đến đồn công an...

Trả cháu Linh về với mẹ tại đồn công an, vợ chồng anh Phương cũng rất quyến luyến với cháu, họ đã biếu chị Hường một số tiền để chăm lo cho con và tạo dựng cuộc sống. Thay cho một vụ án hình sự, sự việc đã khép lại khi sự thật được làm rõ và cũng bởi vì những người trong cuộc chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm. Họ đáng thương hơn đáng trách, nhất là chị Hường. Ôm chặt con vào lòng, người mẹ dại dột cứ khóc mãi “chỉ vì chút cạn nghĩ mà suýt tôi đã phải ân hận suốt đời...”.

Kết

Dân gian vẫn thường nói “Phúc đức tại mẫu” để chỉ việc cư xử của người mẹ có ảnh hưởng rất quan trọng đến đời sống, số phận sau này những đứa con. Không người mẹ nào muốn làm cho con cái mình bị tổn thương, thế nhưng vì nhiều lý do mà trong xã hội đã xảy ra không ít câu chuyện thương tâm như trên.

Dương Minh

Đọc thêm