Bản án phúc thẩm số 02/2023/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên liệu đã đạt lý, thấu tình?

(PLM) -  Trần Mạnh Toàn và Phan Thị Trang Đoan là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản” mà Nguyên đơn là Nguyễn Thị Xuân. Vụ án đã qua hai cấp xét xử để ra Bản án sơ thẩm số 20/2022/DS-ST của tòa án thành phố Điện Biên Phủ và Bản án phúc thẩm số 02/2023/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên. Hai bản án có kết quả trái ngược nhau hoàn toàn mặc dù chứng cứ cơ bản vẫn không thay đổi, dù có dấu hiệu sửa đổi hồ sơ vụ án xảy ra ở cấp phúc thẩm để tạo độ xác thực của chứng cứ.
Bản án phúc thẩm số 02/2023/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên liệu đã đạt lý, thấu tình?

Diễn biến vụ án

Ngày 10/10/2021, bà Nguyễn Thị Xuân (trú tại Bản Noong Bua, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên đòi bị đơn gồm ông Trần Mạnh Toàn và vợ Phan Thị Trang Đoan số tiền 850 triệu đồng mà bà cho rằng bị đơn đã vay mình. Trong đơn, bà Xuân trình bày rằng vợ chồng bị đơn ký hợp đồng vay 850 triệu vào ngày 03/9/2019 với thời hạn đáo nợ là ngày 30/12/2020. Bà Xuân có nộp kèm đơn khởi kiện là 01 bản hợp đồng vay tiền ghi ngày 03/9/2019. Bà yêu cầu tòa án buộc vợ chồng bị đơn trả số tiền gốc là 850 triệu đồng, không yêu cầu tòa buộc bị đơn trả lãi.

Vợ chồng ông Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan phủ nhận việc vay tiền bà Xuân. Hai người xác nhận trước thời điểm 03/9/2019 có vay Lê Thị Phương (con gái bà Xuân) nhiều lần và lần nào cũng trả đúng hạn. Hai bên có sự tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ vay nợ. Khi vợ chồng Trần Mạnh Toàn trả khoản vay cuối cùng, bà Lê Thị Phương đưa cho họ một tờ hợp đồng để trống các thông tin và bảo hai người ký vào để làm chứng từ xác nhận tất toán. Vợ chồng Trần Mạnh Toàn đã ký vì tin tưởng. Tờ giấy mà vợ chồng Trần Mạnh Toàn ký chính là bản hợp đồng mà bà Nguyễn Thị Xuân đã sử dụng làm bằng chứng về khoản tiền 850 triệu bà cho hai người này vay.

Ông Trần Mạnh Toàn và bà Phan Thị Trang Đoan là bị đơn trong vụ án

Ông Trần Mạnh Toàn và bà Phan Thị Trang Đoan là bị đơn trong vụ án

Căn cứ, lập luận và phán quyết của tòa án thành phố Điện Biên Phủ

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã xem xét, đánh giá đầy đủ và toàn diện các chứng cứ vụ án, thẩm vấn đương sự, nhân chứng. Bản án số 20/2022/DS-ST được Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên ngày 21/09/2022. Trong bản án này, những đánh giá của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoàn toàn có cơ sở và khách quan.

Thứ nhất, lời khai của nguyên đơn là hợp đồng ký vào ngày 03 tháng 9 năm 2019 và người giúp bà Xuân điền các thông tin về số tiền, địa chỉ v.v là con gái của bà, Lê Thị Phương là không có cơ sở. Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng hợp đồng này không thể được chấp nhận là căn cứ để xác định bị đơn vay tiền nguyên đơn. Hợp đồng không thể được các bên ký vào ngày 03 tháng 9 năm 2019 vì có đầy đủ các chứng cứ chứng minh Trần Mạnh Toàn không ở Điện Biên thời điểm này, Phan Thị Trang Đoan đang dạy học ở trên lớp, bà Lê Thị Phương đang đi du lịch ở Quy Nhơn – Bình Định từ 2 tháng 9 đến ngày 6 tháng 9 năm 2019. Ảnh chụp vợ chồng Lê Thị Phương tại Tháp Đôi Quy Nhơn ngày 2 tháng 9 năm 2019 là minh chứng quan trọng về việc Lê Thị Phương không có mặt ở Điện Biên. Cam đoan của Lê Thị Phương trước tòa rằng mình là người giúp mẹ điền các thông tin trong hợp đồng vào ngày 03 tháng 9 năm 2019 chính là không đúng với các tình tiết của vụ án. Cam đoan của Nguyễn Thị Xuân rằng là chính con mình giúp mình điền các thông tin trên hợp đồng cũng là sự man khai vì lý do trên.

Thứ hai, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận thấy giữa trang 1 và trang 2 của hợp đồng không có sự thống nhất ở các khía cạnh cơ bản. Một là, ở trang 1 thể hiện người vay tiền là Trần Mạnh Toàn, còn trang 2 thì có Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan cùng ký; Hai là, trang 1 không có chữ ký nháy của bị đơn; Ba là, tên gọi văn bản ở trang 1 là hợp đồng vay tiền và trang 2 là giấy vay tiền. Từ những những phân tích và đánh giá chứng cứ này Hội đồng xét xử sơ thẩm đã chấp nhận ý kiến của bị đơn về việc hợp đồng không có thật.

Thứ ba, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện lời khai của các bên, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử sơ thẩm kết luận trong Bản án sơ thẩm số 20/2022/DS-ST rằng “giữa bà Xuân, ông Toàn, bà Đoan không có giao dịch vay tiền với nhau”.

Kết luận này trong Bản án số 20/2022/DS-ST đã dựa trên những chứng cứ tin cậy, được xác thực và không thể phủ nhận cũng như dựa trên việc áp dụng chính xác các quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự, đặc biệt là Điều 127. Hợp đồng không có hiệu lực do có sự lừa dối. Tại bản án sơ thẩm, TAND thành phố Điện Biên Phủ đã tuyên hợp đồng vay tiền ngày 03 tháng 9 năm 2019 vô hiệu và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Xuân.

Toà án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ

Toà án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ

Căn cứ, lập luận và phán quyết của tòa án tỉnh Điện Biên

Bà Nguyễn Thị Xuân đã kháng cáo đến TAND tỉnh Điện Biên. Dù căn cứ thụ lý Đơn kháng cáo rất mơ hồ song TAND tỉnh Điện Biên đã chấp nhận thụ lý. Chính Phó Chánh án TAND tỉnh ông Phan Văn Khanh (hiện nay ông Khanh là Chánh án) đích thân chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm bác toàn bộ bản án sơ thẩm số 20/2022/DS-ST ngày 21/09/2022 của TAND thành phố Điện Biên Phủ, tuyên xử Bị đơn có nghĩa vụ trả cho bà Xuân 850.000.000 đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã ra Bản án phúc thẩm số 02/2023/DS-PT ngày 07/3/2023, HĐXX dựa trên những lập luận sau:

Thứ nhất, ông Toàn có vay nợ tiền của bà Xuân và xin khất nợ nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2021. Tình tiết này phù hợp với lời khai của bà Xuân về việc ông Toàn bà Đoan có vay của bà Xuân số tiền 850.000.000 triệu đồng vào ngày 03/9/2019.

Thứ hai, việc bà Phương vắng mặt, ông Toàn vắng mặt ngày 03 tháng 9 năm 2019 không có nghĩa là hợp đồng không được ký. “Vụ án dân sự chứ không phải là vụ án hình sự mà căn cứ vào các loại tài liệu, chứng cứ khách quan khác để chứng minh cho hành vi ngoại phạm của tội phạm.

Thứ ba, bà Xuân không xuất trình được giấy giao nhận tiền giữa bà và vợ chồng Bị đơn theo yêu cầu của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Bà Xuân cho rằng điều này không cần thiết vì tại trang 2 của hợp đồng đã ghi rõ là “kể từ thời điểm bên B ký vào hợp đồng vay tiền, bên B đã xác nhận đã nhận đủ số tiền do bên A chuyển giao” và mục 7 hợp đồng ghi rõ số tiền do bên A chuyển giao là 850.000.000 đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận lập luận này của bà Xuân và coi đó như là căn cứ xác định sự tồn tại của Hợp đồng vay nợ giữa bà Xuân và vợ chồng Bị đơn.

Thứ tư, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng việc bà Lê Thị Phương, bà Nguyễn Thị Xuân không nhớ việc ký hợp đồng vay tiền ký được thực hiện vào thời điểm cụ thể nào cộng với việc trong hợp đồng không ghi rõ thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc của việc ký hợp đồng nên thời điểm ký không có ý nghĩa đối với việc xác thực hiệu lực của hợp đồng vay tiền.

Thứ năm, kết quả giám định kết luận chữ ký trên hợp đồng là của vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan. Cả hai người đều không có khiếu nại về kết quả giám định.

Từ những lập luận và đánh giá như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan có nghĩa vụ thanh toán 850 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Xuân.

Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên

Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên

Cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện

Giữa Bản án sơ thẩm số 20/2022/DS-ST và Bản án phúc thẩm số 02/2023/DS-PT có sự đối nghịch về kết quả. Đánh giá toàn diện hồ sơ của hai bản án, chứng cứ của vụ án vẫn bảo vệ sự đúng đắn, khách quan của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Nếu toàn bộ các tình tiết của vụ án được xem xét, đánh giá khách quan bởi Hội đồng xét xử phúc thẩm thì công lý hoàn toàn thuộc về vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan.

Luật sư Lê Thị Thu ( Giám đốc Công ty Luật TNHH MIBI LAW - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội ) là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Mạnh Toàn và bà Phan Thị Trang Đoan trong giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm vụ án có ý kiến:

“Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Điện Biên thiếu cơ sở pháp lý, không xem xét toàn diện các vấn đề và bỏ qua nhiều chứng cứ một cách vô lý. Tôi cho rằng không có cơ sở buộc ông Toàn và bà Đoan trả khoản tiền 850 triệu đồng cho bà Xuân, vì không có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy họ có vay bà Xuân khoản tiền này. Hợp đồng nguyên đơn xuất trình chỉ ghi Bên A giao 850 triệu cho Bên B, không có nội dung nào ghi nhận bà Xuân giao 850 triệu cho ông Toàn và bà Đoan. Không có bất kỳ nội dung hay căn cứ nào cho thấy Bên B là ông Toàn và bà Đoan, không có giấy biên nhận tiền, không có nhân chứng về việc giao nhận tiền vay. Ngược lại, vụ án có đến 03 nhân chứng khẳng định chứng minh rằng bà Đoan ông Toàn không có mặt tại Điện Biên lúc “khoảng 15h” ngày 03/9/2019 để ký hợp đồng này (thời gian xác định theo lời khai nhiều lần của mẹ con bà Xuân). Trong bối cảnh không có nhân chứng giao nhận tiền và có 03 nhân chứng chứng minh ông Toàn và bà Đoan không thể nhận tiền, thì thật đáng kinh ngạc là bản án của TAND Điện Biên lại cho thấy: Toà án phủ nhận toàn bộ giá trị nhân chứng và công nhận giá trị của sự việc (vay tiền) mà không có bất kỳ căn cứ và người làm chứng nào. Hội đồng xét xử đã bỏ qua hàng loạt các căn cứ và lời khai trước sau như một của bị đơn mà chỉ căn cứ trên bản hợp đồng đồng vô lý mà nguyên đơn giao nộp cùng lời khai bất nhất mâu thuẫn của nguyên đơn để ra quyết định yêu cầu ông Toàn bà Đoan trả 850 triệu đồng cho bà Xuân. Về kết luận giám định, tôi cho rằng nó hoàn toàn không phải là cơ sở để kết luận giá trị pháp lý của hợp đồng, nó chỉ xác định các yếu tố vật lý hoá học của “tờ giấy” hợp đồng mà thôi, nên không thể là cơ sở để kết luận giá trị pháp lý của hợp đồng trong trường hợp này. Bản án của TAND tỉnh Điện Biên hoàn toàn không thuyết phục tôi”.

Luật sư Vũ Thủy ( Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ) đã có những đánh giá vụ án từ những kiến thức pháp luật và thực tiễn vụ án. Theo ông, hồ sơ vụ án cho thấy Hội đồng xét xử phúc thẩm với sự chủ trì của Phó Chánh án TAND tỉnh Điện Biên Phan Văn Khanh (hiện nay là Chánh án) có những điểm mà TANDTC cần vào cuộc làm rõ. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã có một số sai lầm về tố tụng, về phân tích tình tiết và áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho bà Nguyễn Thị Xuân. Chưa cần đi sâu vào các vi phạm tố tụng, nếu phân tích những kết luận trong Bản án phúc thẩm số 02/2023/DS-PT có thể thấy rõ những bất cập sau:

“ Đầu tiên, Bản án phúc thẩm số 02/2023/DS-PT nhận định rằng vụ án dân sự không phải vụ án hình sự nên không thể áp dụng nguyên tắc ngoại phạm. Đúng là vụ án dân sự thì làm sao áp dụng tình tiết ngoại phạm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng việc vắng mặt của đương sự không có ý nghĩa gì đối với việc xác định đương sự có thực hiện giao dịch dân sự đó không. Chẳng lẽ trong quan hệ dân sự, sự hiện diện của người thực hiện giao dịch dân sự trực tiếp không có giá trị gì sao? Tư duy này khó có thể chấp nhận đối với các thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm.

Thứ hai, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng việc vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan không có mặt ở Điện Biên cũng không có nghĩa là hợp đồng không được ký. Lập luận này là chính của bà Lê Thị Phương được Hội đồng xét xử phúc thẩm lặp lại. Lập luận này đúng trong các giao dịch dân sự ký gián tiếp. Pháp luật cho phép một bên có thể ký trước văn bản giao dịch và một bên có thể ký sau, ký bằng ứng dụng công nghệ tin học. Giao dịch có hiệu lực ở thời điểm bên ký sau ký vào đó. Tuy nhiên, trong vụ án này, Hội đồng xét xử phúc thẩm bỏ qua lời khai và cam đoan của mẹ con bà Nguyễn Thị Xuân, Lê Thị Phương rằng họ đã gặp và ký trực tiếp hợp đồng vào ngày 03 tháng 9 năm 2019 vào lúc 15h30. Hội đồng xét xử bỏ qua lời khai của Lê Thị Phương, Nguyễn Thị Xuân rằng vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan đã đến nhà họ ký hợp đồng này. Họ cam đoan rằng chính Lê Thị Phương là người giúp mẹ điền các thông tin vào hợp đồng vay tiền trong ngày hôm đó. Giả sử Lê Thị Phương, Nguyễn Thị Xuân không nhớ chính xác giờ xong ngay cả suốt ngày 03 tháng 9 năm 2019, tất cả những người này không thể gặp nhau để ký hợp đồng vay tiền vì họ ở quá xa nhau về khoảng cách địa lý.

Thứ ba, bà Nguyễn Thị Xuân không xuất trình được giấy giao nhận tiền xong Hội đồng xét xử phúc thẩm đã dễ dàng chấp nhận lập luận của Bà này rằng giấy giao nhận tiền là không cần thiết vì hợp đồng đã thể hiện rõ số tiền và nghĩa vụ trả tiền. Những người làm trong lĩnh vực tư pháp dân sự phải biết giữa hợp đồng vay tiền và giấy giao nhận tiền có sự khác biệt rất lớn, đóng vai trò hoàn toàn khác nhau. Hợp đồng nói chung, trong vụ án này là hợp đồng vay tiền có vai trò xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên. Các bên cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó theo cách thức, thời điểm, điều kiện được xác định trong hợp đồng. Giấy giao nhận tiền hay biên bản thanh lý hợp đồng, tất toán tiền vay đóng vai trò xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán hay các nghĩa vụ hợp đồng khác. Hợp đồng vay nợ sẽ không được coi là đã thực hiện nếu thiếu việc xác nhận đã thanh toán tiền vay. Việc không xuất trình được giấy giao nhận tiền chứng tỏ các bên chưa thực hiện quyền và nghĩa vụ.

Thứ tư, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng vì trong hợp đồng vay tiền không quy định thời gian bắt đầu ký và thời gian kết thúc ký kết nên chấp nhận khẳng định của bà Xuân về sự tồn tại của việc các bên đã ký hợp đồng. Xin lưu ý rằng, không có hợp đồng nào mô tả thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc ký. Các hợp đồng dân sự, thương mại, lao động đều chỉ xác định: Hợp đồng này được ký vào giờ, ngày tháng năm và có hiệu lực từ ngày giờ, tháng năm cụ thể.

Thứ năm, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan không phản đối kết quả giám định chữ ký và điều đó có nghĩa là họ đã ký hợp đồng vay tiền này. Cách tiếp cận của Hội đồng xét xử phúc thẩm quả là đáng ngạc nhiên. Vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan khẳng định mình đã ký vào tờ giấy để trống và nó đã thành hợp đồng vay tiền trong tay bà Xuân. Đó là bản duy nhất mà họ đã ký sẵn và đưa cho Lê Thị Phương. Hội đồng xét xử đâu cần giám định chữ ký của họ. Điều họ muốn giám định là những dòng chữ do Lê Thị Phương điền vào hợp đồng vay tiền có cùng thời điểm với việc vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan ký vào đó không, là việc sửa hợp đồng này khi nó được chuyển đến TAND tỉnh Điện Biên, là việc nhiều chứng cứ chứng minh sự thừa nhận của bà Xuân là không có hợp đồng vay tiền 850 triệu đó. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bỏ qua tất cả những yêu cầu này của Bị đơn.

Rõ ràng, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Điện Biên đã đưa ra một bản án dựa trên những tự biện về các tình tiết của vụ án chứ không phân tích chúng một cách khách quan, công bằng. Chính vì vậy, bản án rất dễ trở nên một sự nội hàm oan đối với vợ chồng Trần Mạnh Toàn, Phan Thị Trang Đoan không phải từ sự mất mát 850 triệu đồng mà từ sự kỳ thị, sự nghi ngờ của đồng nghiệp, của những người dân về phẩm chất, đạo đức của hai người này”.

Vậy bản chất của vụ án này là hợp đồng vay tiền chưa thanh toán hay là sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Liệu có chăng những dấu hiệu tội phạm diễn ra trong vụ án này? Chúng tôi sẽ thông tin trong các kỳ tiếp theo.

Cùng chuyên mục