Bảo Lâm (Cao Bằng) đánh thức tiềm năng du lịch

(PLM) - Bảo Lâm là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Cảnh sắc hoang sơ, núi rừng trùng điệp cùng nét văn hóa địa phương đặc sắc vẫn được lưu giữ đã cuốn hút du khách đến với vùng đất này.
Bảo Lâm (Cao Bằng) đánh thức tiềm năng du lịch

Tiềm năng để phát triển du lịch ở huyện nghèo

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - ông Mã Gia Hãnh cho biết, với tiềm năng của địa phương, Bảo Lâm đang hướng đến trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng. Dù rằng để tiềm năng trở thành hiện thực là cả một chặng đường rất dài và rất nhiều chông gai.

Năm 2000, huyện Bảo Lâm tách ra từ huyện Bảo Lạc. Bảo Lâm có vị trí địa lý thuận lợi là nằm trên tuyến đường Quốc lộ 34, giao cắt nối liền giữa các tỉnh trong khu vực như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang.

Bảo Lâm nằm ở giữa 3 khu vực du lịch quốc gia nổi tiếng được UNESSCO công nhận là Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Vườn quốc gia Hồ Ba bể (Bắc Kạn). Bảo Lâm đang đề nghị bổ sung tuyến: Cao Bằng - Bảo Lạc - Bảo Lâm - Đồng Văn (Hà Giang).

Với điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống bà con các dân tộc, Bảo Lâm có thể phát triển khá đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch khám phá hang, động, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Thác Thạch Lâm
Thác Thạch Lâm

Có thể kể đến điểm du lịch Núi Phja Dạ (một phần thuộc địa bàn xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm) có độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Dưới chân núi Phja Dạ là nơi sinh sống của đồng bào Mông, Dao. Điểm du lịch này chắc chắn sẽ rất hấp dẫn với du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và khám phá.

Hang Lũng Lòn, Hang Dơi ở Bảo Lâm là những hang động có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, xứng đáng là điểm đến cho những ai ưa thích khám phá. Năm 2016, Hang Lũng Lòn còn gọi là Động Nàng Tiên, được phát hiện tại xã Lý Bôn. Điểm nhấn của hang Lũng Lòn là những thạch nhũ đá được hình thành một cách tự nhiên trông rất đẹp mắt với nhiều hình thù hết sức sinh động.

Hang Lũng Lòn với rất nhiều nhũ đá lung linh

Hang Lũng Lòn với rất nhiều nhũ đá lung linh

Ở xã Đức Hạnh, có hang Dình Phà hay còn gọi là hang Dơi lại đưa du khách dường như lạc bước đến với những câu chuyện cổ tích kỳ bí. Hang Dơi trải qua hàng nghìn năm mới tạo nên những hình thù nhũ đá độc nhất vô nhị, được kết cấu thành nhiều tầng lớp với các khối nhũ đá, măng đá, rèm đá, tường đá, đẹp lung linh như 7 sắc cầu vồng.

Du khách chắc hẳn sẽ bất ngờ khi đến thăm thác nước Thạch Lâm, cách thị trấn Pác Mjầu khoảng 10 km. Thác nước Thạch Lâm như dải lụa vắt xuống từ trên đỉnh núi, xen giữa dòng thác là những ghềnh đá với nền cỏ xanh tươi mang lại vẻ đẹp hoang sơ.

Thác Thạch Lâm điểm đến yêu thích của nhiều du khách
Thác Thạch Lâm điểm đến yêu thích của nhiều du khách

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm còn có các địa điểm du lịch lòng hồ khá hấp dẫn mà không phải địa phương nào của tỉnh Cao Bằng cũng có được. Điểm du lịch Lòng hồ Thủy điện Bảo Lâm 3 thuộc địa bàn xã Lý Bôn và xã Đức Hạnh có chiều dài trên 10 km, hai bên là đồi núi đá tạo cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có tiềm năng khai thác du lịch tham quan, khám phá.

Đồi cỏ Phiêng Mường
Đồi cỏ Phiêng Mường

Với du khách yêu thích khám phá sông nước thì bị thu hút bởi điểm du lịch lòng hổ thủy điện từ thị trấn Pác Miầu xuôi xuống nhà máy thủy điện Bắc Mê (Hà Giang) với chiều dài lòng hồ trên 10 km, đi qua các xóm Chè Pẻn, Bản Đe của thị trấn Pác Miầu, Phiêng Mường (xã Quảng Lâm), và các xóm thuộc địa phận huyện Bắc Mê (Hà Giang) với diện tích hồ nước rộng, lớn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vách núi cao dựng đứng rất đẹp.

Nhân lên nét đẹp văn hóa truyền thống

Ông Mã Gia Hãnh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết thêm: thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, triển khai, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc về nét đẹp văn hóa truyền thống. Huyện duy trì và phát huy các nét đẹp văn hóa của các lễ hội truyền thống như: Lễ hội "Lồng tồng" của dân tộc Tày, Nùng thuộc các xã Mông Ân, Yên Thổ, Vĩnh Quang, Lý Bôn, Nam Quang và thị trấn. Lễ hội "Cầu mưa" của dân tộc Lô Lô xã Đức Hạnh; Lễ hội "Cấp sắc" của dân tộc Sán Chỉ xã Yên Thổ, Mông Ân...

Lưu giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc – Biểu diễn đàn Tính
Lưu giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc – Biểu diễn đàn Tính

Năm 2007, huyện phục dựng hội chọi bò của dân tộc Mông, xã Mông Ân và nâng lên thành lễ hội từ năm 2008 với tên gọi “Lễ hội thi bò đẹp và chọi bò”, được tổ chức ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng nămtại thị trấn Pác Miều. Tham dự sàn đấu chỉ có bò U, một giống bò độc nhất vô nhị, thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao như bò tót, cơ bắp cuồn cuộn to hơn bất cứ giống bò nội địa nào của Việt Nam.

Hấp dẫn Hội chọi bò
Hấp dẫn Hội chọi bò

Du khách đến Bảo Lâm sẽ được tham quan làng văn hóa, khám phá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ít người như tìm hiểunét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô tại xã Đức Hạnh. Hiện tại, Đức Hạnh có 4 xóm với trên 200 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống. Đồng bào Lô Lô nơi đây vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số ít người, bao gồm kiếntrúc nhà ở, tập quán sinh hoạt, canh tác sản xuất, trang phục, lễ hội văn hóa riêng...phù hợp cho loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu....

Bảo Lâm cũng là vùng đất có đặc sản nông nghiệp rất đặc sắc với mận máu, lê vàng tại các xã Vĩnh Phong, Yên Thổ, Thái Sơn và Thái Học có chất lượng ngon khác biệt so với các vùng miền khác do khí hậu và thổ nhưỡng. Vùng đất Yên Thổ thì có một sản vật trứ danh, nổi tiếng khắp gần xa đó là gạo nếp cẩm. Hạt gạo có màu tím đậm, bụng tròn, bóng và khi nấu lên có một mùi thơm rất đặc trưng.

Các món ăn của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lâm cũng rất đa dạng và phong phú, nổi bật có mèn mén của dân tộc Mông, thịt lợn hun khói, thịt chua, vịt quay, lợn quay, lạp xường… của dân tộc Tày, Nùng. Về đặc sản tự nhiên từ rừng Bảo Lâm có măng tươi, măng khô và các loại rau. Dược liệu quý hiếm có hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, trà Giảo cổ lam...

Nỗ lực để Bảo Lâm trở thành điểm đến của du khách

Nhận thức rõ tiềm năng để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Bảo Lâm đã có rất nhiều giải pháp từ huy động nguồn lực của địa phương cũng như kêu gọi dự hỗ trợ, đầu tư từ các nguồn lực khác. Từ những khó khăn, trở ngại đặt ra trong phát triển du lịch, Bảo Lâm đã xây dựng và đang rốt ráo triển khai thực hiện Đề án phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lâm giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu là đưa huyện Bảo Lâm trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng và các vùng lân cận với các sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Để mở cơ hội đón khách dừng chân từ Hà Giang - Cao Bằng và các tỉnh khác đến, huyện đã quy hoạch phát triển thị trấn Pác Mjầu, chợ đêm, phố đi bộ để bán hàng nông sản, dịch vụ. Chú trọng mở các tour như: Chợ đêm Bảo Lâm - đi thuyền lòng hồ thưởng thức các làn điệu hát Then, Lượn cọi từ thị trấn Pác Mjầu đến Thủy điện Bắc Mê (Hà Giang). Tour tham quan du lịch cộng đồng nhà sản của người Tày tại xóm Phiêng Phay (thị trấn Pác Mjầu); Tham quan Đồi cỏ Cốc Cạch (xã Thái Học); Tour Khám phá Núi Phja Dạ (xã Thái sơn), hang động tại xóm Nặm Trà (xã Thái Sơn)…

Là một huyện nghèo việc đầu tư cho du lịch mang tính bài bản là vấn đề cốt lõi, mang tính căn cơ để phát triển kinh tế - xã hội tại nơi đây. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan mang lại cũng là những khó khăn mà huyện Bảo Lâm đã đang vướng phải. Do đó, Bảo Lâm rất mong nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, các ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để du lịch Bảo Lâm thật sự cất cánh, để thêm nhiều du khách đến với vùng đất đẹp như mơ này.